Dòng sông kháng sinh

.

Mới tháng trước, Liên Hợp Quốc khuyến cáo tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh có thể làm 10 triệu người chết vào năm 2050, thì nay, một nghiên cứu khoa học về tình trạng vi khuẩn kháng thuốc có quy mô lớn nhất thế giới cho thấy rất nhiều dòng sông trên thế giới có loại vi khuẩn. Sự báo động cho sức khỏe nhân loại trong tương lai không xa.

Dòng sông Thames (Anh).
Dòng sông Thames (Anh).

Từ Thames tới châu Phi, châu Á

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học York (Anh) thực hiện nghiên cứu vi khuẩn kháng kháng sinh tại 711 điểm trên các dòng sông của 72 nước ở khắp các châu lục. Những dòng sông nổi tiếng như Chao Phraya, Danube, Mekong, Seine, Thames, Tiber và Tigris đều được lấy mẫu xét nghiệm.

Báo cáo được đọc tại Liên Hợp Quốc đầu tuần này cho biết các nhà khoa học Anh tìm thấy 14 loại vi khuẩn kháng thuốc và 65% điểm khảo sát bị ô nhiễm kháng sinh; 111 điểm có nồng độ kháng sinh vượt mức an toàn và có nơi vượt tới 300 lần. Thuốc kháng sinh có ở dòng sông và đất thông qua chất thải người và động vật ở các nhà máy xử lý chất thải và nhà máy sản xuất thuốc.

Sông Thames (Anh) được cho là một trong những dòng sông sạch nhất châu Âu nhưng cũng bị ô nhiễm với 5 loại kháng sinh. Một điểm trên dòng chính và 3 điểm ở các nhánh rẽ nhiễm ciprofloxacin cao gấp 3 lần mức an toàn. Đây là loại kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng da và đường tiết niệu. Ciprofloxacin được phát hiện ở 51 điểm khảo sát.

Các mẫu được lấy từ vùng nước sông Danube (Áo) chứa 7 loại kháng sinh khác nhau cao hơn 4 lần mức an toàn. Loại kháng sinh phổ biến nhất là trimethoprim, dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, được phát hiện ở 307/711 điểm.

Các dòng sông ở châu Phi và châu Á bị ô nhiễm kháng sinh nặng nhất thế giới. Nhiều điểm trên các sông ở Bangladesh có chứa metronidazole, một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh phụ khoa. 35% các điểm khảo sát ở châu Phi có kháng sinh vượt mức an toàn. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, nhiều đoạn sông ở châu Phi cá không thể sống được vì lượng kháng sinh cao hơn 100 lần mức an toàn.

Nhìn chung, các giới hạn an toàn về kháng sinh bị vượt qua ở hầu hết các dòng sông khảo sát ở châu Phi và châu Á. Các dòng sông ở Bangladesh, Kenya, Ghana, Pakistan và Nigeria có lượng kháng sinh cao nhất. Nhiều dòng sông ở châu Âu, Bắc Mỹ cũng bị ô nhiễm kháng sinh. 8% điểm sông khảo sát ở châu Âu bị ô nhiễm. Các địa điểm có nguy cơ cao thường ở gần hệ thống xử lý nước thải. Các nhà khoa học lưu ý rằng các khu vực xung đột, như biên giới Israel-Palestine, cũng cho thấy nồng độ cao của kháng sinh.

Loại kháng sinh phổ biến nhất được tìm thấy là trimethoprim - được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu - được phát hiện ở 307 trong số 711 vị trí xét nghiệm. Ciproflaxacin - được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn - thường được phát hiện là đã vượt quá mức an toàn, vượt qua ngưỡng tại 51 điểm thử nghiệm.

Tương lai đáng lo ngại

Giáo sư Alistair Boxall là nhà khoa học môi trường và đồng tác giả của nghiên cứu  cho biết kết quả đáng lo ngại, ô nhiễm lan rộng của các hệ thống sông trên khắp thế giới với các hợp chất kháng sinh. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy ô nhiễm kháng sinh của các con sông có thể là một đóng góp quan trọng cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách nhận ra vai trò của môi trường tự nhiên trong vấn đề kháng thuốc.

Tiến sĩ John Wilkinson điều phối công việc giám sát công trình nghiên cứu cho biết trước đây việc giám sát môi trường đối với kháng sinh chỉ thực hiện ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc và thường chỉ thấy một ít thuốc kháng sinh. Giờ đây, kết quả nghiên cứu thực sự đáng lo ngại trên quy mô toàn cầu.

Giáo sư William Gaze, nhà nghiên cứu vi khuẩn tại Đại học Exeter (Anh) không tham gia vào dự án này đã có nhận xét rằng nhiều gen kháng thuốc mà chúng ta thấy trong mầm bệnh ở người có nguồn gốc từ vi khuẩn môi trường. Ô nhiễm kháng sinh là một trong những con đường chính để vi khuẩn có khả năng kháng thuốc đối với các loại thuốc khiến chúng không hiệu quả khi sử dụng cho con người.

Các nhà khoa học kêu gọi chính quyền khắp nơi trên thế giới cần đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải và rác thải, chấm dứt tình trạng xả nước thải trực tiếp ra dòng sông ở châu Phi và châu Á, quy định chặt chẽ hơn về việc làm sạch các điểm ô nhiễm.

Có thông tin sẽ có một nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá tác động ô nhiễm kháng sinh đối với động vật hoang dã, bao gồm cá, động vật không xương sống và tảo vì đợt khảo sát lần này chứng kiến một số sông ở Kenya không có con cá nào sống được vì nồng độ kháng sinh quá cao.

ANH THƯ (theo Independent, Newshub)

;
;
.
.
.
.
.