Niềm vui từ những hội thi

.

Thầy và trò cùng vỡ òa trong niềm vui chinh phục tri thức mới. Khoảng cách lạ lẫm, bỡ ngỡ ban đầu được thay thế bằng những ánh mắt, nụ cười, những giọt mồ hôi, để thu được những kết quả thấm đẫm tâm huyết, đam mê, hưng phấn và thích thú...

Đổi mới giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm là một trong những nội dung trọng tâm của hội thi Giáo viên giỏi cấp thành phố, năm 2019. Ảnh: TT
Đổi mới giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm là một trong những nội dung trọng tâm của hội thi Giáo viên giỏi cấp thành phố, năm 2019. Ảnh: TT

Đó chính là những hình ảnh, cảm xúc rất thật của cả giáo viên và học sinh sau khi hoàn tất hội thi Giáo viên giỏi (GVG) thành phố năm 2019. Một trong những hội thi nhận được nhiều đánh giá tích cực của ngành giáo dục thành phố vừa diễn ra cách đây không lâu. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong rất nhiều hội thi liên tiếp do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tổ chức, dành cho cả giáo viên và học sinh, tạo không khí thi đua sôi nổi trong dạy và học tại các trường phổ thông trên địa bàn.

Đổi mới trong tổ chức

Cô Nguyễn Thị Thủy (giảng dạy môn Hóa học), Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Sơn Trà) đạt thành tích xuất sắc tại Hội thi GVG thành phố 2019, ngay từ lần dự thi đầu tiên. Cô bộc bạch: “Thú thật tôi rất áp lực khi lần đầu tham gia hội thi GVG cấp thành phố, lại đúng thời điểm hội thi áp dụng nhiều điểm mới, trong đó có việc “sàn diễn” của giáo viên không phải là “sân nhà”, kéo theo nhiều nỗi lo về trường, lớp, đặc biệt là sự hợp tác của học sinh hoàn toàn mới. Nhưng rồi, bằng sự chuẩn bị và thể hiện tốt nhất của bản thân, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, của Ban tổ chức, trường sở tại, mọi áp lực dần tan biến, chỉ còn lại niềm vui”.

Theo cô Thủy, không riêng thực hành, phần thi lý thuyết giành cho GVG thành phố 2019 theo hướng mở, khuyến khích các giáo viên tham dự bày tỏ chính kiến, quan điểm, tâm huyết riêng gắn với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

“Một đồng nghiệp cùng dự thi với tôi sau khi hoàn tất phần thi lý thuyết cứ lo lắng vì viết ngắn quá và nội dung là những quan điểm cá nhân. Tôi liền trấn an rằng ngắn dài không quan trọng, quan điểm cá nhân cũng không sao vì đề thi yêu cầu như thế. Kết quả là đồng nghiệp này cũng đạt GVG cấp thành phố. Điều này cho thấy, đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, rất cởi mở, linh hoạt trong cách chấm chọn, công nhận danh hiệu GVG”, cô Thủy nhận xét.

Là một giáo viên dày dạn kinh nghiệm qua nhiều hội thi GVG cấp thành phố, cô Võ Lê Phương Dung, giáo viên Vật lý, Trường THPT Phan Châu Trinh cho rằng, hội thi GVG thành phố năm 2019 cùng những đổi mới đã thổi “luồng gió mới” trong phong trào thi đua trong trường học; khơi dậy đam mê và nhiệt huyết, khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện giáo viên.

Qua đó, các cơ sở giáo dục phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương và của toàn ngành. Hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Chắp cánh ước mơ

Trong hai năm lớp 11 và 12, Trần Đinh Duy, học sinh lớp 12/2, Trường THPT Phan Châu Trinh đã có cơ hội tham gia gần 20 hội thi kiến thức, sáng kiến khoa học-kỹ thuật, môi trường dành cho học sinh. “Gần 20 lần tham gia các hội thi và chỉ một nửa trong số đó em đoạt giải, song điều quan trọng là em được học và trưởng thành lên nhiều”, Duy nói.

Cùng với các bạn trong nhóm, Trần Đình Duy đã ẵm về giải nhất hội thi Khoa học-Kỹ thuật cấp thành phố (năm học 2017-2018), giải nhất Tin học trẻ thành phố (năm học 2017-2018), giải nhất Hội thi Sáng kiến giải quyết các vấn đề về môi trường (năm học 2018-2019)... Điều Duy “học” được từ các hội thi chính là kỹ năng làm việc nhóm, sự thay đổi và trưởng thành từng ngày trong tư duy sáng tạo, khả năng ngôn ngữ, thuyết trình, được các cô chú trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật động viên nuôi dưỡng ước mơ, đam mê sáng tạo.

Hiện dù rất bận rộn với nhiều áp lực của năm học cuối cấp, Duy luôn dành thời gian riêng để chọn lựa, mày mò phát triển các sáng kiến, sản phẩm sáng tạo từ các hội thi để hướng đến đích sau cùng, là ứng dụng vào thực tiễn. Khi được hỏi rằng việc tham gia nhiều hội thi liên tiếp như vậy có mất thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, Duy chững chạc nói rằng, chỉ cần đủ đam mê, cộng với cách bố trí thời gian hợp lý, các hội thi không những không ảnh hưởng đến việc học mà còn giúp củng cố, nâng cao, khắc sâu những kiến thức em đã được học trong nhà trường.

Không chỉ tổ chức các hội thi dành cho học sinh THCS, THPT, những năm qua, nhiều hội thi ở cấp tiểu học trên địa bàn thành phố đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực. Các hội thi ở cấp tiểu học được đan xen trong các hoạt động giao lưu, hội hè nhằm giảm tính áp lực, căng thẳng, phù hợp lứa tuổi. Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, năm học 2018-2019, sở tổ chức các hoạt động sôi nổi như: Giao lưu Olympic Tiếng Việt, Toán (thu hút gần 5.400 học sinh tham gia), Ngày hội học sinh tiểu học (614 học sinh tham gia), Ngày hội Robothon và First Lego League (544 học sinh tham gia), Hội thi Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn giành cho cả giáo viên và học sinh.

Các hội thi ở cấp tiểu học là dịp để các giáo viên và học sinh củng cố kiến thức, phương pháp dạy, học. Ví như, hội thi Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn vừa qua, giáo viên được thực hành về Giáo dục an toàn giao thông theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học và sử dụng có hiệu quả đồ dùng thiết bị dạy học. Trong khi đó, học sinh tham gia các hoạt động tìm hiểu kiến thức, vẽ tranh, các năng khiếu xoay quanh chủ đề an toàn giao thông...

Theo bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo), bên cạnh cơ hội thể hiện, giao lưu học hỏi của các em học sinh, các hoạt động giao lưu, hội thi ở bậc tiểu học là cơ sở để cán bộ quản lý, giáo viên đánh giá hiệu quả công tác tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy và học tại đơn vị; từ đó, có thể xây dựng, điều chỉnh các kế hoạch nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ năm học.

Theo bà Cẩm Bình, các hội thi, hoạt động giao lưu đều diễn ra trên tinh thần tự nguyện của học sinh, vì vậy không có sự gò bó, áp lực tiêu cực. Đặc biệt, các hoạt động Khoa học ứng dụng (Robothon Lego) là sân chơi bổ ích, trí tuệ, khuyến khích sự sáng tạo dành cho các em. Tuy nhiên, các hoạt động này đòi hỏi sự đóng góp theo hình thức xã hội hóa từ phụ huynh học sinh trong việc hỗ trợ thiết bị học tập, kinh phí tham gia, vì vậy, số lượng học sinh tham gia còn hạn chế.

THANH TÂN

;
;
.
.
.
.
.