Vào ngày 30-4 tới đây, Nhật hoàng Akihito (85 tuổi) sẽ thoái vị và chấm dứt niên hiệu “Heisei” (Bình Thành) được sử dụng trong suốt 30 năm trị vì để nhường ngôi cho Thái tử Naruhito (59 tuổi).
Niên hiệu mới có tên “Reiwa” (Lệnh Hòa) là niên hiệu thứ 248 của Nhật Bản kể từ ngày 1-5-2019, đánh dấu một trong những thay đổi lớn nhất, cả trong thực tế và trong tâm lý đối với Nhật Bản. Bởi nó được bắt nguồn từ Manoyoshu, tuyển tập thơ ca lâu đời nhất của Nhật Bản với lịch sử hơn 1.200 năm, chứ không phải trích xuất từ sách cổ Trung Quốc.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga công bố niên hiệu mới tại một buổi họp báo. Ảnh: Reuters |
Nhật hoàng đầu tiên thoái vị trong vòng 200 năm
Tờ The Japan Times dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, niên hiệu mới sẽ “báo hiệu một thời kỳ mới tràn trề hy vọng”. Trong khi đó, triều đại của Nhật hoàng Akihito mang tên “Heisei”, có nghĩa “hòa bình ngự trị mọi nơi”.
Niên hiệu đầu tiên của Nhật hoàng là Taika, bắt đầu từ năm 645. Các niên hiệu trong thời hiện đại gồm Meiji (1868-1912), Taisho (1912-1926) và Showa (1926-1989). Niên hiệu của triều đại hiện nay là Heisei, bắt đầu từ ngày 8-1-1989 khi Thái tử Akihito đăng quang kế vị Nhật hoàng Hirohito, người cầm quyền trong suốt triều đại Showa và ngày nay còn nổi tiếng với tên gọi Hoàng đế Showa.
Dù không nắm quyền lực chính trị nhưng Nhật hoàng đóng một vai trò vô cùng quan trọng như một biểu tượng quốc gia, chủ trì tiếp đón nguyên thủ các nước tới Nhật Bản, cũng như thực hiện các chuyến công du nước ngoài thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Nhật Bản.
Trong suốt thời gian trị vì, Nhật hoàng Akihito luôn được người dân Nhật Bản kính trọng, yêu mến. Vào năm 2016, Nhật hoàng Akihito bày tỏ ý nguyện thoái vị do tuổi cao và sức khỏe không bảo đảm. Tháng 6-2017, Nhật Bản ban hành luật có hiệu lực một lần, theo đó Nhật hoàng Akihito sẽ trở thành người đứng đầu Hoàng gia Nhật Bản đầu tiên trong vòng 200 năm qua chính thức thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Thái tử Naruhito. Đây là sự kiện lịch sử ở Nhật, được đánh dấu bằng hàng loạt đặc san từ các báo, các cuốn lịch, các chứng chỉ bằng cấp, triển lãm thư pháp cũng như các văn bản chính thức.
Theo kế hoạch, lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito bắt đầu từ 17 giờ ngày 30-4 giờ địa phương. Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ gửi lời mời đại diện của 195 quốc gia tham dự sự kiện Thái tử Naruhito đăng quang và dự kiến sẽ có khoảng 300 khách mời, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các thành viên nội các.
Thái tử Naruhito sẽ đăng quang, tiếp nhận y phục và các vật phẩm tượng trưng cho ngôi vị như gươm báu, trang sức. Thủ tướng Abe sẽ tỏ lòng biết ơn tới Nhật hoàng Akihito, trước khi Nhật hoàng phát biểu trước các đại diện của người dân. Sau lễ đăng quang, tân Nhật hoàng sẽ gặp gỡ đại diện của người dân lần đầu tiên.
Thủ tướng Abe và phu nhân Akie sẽ chủ trì yến tiệc đón mừng tân Nhật hoàng. Tại yến tiệc sẽ có biểu diễn văn hóa truyền thống của Nhật Bản, do nghệ sĩ hàng đầu về kịch truyền thống của Nhật Bản Nomura Mansai - người giữ vai trò tổng giám chế lễ khai mạc và bế mạc Olympic và Paralympic Tokyo 2020, chịu trách nhiệm dàn dựng.
Lệnh Hòa ủng hộ cho tinh thần thống nhất của người dân
Theo NHK, Lệnh Hòa được chọn ra trong số 6 niên hiệu được trình lên trước một nhóm 9 thành viên, bao gồm các chuyên gia văn học Nhật Bản, lịch sử Nhật Bản, tác phẩm kinh điển Trung Quốc và lịch sử Đông phương, bên cạnh các đại diện truyền thông và doanh nghiệp.
Niên hiệu mới phải đáp ứng 6 điều kiện: không dung tục, bao gồm 2 ký tự Kanji, dễ đọc, dễ viết, không trùng lặp với những niên hiệu trước đó và không phải là một cụm từ phổ biến. Nhóm đưa ra quyết định cuối cùng nói trên được đưa vào một căn phòng tại Văn phòng Thủ tướng - vốn đã được kiểm tra từ trước để bảo đảm không có thiết bị ghi âm.
Ngoài ra, họ còn phải giao nộp điện thoại và nhiều thiết bị khác để phòng tránh rò rỉ thông tin. Giới chức Nhật Bản tuyên bố mọi niên hiệu bị rò rỉ trước ngày công bố chính thức đều bị thu hồi lập tức. Chánh Văn phòng Nội các Suga cho biết chính phủ sẽ không tiết lộ danh tính của chuyên gia gợi ý niên hiệu “Reiwa”. Bên cạnh đó, 5 niên hiệu không được chọn cũng được giữ bí mật.
Tên “Reiwa” có nguồn gốc từ một câu ca trong cuốn ca tập cổ của Nhật Bản là Manyoshu (Vạn Diệp tập), được Thủ tướng Abe nhấn mạnh là “quốc thư đặc trưng cho truyền thống lâu đời, văn hóa phong phú” của Nhật Bản. Trong cuốn này, Reiwa mang ý nghĩa một mùa xuân mới, lan tỏa hòa bình.
Theo Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, niên hiệu mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2019. Đây là sự kiện lịch sử của Nhật Bản, đồng thời trùng vào “tuần lễ vàng” của nước này, người dân sẽ được nghỉ 10 ngày liên tục. “Chúng tôi hy vọng niên hiệu mới sẽ được công chúng chấp thuận rộng rãi và bám rễ sâu vào đời sống của người dân Nhật Bản”, ông Suga chia sẻ.
Sau công bố của ông Suga, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, niên hiệu mới có nguồn gốc từ một bài thơ viết về mùa hoa mận nở, được trích trong Vạn Diệp tập - tuyển tập thơ ca lâu đời nhất của Nhật Bản ra đời vào thế kỷ VIII. Niên hiệu mới khắc họa “bản sắc quốc gia độc đáo của Nhật Bản, chẳng hạn như lịch sử trường tồn, văn hóa thơm ngát, cũng như thiên nhiên tươi đẹp với 4 mùa rõ rệt” - ông Abe nói.
Về ý nghĩa, niên hiệu thứ 248 này mang hàm ý văn hóa được sinh ra và nuôi dưỡng khi con người “yêu thương, chăm sóc nhau”, đồng thời khẳng định cái tên “Reiwa” được chọn với hy vọng biến Nhật Bản thành một quốc gia mà mọi cá nhân đều có thể đạt được ước mơ của họ, như hoa mận nở rộ sau khi mùa đông khắc nghiệt kết thúc để báo hiệu mùa xuân đã về.
Đây là lần đầu tiên trong suốt gần 1.400 năm, Nhật Bản không lấy niên hiệu từ các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Thủ tướng Abe khẳng định, việc chọn niên hiệu từ một tác phẩm Nhật Bản đã trở thành biểu tượng cho nền văn hóa dồi dào và truyền thống lâu đời của họ là hoàn toàn phù hợp.
“Chúng tôi rất tự hào về lịch sử, văn hóa và truyền thống của đất nước. Chúng tôi muốn niên hiệu phản ánh tương lai của Nhật Bản và cảm thấy rằng đây là cái tên phù hợp nhất. Lệnh Hòa được tạo ra để ủng hộ cho tinh thần thống nhất của người dân”, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ.
Các văn phòng thành phố và cơ quan chính phủ, nơi sử dụng niên hiệu cho hệ thống máy tính và những công việc bàn giấy, đã chuẩn bị hằng tháng trời để tránh gặp sự cố sau khi niên hiệu được thay đổi. Tên Lệnh Hòa sẽ được in trên lịch, đồng xu và tài liệu chính thức bắt đầu từ ngày 1-5.
Theo The Straits Times, Nhật Bản dường như “ngừng chuyển động” khi hàng triệu người trên khắp quốc gia này, dù đang ở nhà hay làm việc, đều dừng tay để theo dõi thông báo của ông Suga. Tại thủ đô Tokyo, những người chăm chú dõi theo các màn hình khổng lồ ở nơi công cộng đã không giấu được niềm phấn kích hay thậm chí là những giọt nước mắt xúc động khi niên hiệu mới được công bố.
Những phản hồi ban đầu khá tích cực, rất nhiều người phụ nữ cho rằng niên hiệu mới “rất dễ thương” hoặc “rất hay”. Nghệ sĩ hài Purin Shogun thì cho rằng tên Lệnh Hòa mang lại cảm giác như “hòa bình thế giới”.
Đoàn Gia Huy (tổng hợp)