Tiếng nói của trái tim

.

Câu chuyện cậu bé 13 tuổi Vì Quyết Chiến ở Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, Sơn La vượt hơn 100km bằng xe đạp để về Hà Nội thăm em trai bị ốm khiến cộng đồng mạng trầm trồ ngưỡng mộ. Giữa bao câu chuyện thương tâm về mâu thuẫn gia đình xảy ra hằng ngày trong xã hội, thì hình ảnh cậu bé cùng chiếc xe đạp giữa nắng gió bụi đường với một trái tim yêu thương, trong sáng đã dội thẳng vào tâm hồn chúng ta nhiều suy ngẫm, bởi “lâu lắm rồi, chúng ta chưa bao giờ mạo hiểm vì ai...”.

Chiến bên mẹ và em ở Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 26-3. Ảnh: FB bác sĩ
Chiến bên mẹ và em ở Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 26-3. Ảnh: FB bác sĩ

Vào trưa 25-3, sau khi đi học về, nghe nội bảo rằng bố mẹ đã đưa em trai (2 tháng tuổi) đi Bệnh viện Nhi Trung ương, cậu bé Vì Quyết Chiến lén lấy xe đạp đi từ nhà mình về Hà Nội. Chiến đã đạp xe đi qua một quãng đường dài khi trong người không mang theo gì cả ngoài một trái tim yêu thương dành cho em trai và bố mẹ.

Chiếc xe đạp bị mất phanh, mỗi khi xuống dốc, Chiến phải dùng dép làm má phanh, đến địa phận thành phố Hòa Bình tối 25-3, cậu bé mệt quá và lăn ra ngất xỉu. Chiến được một bác tài xế qua đường phát hiện, cho em ăn uống, gọi cho bố Chiến để báo tin và đưa cậu bé cùng chiếc xe đạp về Hà Nội gặp bố mẹ em.

Câu chuyện xúc động này đã được các bác sĩ ở bệnh viện chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều sự đồng cảm, sẻ chia. Facebook Chuyện Đà Nẵng viết: “Ở mọi miền của cuộc sống, mấy ngày hôm nay chúng ta đối diện với những thứ cảm xúc tệ hại dằn xé và đè nén, kéo trì suy nghĩ ta về đáy vực. May thay, đâu đó từ chốn núi rừng trong lành, một cậu bé với chiếc xe đạp mòn rách phóng thẳng vào tâm hồn chúng ta, quét những vòng xe lấp lánh bụi đường, tung tóe những xúc cảm “giang hồ” nhất về cuộc đời. Cậu bé, không nói gì, chỉ dâng lên mẹ cha mình một trái tim quả cảm: Trái tim của yêu thương, hào sảng và trong sáng như mặt trời không biết khổ đau”.

Tình cảm của cậu bé dành cho em trai cũng khiến nhiều người soi rọi lại bản thân mình và gợi nhớ về những tình cảm đẹp dành cho người thân để thêm yêu quý gia đình mình hơn.

Chị T.T (một giáo viên, sống ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình: “Câu chuyện của cậu bé làm mình nghĩ mãi về tình anh em, tình thân ruột rà máu mủ. Anh Hai sinh non, nên hay ốm đau từ nhỏ. Anh rất thương em, có gì cũng nhường cho em. Em muốn món gì anh cũng chiều. Hồi anh học cấp 2 ở Đà Nẵng, có một mùa hè nào đó, anh chở cô em gái kế là mình ra chơi trên chiếc xe đạp của anh. Anh chở đi khắp phố, mua cho đủ thứ đồ ăn ngon. Hồi mình ra Huế học, sau 1 tháng, anh ra thăm, dặn lo ăn uống, đừng tiết kiệm mà đổ bệnh… Mình ra trường, về Đà Nẵng xin việc và được nhận ngay, hai anh em ở với nhau trong căn phòng trọ chật chội ở Hòa Khánh 3 tháng thì thuê 1 căn nhà nhỏ gần đường ray khu vực đường Lê Độ và ở đó đúng 3 năm. Hai anh em ở với nhau không to tiếng một lời nào”.

Tuy nhiên, bên cạnh những lời tán dương thì cũng không ít những lời trách móc vì sự an nguy của cậu bé. Nhưng theo nhà văn B.N.T (Hà Nội): “Chúng ta hãy ngừng so sánh, tranh luận về một cậu bé. Hãy yêu thương cậu bé và dừng lại ở đó. Hãy chấp nhận chuyến đi vừa rồi là một thử thách lớn đầu tiên trong đời của cậu. Có lẽ cậu bé đã học được rất nhiều kỹ năng từ chuyến đi này, và nó thực sự quan trọng trong việc kiến tạo nên tương lai của cậu. Hãy để cậu lớn lên như bao cậu bé khác, bên gia đình của mình. Mọi kỹ năng rồi sẽ hoàn thiện cùng với giáo dục và trải nghiệm cá nhân. Nhưng cũng đừng quên rằng mọi kỹ năng không thay thế được tiếng nói của tâm hồn, của trái tim, sâu thẳm bên trong mỗi người”.

Tâm Như

;
;
.
.
.
.
.