Trao lời yêu thương

.

Chiều nay, cô đứng giữa sân trường lộng gió, ngắm những vạt nắng lung linh ngời lên trong lá biếc mà nghe lòng phơi phới niềm vui. Hạ đã về rồi đó trò nhỉ! Những chú ve đã râm ran gọi mùa sau vòm cây tươi mát. Những bông phượng đỏ tươi rực rỡ, những chùm bằng lăng tím mênh mang đã khoe sắc giữa đất trời. Lá thư tay viết vội trò ngập ngừng trao khi tan buổi học cuối khiến cô bồi hồi:

 “Gửi cô cùng tập thể... Em vốn là một học sinh lười học, không có chút động lực học tập hay niềm vui trong cuộc sống. Em không tìm thấy được hạnh phúc ngoài mái ấm gia đình cho đến khi em gặp cô và tập thể. Chính cô và các bạn đã giúp đỡ em trong cả học tập lẫn kĩ năng sống. Đặc biệt là cho em mái ấm gia đình thứ 2... Em yêu cô cùng các bạn!”

Nhớ ngày đầu cô trò mình gặp nhau. Giữa 42 gương mặt hồn nhiên, bỡ ngỡ, trò thật ấn tượng với cái miệng lém lỉnh và đôi mắt biết cười. Nhưng chỉ sau vài buổi học, cô nhận ra trò nói nhiều hơn hẳn các bạn. Trò lại thường phát ngôn bất chợt, kiểu thích gì nói ấy, nghĩ sao nói vậy! Lớp học có những giờ trở nên lộn xộn, thiếu nghiêm túc vì những lời nói của trò.

Không chỉ thế, trò vô cùng lười học và cẩu thả. Mỗi ngày đến lớp, trò luôn trong tình trạng ngái ngủ. Đầu tóc rối bù, mắt lờ đờ, trông trò thật thiếu sức sống ở tuổi 16 tràn đầy sinh lực tuổi trẻ. Sách vở của trò quyển có quyển không... Vốn là một tập thể lớp ngoan, vững mạnh, các bạn cố hết sức để góp nhặt từng điểm thi đua; vậy mà, vì lỗi lầm của trò, ngay tháng đầu tiên, rồi tháng thứ 2 của năm học mới, lớp mình xếp thứ hạng thấp, 19/32 rồi 25/32 lớp toàn trường.

 Đã vậy, trò lại còn bảo thủ, không hề biết nhường nhịn một ai. Chỉ cần có một lời nhắc nhở của các bạn, trò lại cãi chày cãi cối, cố bao biện cho mình bằng những lý do này nọ...

Bằng kinh nghiệm của một giáo viên chủ nhiệm, cô biết trò đang rơi vào tình trạng rối loạn hành vi và cảm xúc của tuổi mới lớn. Chưa vội đưa ra giải pháp, cô bắt đầu tìm hiểu về trò qua các bạn học chung thời cấp 2. Các bạn ấy đều có chung nhận xét: lười học, có nghiện game tuy chưa đến mức trầm trọng; thích khen ngợi và sống tình cảm. Lật lại học bạ 4 năm cấp 2 của trò, kết quả cuối mỗi năm đều là học lực giỏi, khá và hạnh kiểm tốt. Cô băn khoăn...

Lại tiếp tục tìm hiểu qua giáo viên cũ của trò, cô biết thêm một số thông tin quan trọng. Trò từng bị tai nạn xe máy rất nặng vào cuối năm lớp 8, gãy chân và có một phần chấn động tinh thần. Gia đình trò cũng vì thế mà chiều chuộng trò hơn so với những đứa trẻ khác.

Cô quyết định gọi điện trao đổi với gia đình trò về tất cả những vấn đề đang diễn ra. Những lần đầu, ba mẹ trò vẫn một mực khen ngợi trò. Họ lấy kết quả những năm học trước để khẳng định rằng trò vẫn ngoan, vẫn học tốt. Cho đến khi, điểm số kiểm tra được gửi về. Những bài kiểm tra đầu tiên của năm học, trò đều nằm trong top 3 những bạn điểm thấp nhất lớp.

Rồi đỉnh điểm là khi trò bị các bạn gọi là “kẻ quấy rối”. Một làn sóng tẩy chay trò đang diễn ra ngấm ngầm mà mạnh mẽ ở ngay chính những người bạn vừa gắn bó với trò chỉ một thời gian ngắn. Chính trò đã về ôm mẹ khóc nức nở. Đến lúc này, gia đình trò đã chủ động tìm đến cô, mong muốn hợp tác với cô trong việc giúp trò thay đổi bằng cách lên kế hoạch học tập và rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho trò...

Cô chọn cách tiếp cận với trò một cách tự nhiên nhất. Những buổi lao động, cô thường chú ý để ngợi khen trò. Những lúc ấy, trò nở nụ cười rạng rỡ. Nhưng uốn nắn lời ăn tiếng nói của trò quả thật là việc vô cùng khó khăn. Cô phải đặt ra chế tài thưởng phạt rõ ràng, không chỉ cho riêng trò mà chung cho cả lớp. Cô lại đổi chỗ ngồi, chọn cho trò một bạn nữ học giỏi, hiền lành, ít nói ngồi bên.

Cô và trò đã có những buổi gặp gỡ trò chuyện riêng. Trò thú nhận với cô không tìm thấy niềm vui trong học tập. Kiến thức cấp học mới quá tải đối với một trí não đã tự cho phép nghỉ ngơi quá lâu. Hai năm cuối cấp 2, vì tai nạn bất ngờ, nên trò tự nhiên được thầy cô ưu ái. Đó cũng là quãng thời gian trò vùi vào lối sống ảo; game, mạng xã hội đã chiếm phần lớn thời gian tự học ở nhà của trò....

Cô và ba mẹ trò quyết định kéo trò thoát ra thế giới ảo, tìm lại niềm đam mê học tập bắt đầu bằng việc phát huy sở thích và đam mê của trò: đàn hát. Khuyến khích trò mang đàn lên biểu diễn trong những buổi văn nghệ, trong các hoạt động vui chơi của lớp...

Các buổi sinh hoạt lớp cũng vì thế mà sôi nổi và có màu sắc hơn. Cô động viên trò tham gia câu lạc bộ tiếng Anh - đó cũng là môn học đã một thời trò vô cùng yêu thích. Dần dần, trò được bạn bè đón nhận. Dần dần, trò hạn chế bớt thời gian chơi game. Và rồi, trò lại đã tìm thấy động lực học tập, đơn giản để tự khẳng định mình, để được chan hòa trong một tập thể ham học...

Và đến bây giờ, món quà vô giá trò dành tặng cô và mọi người chính là nụ cười rạng rỡ, là kết quả học tập mỗi ngày một tiến bộ. Buổi lễ tổng kết năm nay, nhìn trò tươi tắn trên bục nhận thưởng dành cho học sinh tiên tiến mà cô vui mừng xiết bao. Dẫu kết quả đó còn khiêm tốn so với bao nhiêu người, nhưng với cô trò mình, đó là cả một chặng đường dài, phải không trò thân yêu?

Đủ nắng, hoa sẽ nở. Đủ gió, chong chóng sẽ quay. Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy. Hành trình phía trước của trò còn bao điều mới mẻ; có thành công, mà cũng sẽ nhiều thất bại, gian nan. Nhưng, hãy vững niềm tin, trò nhé! Có gia đình, thầy cô, bè bạn ở bên; cô tin trò sẽ hái được quả chín ngọt lành!

Trần Thị Hường

;
;
.
.
.
.
.