Với nỗ lực xóa bỏ định kiến “trọng nam, khinh nữ” và phân biệt chủng tộc, hôm 1-7, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) công bố danh sách khách mời làm hội viên, trong đó ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng nữ giới và người da màu.
Các diễn viên nữ trong phim Period. End of Sentence nhận giải thưởng tại Oscar 2019. Ảnh: AFP |
Còn nhớ cách đây 3 năm, AMPAS từng đưa ra tuyên bố cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng thành viên là nữ giới và số thành viên da màu vào năm 2020 sau những lời kêu gọi tẩy chay trên các phương tiện truyền thông xã hội dưới hashtag #OscarsSoWhite.
Vì lẽ đó, năm nay, AMPAS đã gửi lời mời trở thành hội viên tới tổng cộng 842 nhà hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh ở 59 quốc gia, trong đó có nhiều tên tuổi đình đám như Claire Foy, Elisabeth Moss và Lady Gaga nhằm mục tiêu nâng tỷ lệ của các thành viên nữ lên mức 32%, so với mức 25% trong năm 2015, và tỷ lệ hội viên người da màu chiếm khoảng 30%, so với mức 8% trong năm 2015.
Đây cũng là lần đầu tiên số khách mời làm hội viên AMPAS đạt tỷ lệ 50% là nữ giới. Độ tuổi của những khách mời làm hội viên năm nay cũng rất đa dạng, trong đó trẻ nhất là ngôi sao người Anh 23 tuổi Tom Holland và cao tuổi nhất là nam diễn viên huyền thoại 88 tuổi người Pháp Jean-Louis Trintignant.
Động thái trên nằm trong chuỗi các hoạt động tiếp theo sau lễ trao giải Oscar 2019 nhằm gửi đi thông điệp về nữ quyền và lên án phân biệt chủng tộc. Lễ trao giải Oscar năm nay được xem là buổi lễ mang sắc thái tôn vinh nữ quyền bậc nhất trong lịch sử của giải thưởng này khi có đến 3 bộ phim mang thông điệp về nữ quyền và lên án phân biệt chủng tộc được vinh danh, gồm Period. End of Sentence, Green Book, và BlacKkKlansman.
Với nội dung xoay quanh chủ đề nữ quyền và cuộc sống thường nhật của phái nữ, bộ phim Period. End of Sentence đã được AMPAS đánh giá rất cao tại hạng mục “Phim tài liệu ngắn xuất sắc”. Bộ phim là câu chuyện thuật lại việc nữ giới ở Hapur (Ấn Độ) đã xoay xở ra sao để tìm cách vận hành cỗ máy sản xuất băng vệ sinh chất lượng tốt nhưng giá rẻ để cải thiện chất lượng sống.
Trong khi đó, Green Book với những thông điệp mạnh mẽ lên án nạn phân biệt chủng tộc cũng đã chiến thắng tại hạng mục “Kịch bản gốc xuất sắc nhất”. Bộ phim chính kịch được đạo diễn Peter Farrelly dàn dựng dựa trên sự kiện có thật tại Mỹ, kể về hành trình của hai người đàn ông khác màu da và địa vị xã hội Don Shirley và Tony Vallelonga.
Trong đó, Don Shirley là một nghệ sĩ, còn Tony Vallelonga là vệ sĩ kiêm tài xế cho Don Shirley. Đây là tượng Vàng thứ 2 của bộ phim trong lễ trao giải Oscar 2019, sau giải thưởng dành cho Mahershala Ali ở hạng mục “Nam diễn viên phụ xuất sắc”.
Cũng mang nội dung tương tự, BlacKkKlansman đã được tôn vinh tại hạng mục “Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất”. Tác phẩm của đạo diễn da màu Spike Lee mang giọng điệu hài hước giễu nhại chính trị và khơi lại đề tài phân biệt chủng tộc cực đoan của đảng “3K”, đề cập trực diện đến những vấn đề tồn tại dai dẳng trong xã hội Mỹ, từ bạo lực, sự phân biệt chủng tộc đến vấn đề tân phát xít, chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người da trắng...
Là nhà sáng lập và tổ chức giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá thường niên, AMPAS - được biết đến như là “hoàng tộc” Hollywood - thành lập năm 1927 tại Mỹ với mục đích vinh danh những thành tựu sáng tạo trong bộ môn nghệ thuật thứ 7. Số thành viên của AMPAS dao động trong khoảng 6.000 - 9.000 người, là những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh Mỹ.
Ngoài ra, thời gian gần đây AMPAS cũng kết nạp thêm các hội viên từ nhiều nước khác nhằm tăng “hương vị” cho các hoạt động của viện. Trong năm 2018, AMPAS đã đón 928 hội viên mới - con số lớn thứ hai trong lịch sử của viện này. Việc gia tăng đáng kể số lượng nữ giới và người sắc tộc thiểu số trong danh sách mời làm hội viên của AMPAS năm nay, chứng tỏ AMPAS đang cố gắng hiện thực hóa cam kết tăng gấp đôi số lượng thành viên là nữ giới và số thành viên da màu vào năm 2020.
Đoàn Gia Huy (tổng hợp)