Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 5-3, Trung Quốc tuyên bố động cơ tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn thế hệ mới đã hoàn tất nhiều đợt phóng thử và sẵn sàng cho dịch vụ phóng thương mại. Với đường kính 2,65 mét, động cơ thế hệ mới này sẽ là động cơ tên lửa đẩy mạnh nhất của Trung Quốc, cung cấp sức đẩy tối đa lên tới 200 tấn với tải trọng 71 tấn.
Trung Quốc phát triển một loạt tên lửa đẩy Trường Chinh để đáp ứng nhu cầu các hoạt động vũ trụ của mình. Ảnh: takungpao.com |
Thế hệ tên lửa này thuộc “gia tộc” Trường Chinh sử dụng nhiên liệu rắn, có thể thực hiện vụ phóng trong vòng 24 giờ. Đây là một bước đi khá thành công trong chương trình vũ trụ của nước này nhằm đáp ứng nhu cầu các hoạt động vũ trụ của Bắc Kinh.
Trong những năm gần đây, thị trường hàng không vũ trụ thương mại quốc tế phát triển mạnh, nên các loại tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc cũng lần lượt cung cấp dịch vụ phóng thương mại quốc tế cho các nước như Lào, Belarus… dưới sự thúc đẩy của nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương.
Hiện Trung Quốc đang tích cực triển khai lĩnh vực ứng dụng hàng không vũ trụ, đưa ra giải pháp trọn gói về hàng không vũ trụ thương mại với toàn cầu như cung cấp dịch vụ phóng, xuất khẩu vệ tinh, chuyển giao công nghệ và đào tạo, xây dựng trạm mặt đất…
Theo Viện sĩ hàn lâm Long Lehao thuộc Viện Hàn lâm kỹ thuật Trung Quốc và là kiến trúc sư trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ thiết bị phóng Trung Quốc (CALT), nước này muốn phát triển một loạt tên lửa đẩy Trường Chinh cỡ nhỏ, trung, lớn và siêu trọng vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu các hoạt động vũ trụ của mình.
Trong bài phát biểu tại Đại học Thanh Hoa, chuyên gia Long Lehao cho hay, khả năng tên lửa của Trung Quốc có thể đẩy 140 tấn lên quỹ đạo trái đất tầm thấp, 44 tấn lên quỹ đạo từ trái đất đến sao Hỏa, 50 tấn lên quỹ đạo từ trái đất đến mặt trăng và 66 tấn lên quỹ đạo địa tĩnh trong năm 2030.
Một trong những tên lửa thế hệ mới sẽ là tên lửa Trường Chinh 9 siêu trọng có đường kính 10 mét, 4 động cơ phụ trợ với đường kính lên tới 5 mét, có khả năng đẩy 140 tấn lên quỹ đạo trái đất tầm thấp. Tên lửa Trường Chinh 9 có 2 phiên bản: một loại có 2 động cơ phụ trợ còn loại khác không có động cơ này. Trung Quốc đã đạt được một số đột phá về công nghệ tên lửa Trường Chinh 9.
Loại tên lửa này có thể được sử dụng trong việc đưa tàu có người lái lên mặt trăng, khảo sát vũ trụ và xây nhà máy chạy bằng năng lượng mặt trời trên vũ trụ. Chuyên gia này cũng cho hay, Trung Quốc đang phát triển tên lửa vũ trụ có thể tái sử dụng mang tên Trường Chinh 8, dự kiến thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào khoảng năm 2021. Tên lửa này sẽ có 2 tầng và 2 động cơ phụ trợ. Dự kiến, tầng đầu tiên và các động cơ phụ trợ sẽ được sử dụng lại.
Phát biểu tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 12, diễn ra tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, ông Song Zhengyu-Trưởng dự án phát triển loại tên lửa mới, cho biết tên lửa Trường Chinh 8 được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu tên lửa thương mại quỹ đạo tầm trung và tầm cao và giúp nâng cấp hệ thống các tên lửa đẩy của Trung Quốc hiện đang được sử dụng.
Loại tên lửa mới do Viện Công nghệ tên lửa đẩy Trung Quốc phát triển, có khả năng đưa hàng hóa hoặc vệ tinh trọng lượng từ 3 đến 4,5 tấn vào quỹ đạo quanh mặt trời và đẩy vệ tinh vào quỹ đạo trái đất thấp hoặc quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh. Với giá thành phải chăng, quy trình chuẩn bị phóng đơn giản và khả năng thích ứng tốt với nhiều địa hình phóng khác nhau, tên lửa Trường Chinh 8 của Trung Quốc được cho là sẽ có sức cạnh tranh cao khi được tung ra thị trường.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc cho hay cuộc thử nghiệm tên lửa Trường Chinh 5 hôm 2-7-2017 đã gặp phải sự cố bất thường trong quá trình bay sau khi dường như rời bệ phóng thành công từ Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương tại tỉnh đảo Hải Nam.
Vụ thử thất bại tên lửa Trường Chinh 5 của Trung Quốc được cho là bước thụt lùi hiếm hoi trong chương trình vũ trụ rất thành công của nước này, làm trì hoãn việc đưa tàu vũ trụ lấy các mẫu vật từ mặt trăng. Các chuyên gia nhận định sự cố vẫn chưa có lời giải thích này cho thấy, bất chấp những thành công, cách tiếp cận mang tính hệ thống của Trung Quốc đối với vấn đề thám hiểm không gian không thể tránh khỏi những khó khăn cũng như rủi ro trong quá trình làm việc với các công nghệ tiên tiến này.
Hồi tháng 10-2014, tàu thăm dò Change 5-T1 (Hằng Nga 5-T1) của Trung Quốc đã hoàn thành một quỹ đạo quanh mặt trăng, đánh dấu lần đầu tiên một chuyến bay vòng quanh mặt trăng được thực hiện kể từ khi Mỹ và Nga tiến hành các chuyến bay dạng này hồi thập niên 1970. Hằng Nga 5-T1 là tiền thân của Hằng Nga 5, một loại tàu thăm dò dự kiến sẽ mang về trái đất các loại đất đá (regolith) khai thác được từ độ sâu 2 mét trên mặt trăng, được cho là có chứa chất helium-3 quý giá cho việc sản xuất năng lượng.
Mục tiêu chính của Hằng Nga 5-T1 trong cuộc thám hiểm nói trên là để thử nghiệm khả năng tái thâm nhập khí quyển trên một khoang giống như khoang được thiết kế cho Hằng Nga 5. Giống như tàu thăm dò Yutu, điểm đến của Hằng Nga 5 trên mặt trăng là Mare Imbrium, còn được gọi là “Biển mưa” - một trong những vùng biển rộng lớn hình thành từ miệng núi lửa trên mặt trăng, có thể nhìn thấy từ Trái đất, và được đánh giá là một nơi tích tụ nhiều helium-3.
Nguồn tài nguyên đặc biệt này đang thúc đẩy Trung Quốc mạnh dạn đi đầu trong cuộc đua không gian bí mật giữa các cường quốc nhằm giành giật helium-3, một loại khí giàu năng lượng nhất mà con người được biết cho tới nay và quan trọng hơn, cho việc chế tạo các loại vũ khí hạt nhân thế hệ thứ tư.
Đoàn Gia Huy (tổng hợp)