Hạn hán khốc liệt ở châu Phi

.

Hán hán ở châu Phi đang diễn biến nghiêm trọng nhất trong gần 40 năm qua, khiến ngành nông nghiệp châu lục này tê liệt và nhiều gia súc bị chết, hàng chục triệu người dân đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực.

Trẻ em Somalia chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại khu vực ngoại ô Mogadishu.  (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trẻ em Somalia chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại khu vực ngoại ô Mogadishu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo mới nhất của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), tổng lượng mưa tại các quốc gia thuộc SADC trong mùa vụ 2018-2019 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982 và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế cũng như cuộc sống của hàng chục triệu người dân tại khu vực này.

Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Angola, Namibia, Botswana, Zambia và Zimbabwe. Lượng mưa thấp kỷ lục trong mùa vụ từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019 đã thu hẹp đáng kể diện tích trồng trọt, kìm hãm quá trình nẩy mầm và sinh trưởng của các loại cây nông nghiệp.

Bên cạnh đó, lượng mưa thấp kỷ lục cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện tích và chất lượng đồng cỏ dành cho chăn nuôi gia súc cũng như nước dành cho tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Cho đến nay, 3 thành viên của SADC bao gồm Angola, Namibia và Zambia đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do hạn hán.

Trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng này, ngày 22-5, bà Ursula Mueler - Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề về nhân đạo, đã lên tiếng cảnh báo về tình hình khủng hoảng nhân đạo do hạn hán gây ra ở Somalia và nêu rõ tình hình nhân đạo ở nước này vẫn là một trong những cuộc khủng hoảng kéo dài nhất trên thế giới, do nạn hạn hán lan rộng từ miền Bắc đến miền Trung nước này.

“Ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải hành động để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Tuy nhiên việc kinh phí bị thiếu hụt đáng kể ảnh hưởng tới nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng này, đặc biệt là trong những lĩnh vực chủ chốt như y tế, dinh dưỡng, an ninh lương thực, nước uống và vệ sinh”, bà Mueler nhấn mạnh.

Trong khi đó, tổ chức nhân đạo phi chính phủ Save the Children đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở Somalia, trong đó nêu rõ: hơn một triệu trẻ em tại quốc gia châu Phi này sẽ bị suy dinh dưỡng do hạn hán nếu không có các biện pháp đối phó. Hiện gần 2 triệu người Somalia đang rất cần thực phẩm và hàng trăm nghìn trẻ em đã bị suy dinh dưỡng do hạn hán.

Với đợt hạn hán này, 4 triệu người ở Somalia sẽ bị suy dinh dưỡng, trong đó có 1,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt ở vùng Puntland, phía Đông Bắc Somalia, chỉ có 1/4 số trẻ em tại khu vực này đủ ăn. Timothy Bishop - Giám đốc phụ trách chi nhánh của tổ chức Save the Children tại Somalia nhấn mạnh: “Sẽ có nhiều nạn nhân là trẻ em nếu chúng ta không hành động ngay lập tức. Cộng đồng quốc tế phải hành động và làm việc với chính quyền địa phương để đảm bảo trẻ em đủ ăn”.

Hiện Hội đồng Tị nạn Na Uy đã cảnh báo hạn hán đã khiến gần 2 triệu người Somalia cần viện trợ lương thực khẩn cấp trong bối cảnh lượng mưa khan hiếm khiến nhiều cộng đồng khắp khu vực Đông Phi đối mặt với nạn đói. Tổ chức Save the Children cũng bày tỏ lo ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới đang đe dọa Somalia và có thể vượt ra ngoài quốc gia này.

Trước đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cho biết, hạn hán kéo dài tại Angola đã khiến hơn 2,3 triệu người dân nước này phải sống trong tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm do hoạt động chăn nuôi và sản xuất bị ảnh hưởng, trong khi hàng nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp cần được chăm sóc y tế kịp thời. Tại tỉnh Cunene, phía Nam Angola, giáp Namibia, hạn hán kéo dài từ tháng 10-2018 đến nay đã khiến 90% dân số (khoảng 1,1 triệu người) thiếu nước nghiêm trọng.

Số người cần hỗ trợ nhân đạo tại địa phương này đã tăng gấp hơn 3 lần, từ khoảng 250.000 người trong tháng 1 lên đến 850.000 người vào tháng 3. Hạn hán cũng khiến ngành nông nghiệp tê liệt và hơn 26.000 gia súc bị chết. Nghiêm trọng hơn, hiện có gần 500.000 trẻ em Angola đang đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, trong đó khoảng 2.500 trẻ em dưới 5 tuổi tại nhiều địa phương khác đã và đang phải điều trị suy dinh dưỡng cấp.

Trong chuyến thị sát tới các địa phương ảnh hưởng thiên tai, Tổng thống Angola João Lourenco nhận định tình hình có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong 5 tháng mùa khô sắp tới. Hiện Chính phủ Angola đang cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán để huy động các nguồn lực, giảm thiểu thiệt hại về người và vật nuôi. Bên cạnh đó, chính phủ nước này phê duyệt các chương trình mua sắm các thùng trữ nước bằng nhựa, xe tải chở nước, khoan thêm nhiều giếng, xây dựng đập trong giai đoạn 4 năm tiếp theo.

Tại quốc gia láng giềng của Angola, Chính phủ Namibia cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán trên diện rộng được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Chính phủ sẽ hỗ trợ thu mua gia súc, gia cầm của các hộ nông dân, cung cấp thùng đựng nước cho các khu vực dân cư không có nguồn nước thay thế, tăng cường khoan giếng và huy động các nguồn lực để đối phó với tình hình nghiêm trọng đang diễn ra.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), nạn đói vẫn đang gia tăng ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi có hơn 52 triệu người trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Ngoài các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng cao ở khu vực này. Để đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện nay, FAO kêu gọi các quốc gia trong khu vực tạo điều kiện cho việc chuyển đổi từ canh tác sinh kế sang tăng cường các hệ thống sản xuất đa dạng và mang tính thương mại hơn. Song song đó, cần cải thiện tiếp cận thị trường cho nông dân, thúc đẩy đầu tư và đổi mới trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)
 

;
;
.
.
.
.
.