Bà ngoại thời @

.

Đón một đứa cháu ngoại về sống cùng bà để tiếp tục đến trường trong những tháng năm bà đã nghỉ hưu và sống một mình những tưởng là một giải pháp khả dĩ với nhiều người. Nhưng với bà Martha trong tiểu thuyết Bà ngoại thời @ (*) của Susie Morgenstern lại là một câu chuyện dài về sự xáo trộn nếp sống vốn dĩ êm đềm và cả sự đổi thay về cách nhìn nhận việc tiếp cận công nghệ của người lớn đối với lớp trẻ.

Bà Martha là một giáo viên tiểu học nghỉ hưu, sống một mình cách xa trung tâm thành phố. Nice - nơi bà ở, đúng nghĩa một miền quê. Nhà bà ở lại càng “quê” hơn, quê như cách thời bà sống tới vài thế kỷ khi căn nhà có lắm thứ không: Không ti-vi, không Internet, không điện thoại di động… Những thứ không đó chính là điều kiện để con gái bà gửi về cho bà đứa cháu trai 16 tuổi bị nghiện máy tính và điện thoại và đủ các thể loại màn hình.

Sam không phản đối chuyện phải chuyển về quê cùng bà ngoại. Cậu mặc nhiên coi đó là sự sắp đặt không thể đổi thay của bố mẹ dành cho mình. Dù không dễ dàng để cậu rời bỏ nơi mình sống với những điều kiện hiện đại, nhất là mạng Internet có mặt khắp nơi để về với nơi tuyệt nhiên không có dấu tích của sự phát triển công nghệ.

Còn bà ngoại Martha có phần buông xuôi trước lời đề nghị của con gái về việc gửi Sam về quê. Cuộc sống một mình trong căn nhà nhỏ với những thói quen cố hữu từ việc chuẩn bị bữa ăn cho đến nếp sinh hoạt đã thành thói quen khó bỏ. Martha phải sắp xếp lại mọi thứ, phải từ bỏ thói quen ăn thức ăn nhanh, chăm chỉ đi chợ mỗi ngày để đứa cháu có những bữa ăn tươi đủ đầy dinh dưỡng. Bà cũng phải hy sinh những vật dụng quen thuộc trong gia đình đã gắn bó gần trọn cuộc đời với người bạn đời tri kỷ để nhường chỗ cho cây đàn piano của Sam.

Những cuộc chuyện trò giữa hai bà cháu được Martha dẫn lối như hai người bạn. Ở đó có sự sẻ chia, đồng cảm và thông cảm cho nhau. Nhưng Martha vẫn giữ những nguyên tắc của riêng mình không để cháu đi quá giới hạn mà quên mất nhiệm vụ chính là học tập. Sam có một không gian độc lập, bày tỏ suy nghĩ độc lập nhưng khoảng cách giữa bà và cháu luôn được gìn giữ đúng mực và tôn trọng bà.
Martha chăm sóc Sam bằng tình yêu thương tuyệt vời của một người bà. Tình yêu ấy thể hiện qua từng món ăn bà chăm chút nấu cho Sam. Bà còn truyền cảm hứng đọc sách cho Sam, đọc thơ cho Sam nghe. Đổi lại Sam đàn cho Martha nghe những bản nhạc hay. Dần dần, cả hai bà cháu đều tình nguyện sắp xếp cuộc sống theo ý muốn của mình để chia sẻ yêu thương cùng nhau và cùng nhau tận hưởng không khí trong lành và thiên nhiên tươi đẹp ở Nice.

Mạch truyện kể về những tháng năm của Sam ở Nice hẳn sẽ nhàm chán nếu như Susie Morgenstern không khéo léo tạo ra sự hoán đổi trong cách tiếp cận cộng nghệ. Sam từ một cậu bé nghiện Internet, chìm sâu vào thế giới công nghệ đã được bà ngoại cảm hóa, “cai nghiện” và dẫn dắt cậu khám phá ra nhiều giá trị đích thực của cuộc sống mà công nghệ không thể đem lại. Thì trớ trêu thay, từ một lần được cháu dẫn đến cửa tiệm, chỉ dẫn cách tra cứu trên máy tính, sự tò mò trong bà Martha trỗi dậy. Bà quay trở lại cửa tiệm nhiều lần và quyết định mua máy tính xách tay.

Sức hút của chiếc máy tính khiến bà trở nên xao nhãng đứa cháu. Hình ảnh một người bà lúc nào cũng mong xong việc để cuộn mình vào chăn và tí tách bấm bàn phím. Chiếc máy tính vắt kiệt sức bà. Những cuộc tình qua mạng bắt đầu xuất hiện với đủ thứ mộng mơ như thời xuân trẻ hiện qua những dòng tin nhắn cứ cuốn Martha vào… Rồi tiếp đó, khi đối mặt với thực tế ngoài đời ở những cuộc gặp gỡ, bà chợt nhận ra những mối tình đấy không như niềm mong đợi và cũng không lãng mạn như những tin nhắn qua mạng thì bà lại quay sang tìm những người bạn cũ. Họ chuyện trò và sống lại thời đi học, ngỡ như tuổi tác không là gì khi công nghệ được kết nối giữa họ. Và còn muôn vàn thứ hay ho khác mà Martha khám phá ra từ chiếc máy tính biết tuốt giấu trong chăn khiến Martha quên bẵng lý do Sam đến với bà.

Sam nhận ra sự đổi thay của bà nhưng cậu không mảy may hoài nghi việc chính bà ngoại của cậu lại bị dính vào màn hình máy tính để dẫn đến điều đó. Cậu lo lắng bà bị bệnh rồi thất vọng khi phát hiện ra bà cũng dùng máy tính. Cậu đã bỏ nhà đi. Chính lúc này, cả Martha và bố mẹ Sam mới nhận ra rằng, mọi thứ đều cần có chừng mực.

Máy tính được bố mẹ mang từ thành phố đến trả lại cho Sam. Còn Martha rời bỏ những thú vui vô bổ chiếm gần hết thời gian của bà thông qua những cuộc nhắn tin trò chuyện qua mạng. Kết thúc năm học, Sam tình nguyện ở lại với bà để tiếp tục theo học. Tình yêu thương của bà đã giúp Sam “cai nghiện” các thể loại màn hình thành công. Sam trở thành người cháu có trách nhiệm khi không muốn rời xa bà dù Nice vẫn là một miền quê và những tiện nghi trong căn nhà của bà vẫn không mấy đổi thay so với ngày Sam đến.

Lời văn dí dỏm, nhẹ nhàng, Bà ngoại thời @ khiến người đọc suy ngẫm không chỉ ở tình yêu của người bà giúp cháu mình vượt qua cám dỗ của Internet mà Susie Morgenstern chứng minh một điều rằng, không phải công nghệ mà là chính bản thân mỗi người, cả người già và người trẻ cần phải biết làm chủ cuộc sống của mình mà trong đó công nghệ chỉ là một phần nhỏ để hỗ trợ cho công việc.

Phan Vĩnh Yên

(*) Bà ngoại thời @ của Susie Morgenstern do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành năm 2018.
 

;
;
.
.
.
.
.