Ước mơ đưa hương trầm bay xa

.

Sản xuất, kinh doanh chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng và điều ấy vẫn luôn là hành trình gian nan, lên thác xuống ghềnh đối với phụ nữ. Nhưng nhân vật trong bài viết này, đã cho thấy bản lĩnh và niềm tin vào sự lựa chọn của mình, dù đó là một lựa chọn không kém phần rủi ro, mạo hiểm.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên (đứng) kiểm tra mùi hương cho dòng sản phẩm mới tinh dầu được chế biến từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên (đứng) kiểm tra mùi hương cho dòng sản phẩm mới tinh dầu được chế biến từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Châu Thông cho biết mình vừa từ bỏ công việc làm công  ăn lương hơn 16 năm để toàn tâm toàn ý xây dựng thương hiệu cho chuỗi sản phẩm làm từ trầm hương và nguồn nguyên liệu chanh, sả, tràm, cà-phê… vốn rất quen thuộc với người tiêu dùng thời gian qua.

Chị bảo đó là một quyết định có phần mạo hiểm, bởi gần 20 năm trước, khi vừa tốt nghiệp chuyên ngành Hóa hữu cơ, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, trong khi bạn bè chuẩn bị hàng chục bộ hồ sơ xin việc, thì chị lại xoắn tay tìm kiếm nguồn nguyên liệu, học hỏi quy trình, lập kế hoạch sản xuất, phân phối nước rửa chén mang tên Mỹ Liên.

Cơ sở có 3 con người, làm ngày làm đêm, tranh thủ thời gian phân công nhau mang nước rửa chén đi giới thiệu khắp các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố. “Ngày đó nước rửa chén bán được tiền lắm, 7.000 đồng/lít, trong khi các thương hiệu đã có tên tuổi thường chỉ đóng chai chứa từ 1 đến 2 lít. Tôi nghĩ, nếu mình làm số lượng lớn, mỗi chai chứa 5 lít, 10 lít, 20 lít, chắc chắn giá thành sẽ giảm, giúp sản phẩm dễ dàng tìm chỗ đứng trên thị trường.

Mỗi ngày cơ sở của tôi làm ra từ 30 đến 50 lít, chỉ đủ phân phối cho một số nhà hàng nằm trên đường Nguyễn Văn Linh. Làm được thời gian thì tôi dừng, bởi thấy nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ như thế thì không thành công, còn mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động thì lại không dám. Khi ấy nguồn vốn không có, sản xuất gối đầu, trẻ nên bản lĩnh kém, còn sợ điều này điều kia, mà sợ nhất là thuê lao động về mà không đủ tiền trả lương cho họ”, chị Mỹ Liên chia sẻ.

Làm chủ gần năm rưỡi, Nguyễn Thị Mỹ Liên quyết định hủy giấy phép sản xuất, kinh doanh nước rửa chén để tìm kiếm một công việc ổn định trong cơ quan Nhà nước. Công việc mới ở tập đoàn dầu khí có phần nhàn hạ, sáng đi, tối về giúp chị đủ thời gian chăm sóc gia đình và hai con nhỏ, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn vẫn là ước mơ được làm chủ thời gian và công việc của mình.

Và như một cơ duyên, năm 2012, người bạn tặng chị ít trầm hương mang về từ huyện miền núi Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), giới thiệu đây là sản phẩm quê hương, được khách du lịch Trung Quốc ưa chuộng. Thậm chí, có không ít du khách từ Đà Nẵng tổ chức đoàn về Tiên Phước mua trầm làm quà tặng.

Cầm trên tay miếng trầm tỏa ra mùi hương dễ chịu và nghe lời chia sẻ từ người bạn, chị Liên nhận thấy đây là cơ hội cho mình phát triển sự nghiệp cá nhân. Từ thời điểm đó, chị tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và bắt tay vào sản xuất thử nghiệm các sản phẩm từ trầm hương như nhang trầm, nụ trầm, giác trầm xông, trầm mỹ nghệ, vòng tay...

Trong kinh doanh, không có gì là dễ nhưng được làm công việc mình ấp ủ, đam mê thì đó là niềm vui lớn. Mỗi ngày, chị Liên như con thoi, đi đi, về về giữa xưởng sản xuất và 3 cơ sở kinh doanh, giới thiệu sản phẩm nằm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chị chia sẻ, dù khó khăn nhưng chị vẫn luôn theo đuổi tiêu chí sản xuất sạch, nguồn nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất tạo mùi hương để bảo vệ sức khỏe khách hàng. “Là mặt hàng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu tự nhiên, nên doanh nghiệp luôn sẵn sàng đối mặt với nguồn nguyên liệu lúc thơm, lúc không nhưng phải bảo đảm đầu ra, giá cả hợp lý. Sau vài năm tập trung nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi đã giải quyết được bài toán nguyên liệu, sản xuất ra dòng sản phẩm ổn định, được thị trường đón nhận”, chị Liên cho biết.

Một trong những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, theo chị Mỹ Liên, là câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thường các cửa hàng kinh doanh, tùy vào nguồn khách, họ có thể thay đổi giá thành, khi cao, khi thấp cho một sản phẩm để bảo đảm đầu ra. Nếu mình bán giá cao, khách sẽ chê mình bán đắt, nhưng nếu bán thấp hơn họ, khách nghĩ hàng mình không bảo đảm chất lượng, điều này ảnh hưởng khá lớn đến quá trình xây dựng thương hiệu.

“Thời gian đầu sản phẩm trầm chủ yếu sản xuất ra để bán cho người tiêu dùng nhưng khó phát triển ở thị trường Đà Nẵng vì người Đà Nẵng ít chú ý đến yếu tố sản phẩm làm từ thiên nhiên, không dùng hóa chất, mà chủ yếu thích sản phẩm giá rẻ, có mùi thơm. Sau này, chúng tôi bắt đầu làm thương hiệu riêng mang tính pháp lý cho sản phẩm như tiêu chuẩn cơ sở, chứng nhận test mẫu an toàn của cơ quan chức năng, giấy chứng nhận xuất hàng đi nước ngoài… Khi có tính pháp lý rõ ràng, sản phẩm của công ty đã vào được sân bay, trung tâm thương mại, xuất hiện tại một số hội chợ để giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng”, chị Liên cho hay.

Từ một doanh nghiệp nhỏ chỉ có 3 người, nay tổng số cán bộ, công nhân viên của Châu Thông lên đến 30 người, trong đó có 15 lao động chính thức và 15 lao động thời vụ, bao gồm các bộ phận sản xuất, hành chính, kế toán, bán hàng. Theo chị Liên, doanh số năm 2018 tăng ổn định, trung bình đạt trên 743 triệu đồng/tháng, tăng 30% so với năm 2017. Cùng với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản phẩm của công ty đã có mặt hầu hết tại các cửa hàng lưu niệm tại Đà Nẵng, đặc biệt là các sân bay quốc tế trên cả nước.

Ngoài dòng sản phẩm từ nguyên liệu trầm hương, từ năm 2018, công ty do chị Mỹ Liên làm chủ đã nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm tinh dầu thiên nhiên với thương hiệu tinh dầu mangala và các sản phẩm được pha chế liên quan từ các nguyên liệu hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của thị trường khách du lịch như tinh dầu thiên nhiên, cao dầu tràm, sáp chống muỗi, ống xoa tinh dầu, xà phòng thiên nhiên…

Bước chân vào nghiệp sản xuất, kinh doanh là không còn những giây phút chần chừ, do dự, không còn những sáng thảnh thơi ngồi uống ly cà-phê cùng bè bạn, nói đôi câu ba chuyện về thời trang, làm đẹp, dù đó vẫn luôn là đề tài hấp dẫn của chị em phụ nữ.

Với chị Mỹ Liên, đây là quãng thời gian chị toàn tâm toàn ý, dốc hết sức lực vào nghiên cứu, sản xuất, học tập, tìm kiếm kinh nghiệm với mong mỏi xây dựng được một thương hiệu cho dòng sản phẩm làm từ trầm hương và nguồn nguyên liệu thiên nhiên, dân dã vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng thời gian qua.  

Tiểu Yến

;
;
.
.
.
.
.
.