Tăng cường giáo dục kỹ năng sống

.

Thời gian qua, các trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều tiết học giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh dưới các hình thức: ngoại khóa, tích hợp… Các giáo viên, cán bộ quản lý đều cho rằng, cần tăng cường và chuyên sâu hơn bộ môn này trong nhà trường. Đây cũng là một nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một tiết học kỹ năng sống tại Trường THCS Nguyễn Huệ do cô Thùy Loan tổ chức, đứng lớp.
Một tiết học kỹ năng sống tại Trường THCS Nguyễn Huệ do cô Thùy Loan tổ chức, đứng lớp.

Hướng đến giáo dục toàn diện

Vài năm trở lại đây, giáo dục KNS được các trường trên địa bàn thành phố chú trọng thực hiện. Tại Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu), môn học này được đưa vào chương trình qua nhiều hình thức: dạy lồng ghép trong các môn học; các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… Cùng với đó là thực hiện chương trình giáo trình giáo dục KNS do Bộ GD&ĐT triển khai đối với các trường THCS với một số bài tập rèn luyện kỹ năng sống dành cho học sinh từ lớp 6 đến 9, thực hiện trong các tiết sinh hoạt lớp với thời gian 2 tiết/ tháng.

Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, phụ thuộc vào tâm lý lứa tuổi và những yêu cầu cần thiết về KNS cho từng độ tuổi mà chương trình giáo dục KNS được Bộ GD&ĐT xây dựng phù hợp đối với mỗi cấp học ở các trường, chủ yếu tập trung vào ba mảng: Nhóm kỹ năng nhận biết và sống với mọi người (giao tiếp có hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn, thương lượng, từ chối, bày tỏ sự cảm thông, hợp tác...); nhóm kỹ năng nhận biết và sống với chính mình (tự nhận thức, xác định giá trị, ứng phó với căng thẳng, tìm kiếm sự hỗ trợ, tự trọng, tự tin,...); nhóm các kỹ năng ra quyết định một cách có hiệu quả (tìm kiếm và xử lý thông tin, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề...).

Theo cô Loan, bên cạnh chương trình chính khóa thì giáo dục KNS là không thể thiếu để trang bị cho học sinh, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển mang theo nhiều mặt trái, các em cần có kiến thức nhất định để xử lý các tình huống gặp phải, ứng xử để bảo vệ và hoàn thiện mình…

Còn tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn, cô Nguyễn Thị Tố Nhung, Phó Hiệu trưởng phụ trách ngoài giờ cho biết, giáo dục KNS được tổ chức dưới dạng tích hợp với các môn học như: Ngữ văn, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý… Các giáo viên tùy theo bài dạy có thể tích hợp vào nhiều môn khác nhau để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống văn hóa dân tộc, trò chuyện về tâm sinh lý lứa tuổi…; tích hợp lồng ghép với các hoạt động ngoài giờ như tổ chức thành các chủ đề trong sinh hoạt ngoại khóa dưới cờ hoặc sinh hoạt tại lớp trong giờ chủ nhiệm với các chủ đề như phòng chống bạo lực học đường; phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng bình đẳng giới; xây dựng tình bạn đẹp; thanh niên với tình bạn, tình yêu và gia đình; có nên yêu ở lứa tuổi học đường… Dạng sinh hoạt chủ đề này thường được tiến hành dưới dạng các bài giới thiệu, các câu hỏi trả lời nhanh, xử lý tình huống, xây dựng hoạt cảnh… do các giáo viên tổ chức và học sinh thực hiện.

“Nhìn chung, được trải nghiệm và tham gia các hoạt động rèn luyện KNS như vậy mang lại hiệu quả giáo dục cao; tạo được sự hứng thú, lôi cuốn các học sinh tham gia sôi nổi, nhiệt tình. Giáo viên cũng dễ phát hiện được những khả năng hùng biện, văn nghệ, giao tiếp, ứng xử… đưa những hiểu biết về văn hóa và xã hội ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống”, cô Nhung nhìn nhận.

Cần xây dựng chương trình bài bản

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng (Sở GD&ĐT) cho rằng, giáo dục KNS giúp người học chuyển kiến thức đã học thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh; vững vàng trước những khó khăn, thử thách; biết ứng xử, giải quyết vấn đề một cách tích cực và phù hợp; làm chủ cuộc sống của chính mình.

Trong bối cảnh hiện nay, học sinh thường xuyên chịu tác động đan xen của cả những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, luôn đối diện với hoàn cảnh phải lựa chọn những giá trị đúng đắn, phải đương đầu với những khó khăn, thách thức. Nếu thiếu KNS, các em dễ bị lôi kéo vào những hành vi tiêu cực, bạo lực, lối sống ích kỷ, văn hóa lai căng, dễ bị phát triển lệch lạc về nhân cách.

Vì vậy, giáo dục KNS cho học sinh là một yêu cầu cấp thiết, giúp các em rèn luyện hành vi có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội; đồng thời các em có khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè và mọi người, sống tích cực, chủ động, an toàn, hài hòa và lành mạnh.

Tuy nhiên, giáo dục KNS thời gian qua dù được chú trọng nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, quỹ thời gian, thiếu giáo trình chuẩn… Để đưa giáo dục KNS vào môn học bắt buộc, cần đầu tư các điều kiện một cách đầy đủ để hướng đến mục tiêu đây là một môn học bắt buộc.
Cô Phạm Thị Thùy Loan cũng cho rằng, hiệu quả thực hiện trong các trường học thực tế là chưa cao do các nguyên nhân như: Phương pháp, giáo trình, điều kiện thực hiện chương trình chưa phù hợp để đạt mục tiêu, nội dung giáo dục KNS…

Việc học kỹ năng mới dừng lại ở nhận thức chức. Cô Loan đề xuất cần đổi mới cơ chế, tạo điều kiện về chế độ phù hợp cho những người trực tiếp tham gia vào hoạt động giáo dục KNS trong các nhà trường; tổ chức tập huấn nghiêm túc và có chất lượng cho độ ngũ các bộ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục KNS. Bản thân người dạy phải thật sự có kỹ năng thì mới có thể dạy học sinh về kỹ năng; tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ tốt nhất cho việc giáo dục KNS; đổi mới bộ sách giáo dục KNS trong các nhà trường cho phù hợp với hiện tại; xây dựng bộ giáo trình hướng dẫn chi tiết và bám sát nội dung định hướng giáo dục KNS cho học sinh…

Phan Vĩnh Yên
 

;
;
.
.
.
.
.