Khi thiệt thòi thuộc về những đứa trẻ

.

Xác định khiếm khuyết và khuyết tật được xem là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong các chính sách về người khuyết tật (NKT) hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, các khái niệm trong Luật NKT đưa ra vẫn chưa thỏa đáng, chưa đủ và dễ bỏ sót nhiều dạng khiếm khuyết, nhất là đối với những khiếm khuyết hữu hình, không thể nhìn thấy bằng mắt…

Hoạt động nhóm của học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.  Ảnh: T.Y
Hoạt động nhóm của học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Không dễ chấp nhận con mình khuyết tật

Đà Nẵng hiện có 2.473 trẻ khuyết tật được hưởng trợ cấp hằng tháng, trong đó có 1.800 trẻ khuyết tật nặng và 459 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trẻ gặp những khiếm khuyết về mặt thần kinh, thể chất như chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, nói ngọng, chậm nói… và các em đang “tự bơi” trong thế giới nhỏ bé của mình và gặp không ít khó khăn trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Anh N.M.H, có con trai học lớp 1 tại Trường tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu năm học 2018-2019 cho biết cách đây 1 tháng, anh được giáo viên chủ nhiệm gọi lên trao đổi về những biểu hiện không-bình-thường của con trai liên quan đến chứng tăng động giảm chú ý, dẫn đến kết quả học tập yếu, sau một năm học chưa viết được chữ (kể cả bảng chữ cái) như bạn bè đồng lứa. Không lưỡng lự, anh H. quyết định cho con mình tiếp tục học thêm một năm lớp 1 dù không ít người thân, bạn bè khuyên cứ để cu cậu lên lớp vì “con nít mà, học chi cho lắm, lớp 1 chưa đọc được, viết được thì đã làm sao”.

Theo anh H., con anh vốn là một đứa trẻ thông minh, có năng khiếu hội họa nhưng ít khi ngồi tập trung một chỗ, thường chạy nhảy khắp nơi. Ở nhà, cháu thường xuyên trèo lên bàn ghế, bồn cầu hoặc nằm lăn lộn dưới nền nhà nhưng lâu nay anh chỉ nghĩ đơn giản là con đang tuổi ăn tuổi lớn, thích nghịch ngợm, chơi đùa.

“Khi nghe cô giáo trao đổi, tôi không ngạc nhiên nhưng khá buồn vì con mình không bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, nếu nói rằng con tôi là một dạng khuyết tật, thì tôi không đồng ý vì nhìn bên ngoài cháu rất bình thường, không có khiếm khuyết nào về mặt thể chất. Trước mắt tôi cho con học lại một năm lớp 1 rồi tùy theo tình hình mà tính tiếp”, anh H. quả quyết.

Trên thực tế, dù nhìn thấy những biểu hiện không bình thường của con em nhưng không phải phụ huynh nào cũng can đảm cho con học lại như anh H. Một cán bộ đang công tác tại Trường tiểu học Trưng Nữ Vương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, toàn trường hiện có 22 trẻ tự kỷ được sắp xếp học chung với những học sinh phát triển bình thường khác. Những trẻ này thường có kết quả học tập rất hạn chế nhưng hầu hết phụ huynh đều có tâm lý gửi gắm thầy cô, nhờ chăm sóc và “dìu” các em lên lớp.

“Hầu hết những em này không có hồ sơ khuyết tật, một phần do việc làm hồ sơ cho trẻ khá rắc rối, phần còn lại, nhiều phụ huynh không muốn xem con mình là trẻ khuyết tật cũng như lo lắng nếu mang hồ sơ khuyết tật sau này sẽ khó xin việc và sống cuộc đời bình thường như những đứa trẻ khác. Có em có biểu hiện tự kỷ, tăng động nặng, cô giáo mời phụ huynh lên trao đổi để mong nhận sự phối hợp trong phương pháp giáo dục, chăm sóc trẻ nhưng ít gia đình nào chịu hợp tác khiến các em này khá thiệt thòi”, cán bộ này nói.

Do không thuộc diện trẻ khuyết tật được đưa vào danh sách quản lý, chăm sóc, trợ cấp hằng tháng nên hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác Đà Nẵng có bao nhiêu trường hợp trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn ngôn ngữ dạng nhẹ như nói ngọng, nói lắp…

Chị N.T.Ng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho hay con chị gần 3 tuổi nhưng chưa thể gọi rõ ba, mẹ trong khi “con nhà hàng xóm cũng tuổi đó mà nói tía lia”. “Bé mình vừa chậm nói, vừa khó dạy và phát âm không rõ. Bà cháu ở quê trách ba mẹ sao không siêng nói chuyện với bé, thậm chí gửi cả lưỡi heo cho bé ăn với mong muốn giúp bé sớm biết nói”, chị Ng bộc bạch.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho biết mình gặp khó khăn trong việc đánh giá những khiếm khuyết của trẻ như thế nào thì được xem là bệnh, như thế nào là trong ngưỡng bình thường. Bác sĩ Ngô Minh Cảnh, Trưởng khoa Nhi - Ngôn ngữ trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng cho biết, chậm nói có thể là một biểu hiện của những rắc rối về não bộ như chậm phát triển trí não, chứng tự kỷ hoặc trục trặc vòm miệng, thậm chí gặp những khiếm khuyết về thính giác, hở hàm ếch…

Tuy nhiên, cũng có nhiều đứa trẻ, chậm nói chỉ là dấu hiệu tạm thời và có thể tự nói, nói được sau một thời gian mà không cần sử dụng một biện pháp can thiệp nào khác. “Đối với trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ, ba mẹ cần quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân vì sao con mình chậm nói. Nếu do khiếm khuyết cơ thể thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế và tuân thủ hướng dẫn điều trị, phục hồi chức năng của bác sĩ. Còn nếu một đứa trẻ phát triển bình thường nhưng chậm nói thì cha mẹ cần xem xét lại cách giao tiếp, dành nhiều thời gian vui chơi, trò chuyện cùng con”, bác sĩ Cảnh khuyến cáo.

Lúng túng trong xác định khiếm khuyết, khuyết tật

Có những người khi sinh ra có một khiếm khuyết nào đó. Nếu lấy tiêu chuẩn một đứa trẻ bước vào lớp 1 phải ngay lập tức biết đọc, biết viết, biết hát múa làm tiêu chí đánh giá về sự phát triển bình thường, không phải lúc nào cũng đúng. Tương tự, việc xác định trẻ khiếm khuyết và khuyết tật được xem là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong các chính sách về NKT hiện nay.

Nội dung Thông tư 01/2019/TT - BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NKT hiện nay; trong đó có việc xác định mức độ khuyết tật bằng các phương pháp y khoa là cần thiết và phải là một quá trình theo dõi mang tính kết nối giữa gia đình và cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, Thông tư này này còn bổ sung các phương thức giáo dục, chính sách giáo dục cũng như quyền lợi của NKT trong việc tham gia vào các hoạt động dạy nghề, tạo công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục thể thao lành mạnh và phù hợp; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội…

Đưa con đi chơi, hòa mình với thiên nhiên- nhiều bậc cha mẹ đang cố gắng từng ngày để con có thể hạn chế những khiếm khuyết mắc phải. TRONG ẢNH: Các em khuyết tật đi chơi ở Bán đảo Sơn Trà. Ảnh: T.Y
Đưa con đi chơi, hòa mình với thiên nhiên- nhiều bậc cha mẹ đang cố gắng từng ngày để con có thể hạn chế những khiếm khuyết mắc phải. TRONG ẢNH: Các em khuyết tật đi chơi ở Bán đảo Sơn Trà. Ảnh: T.Y

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố cho biết, pháp luật công nhận tự kỷ là một dạng khuyết tật nhưng đó là dạng khuyết tật nào thì hiện nay chưa có một văn bản luật nào nêu rõ. Do đó, những trẻ tự kỷ nặng, được nhìn thấy bằng những biểu hiện cụ thể, khó hòa nhập cộng đồng mới được đưa vào danh sách trẻ khuyết tật cần được chăm sóc và hưởng những quyền lợi dành cho NKT theo quy định của Nhà nước. Bà Thu Hương cho hay, ngoài danh sách trẻ khuyết tật cần phải chăm sóc đặc biệt, thì Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp với một số cơ sở y tế, cơ sở giáo dục tăng cường tập cho trẻ chơi các trò chơi giải phóng năng lượng, tung bóng để tập trung, hội họa để nắm bắt suy nghĩ… nhằm hỗ trợ những đứa trẻ chẳng may mang trên mình một dạng khiếm khuyết nhẹ có khả năng hòa nhập cộng đồng.

Chị N.T.T.A (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho hay chị đã rất khổ sở với chứng “tự làm đau” của con mình. Chị kể, năm con 3 tuổi, một lần chị phát hiện thấy bé cầm vật nhọn đâm vào đùi, vào chân nhưng nghĩ đơn giản đó là trò nghịch dại của con nít. Dần dà, chị để ý thấy bé thường xuyên cầm tăm tre, kéo nhọn đâm vào da thịt mình. Chưa kể trong nhà, cháu bày “chướng ngại vật” la liệt nhưng chỉ cần người lớn cất đi hoặc đụng vào đó, là cháu đập đầu vào tường hay đấm tay thình thịch vào ngực. Lo lắng, gia đình chị vứt hết mọi vật dụng có thể gây thương tích, cái nào cần dùng phải bỏ trên tủ cao và khóa lại cẩn thận.

“Tôi đã trải qua một thời gian dài bi quan và chán nản khi thấy con không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng hiểu con hơn và sống với những điều bất thường ấy”, chị T.A chia sẻ.

T.A là một trong hàng trăm ông bố, bà mẹ tự xoay sở trong hành trình tự xoa dịu, hiểu con nhiều hơn và cố gắng tìm mọi cơ hội để con được phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Ngày ngày, ngoài việc chở con đến sinh hoạt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, chị thường xuyên kết nối với những ông bố, bà mẹ có con tự kỷ để chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi dạy, chăm sóc con.

Dù đang nỗ lực từng ngày, nhưng qua tâm sự, chúng tôi biết rằng, chị vẫn chưa thật sự tìm thấy một phương pháp chăm sóc, giáo dục tốt nhất cho con mình. Có thể nói, trong khi chứng tự kỷ còn chưa được phân định rõ là bệnh hay là khuyết tật, thì hàng trăm nghìn gia đình vẫn đang phải tự “bơi” trong hành trình  tìm kiếm những giải pháp tốt nhất trong chăm sóc và dạy dỗ những đứa con vốn chịu khá nhiều thiệt thòi của mình.

TIỂU YẾN


 

;
;
.
.
.
.
.