Thèm sách

.

Đứng giữa một rừng sách ở hội sách Hải Châu đang diễn ra trong những ngày này tại Đà Nẵng với hàng nghìn tựa sách hay đủ các thể loại của các tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước, tôi đâm ra bối rối vì không biết nên chọn mua cuốn nào. Và cũng biết là có mua về rồi cũng khó mà đọc hết, nhưng vẫn cứ chọn mua rồi khệ nệ ôm về.

Tôi vốn ham sách, hễ thấy sách là mua nên tủ sách ở nhà mỗi ngày một nhiều, rồi chỗ nào cũng chất đầy sách, mà thời gian để đọc thì ngày càng ít. Bỗng thấy tiếc khoảng thời gian lúc còn đi học, thời đó sách như một món quà quý hiếm mà bất cứ đứa học trò nào cũng thèm.

Các em nhỏ háo hức với sách. Ảnh: K.E
Các em nhỏ háo hức với sách. 

Tôi biết đọc sách từ hồi mới lên bảy tuổi. Thuở đó, không có nhiều sách và ba mẹ tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mua sách cho con đọc. Có lẽ lúc đó không chỉ có ba mẹ tôi mà ai cũng vậy. Lo chạy ăn cho con mướt mồ hôi, đâu còn ai quan tâm con thích thứ gì. Tôi như một đứa nghiện đọc, vớ được cuốn nào đọc ngấu nghiến cuốn đó, miễn là trong đó có chữ. Mới lớp Hai tôi đã mày mò đọc sách.

Cuốn sách đầu tiên khai mở niềm đam mê đọc sách của tôi là cuốn Truyện cổ nước Nam của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Rồi những cuốn kinh điển của các nhà văn Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo… trong tủ sách Tự Lực Văn đoàn tôi đều đọc hết, dù lúc đó chỉ nắm cốt truyện chứ không hiểu hết nội dung. Thèm sách quá, hễ có ai đọc sách, tôi tìm cách ngồi kế bên đọc cọp. Nhà hàng xóm nào có tủ sách, tôi lân la mượn đọc, không cho đem về, tôi ngồi tại chỗ đọc cho bằng hết.

Lên lớp Năm, tôi đã đọc gần hết các tác phẩm của nhà văn Duyên Anh, Mường Mán, Từ Kế Tường… Đọc trong mọi hoàn cảnh, từ ngồi đun bếp đến leo lên gác tìm chỗ vắng trốn ba để đọc. Có lần tôi nấu cơm, mượn được cuốn sách mà bạn đòi trả gấp, tôi vừa đun bếp vừa đọc mê mải, lửa bén cháy khét lẹt nồi cơm mà không hay. Lần ấy phải đào đất chôn mớ cơm cháy khét rồi nấu lại nồi khác để ba không biết, tránh bị đòn.

Tôi đem cả sách vô lớp đọc, bị thầy cô phát hiện nhiều lần, chép phạt mỏi cả tay nhưng chứng nào tật ấy không bỏ. Không có sách, tôi đọc cả những tờ báo, tạp chí cũ mà mấy bà bán hàng mua lại để gói đồ tạp hóa ở chợ. Tôi nhớ hồi đó có tủ sách Tuổi Hoa, tạp chí Thằng Bờm cho thiếu nhi nhưng không dễ gì có tiền mua, chỉ có ở một số tiệm cho thuê sách. Có đồng nào để dành tôi không dám mua quà, chỉ để thuê sách về đọc. Vì sách thuê theo ngày nên tôi luôn tranh thủ đọc nhanh chừng nào tốt chừng đó rồi thuê cuốn khác, mà không phải trả thêm tiền. Nhờ vậy mà đọc được bao nhiêu là sách.

Khi tôi lên cấp hai thì miền Nam được giải phóng. Và lúc đó tôi biết thư viện là nơi có nhiều sách và có thể mượn về. Nhưng ở nhà thì phải làm việc nhà nhiều, nên hễ có thời gian là tôi ngồi ở thư viện đến quên cả ăn, quên cả những việc phải làm. Hồi đó ở gần chợ Hội An có một phòng đọc sách miễn phí ở nhà số 9 Nguyễn Thái Học, mỗi lần đi chợ tôi đều tạt vào đọc. Có lần đọc say mê quá, quên đi chợ, lúc cô thủ thư đóng cửa giục mấy lần tôi mới sực nhớ thì trời đã chiều tối. Lần ấy tôi bị một trận đòn nhớ đời, nhưng cái tật mê sách thì không bỏ được.

Cuốn sách đầu tiên của văn học cách mạng mà tôi đọc được là cuốn Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc. Lúc đó mới biết Tây Nguyên hùng vĩ và người dân Ba Na anh hùng thế nào trong cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ bảo vệ buôn làng, bảo vệ cách mạng qua cuốn sách nhớ đời này. Rồi đọc Truyện ký cách mạng Miền Nam (nhiều tác giả), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Mẫn và tôi (Phan Tứ), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi) và nhiều tác phẩm văn học khác của các tác giả trong nước.  Sau đó tôi lần sang đọc sách dịch với Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, Những người khốn khổ (Victo Hugo), Không gia đình (Hector Malot), Hãy để ngày ấy lụi tàn (Gerald Gordon) rồi Ruồi trâu (Ethel Lilian Voynich)…

Nhờ đọc sách mà tôi biết nhiều thứ, hiểu thêm nhiều vùng đất, nhiều quốc gia dù lúc ấy tôi chỉ quanh quẩn nơi mình sống chưa có điều kiện đi nhiều như sau này. Và cũng nhờ đọc sách mà tôi luôn viết đúng câu cú, ngữ pháp, chính tả. Những thứ này giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc học và khi ra đời làm nghề báo mà mình yêu thích.

Sách mở ra cho tôi bao điều hay, cho tôi kỹ năng sống, cho tôi niềm tin vào con người, vào cuộc đời, cho tôi yêu thêm quê hương, đất nước và có cái nhìn rộng mở, bao dung.
Mỗi lần vào hiệu sách, nhìn các cô bé, cậu bé ôm cuốn sách đọc say sưa ở một góc, không quan tâm đến ai, tôi như nhớ lại tuổi thơ của mình và mỉm cười hạnh phúc.

Bài và ảnh: KIM EM

;
;
.
.
.
.
.