Tình trạng hạn hán kéo dài khắp nơi trên thế giới tới mức báo động như ở Cape Town (Nam Phi) năm 2018 và Chennai (Ấn Độ) hiện tại khiến chính phủ các nước, các nhà khoa học nỗ lực tìm biện pháp khắc phục.
Người dân Ấn Độ chờ hứng từng xô nước. |
Từ Cape Town tới Chennai
Hồi tháng 3 năm 2018, 4 triệu người dân ở thành phố Cape Town phải dùng nước một cách dè sẻn nhằm tránh viễn cảnh “Ngày không nước”. Mỗi người dân Cape Town được dùng 300 lít nước/ngày vào năm 2000 và giảm xuống còn 87 lít/ngày vào năm 2017. Nguyên nhân là dân số tăng 25%, số hộ gia đình tăng 60%, trong khi đó kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng dự trữ nước không theo kịp đà tăng trưởng dân số và phát triển du lịch.
Hơn một năm sau, 7 triệu người dân Chennai, thành phố lớn thứ 6 của Ấn Độ, đang chịu cảnh khát nước nghiêm trọng. Chennai nằm trong vùng khí hậu cực kỳ khắc nghiệt: năm 2017 lũ lụt, năm 2018 lốc xoáy và năm nay hạn hán khô người. Lý do là quá trình đô thị hóa đã làm cho Chennai trở nên thê thảm hơn. Trong quãng thời gian 30 năm (từ 1980 tới 2010) tốc độ xây dựng ở Chennai cực lớn. Diện tích xây dựng từ 47km2 nhảy lên 402km2, khu vực ngập nước giảm từ 186km2 xuống còn 71,5km2.
Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi bảo tồn nguồn nước trong bối cảnh gió mùa yếu (gió mùa chiếm 70% lượng mưa) có thể đẩy hàng triệu người dân chịu cảnh hạn hán kéo dài và làm tê liệt ngành nông nghiệp của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Chỉ có 8% lượng nước mưa ở Ấn Độ được bảo tồn. 21 thành phố ở quốc gia này có nguy cơ thiếu nước trầm trọng vào năm tới. Số liệu thống kê cho thấy Ấn Độ có lượng mưa ít hơn tới 24% so với trung bình 50 năm trước.
Thiếu nước nghiêm trọng
Chủ đề của Ngày Nước thế giới 2019 là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, cứ 9 người thì có 1 người không được tiếp cận với nước an toàn. Theo Water.org, có tới 6 lần dân số nước Mỹ, tức tầm 2 tỷ người không có kết nối nước tới nhà của họ.
Nhiều thành phố lớn trên thế giới rất căng thẳng về nguồn nước như Cape Town, Tokyo (Nhật Bản), Sao Paolo (Brazil), Bắc Kinh (Trung Quốc), Melbourne (Úc), Luân Đôn (Anh)… Ngân hàng Thế giới cho biết 9/10 thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu có liên quan tới nước. Các vụ mùa thất bát vì hạn hán có thể nuôi sống 81 triệu người là con số đáng suy nghĩ.
Mặc dù bề mặt Trái đất có khoảng 71% là nước nhưng 95% lượng nước đó là đại dương hoặc không thể uống được. Điều đó có nghĩa chỉ 5% lượng nước trên thế giới là nước ngọt để uống, canh tác và sinh hoạt. Nước ngọt tìm thấy ở sông, suối, hồ, tầng nước ngầm. Sự sẵn có của nước ngọt phụ thuộc vào vị trí của nó bởi vì nước ngọt sạch bị kẹt trong sông băng thì con người quá khó tiếp cận.
Những giải pháp táo bạo
Nick Sloane là một chuyên gia cứu hộ biển đưa ra ý tưởng giải quyết khủng hoảng nước ở Cape Town năm 2018 là kéo tảng băng trôi từ Nam Cực vượt 40.000km tới bờ biển phía tây Nam Phi. Dự án này trị giá hơn 200 triệu USD nhưng chưa thực hiện thì Cape Town đã vượt qua khủng hoảng. Hiện tại Sloane đang phát triển một thỏa thuận để bán nước sạch cho Nam Phi.
Maroc từ năm 2013 đã thực hiện chương trình hứng sương mù lấy nước nhằm ứng phó lại tình trạng biến đổi khí hậu và thiếu mưa nặng nề ở khu vực miền nam. Lưới hứng sương mù được tổ chức phi lợi nhuận Dar Si Hmad lắp đặt ở khu vực núi Boutmezguida, nơi có sương mù thường xuyên. Sương mù được ngưng tụ trong lưới và thu nước ở máng phía dưới, vận chuyển qua hệ thống đường ống. Kết quả là 800 người ở 15 ngôi làng gần đó được bơm nước từ chương trình này.
Công ty Khethworks triển khai hệ thống tưới tiêu bằng năng lượng mặt trời cho nông dân Pune (Ấn Độ). Theo công ty này, việc chuyển đổi tưới tiêu bằng diesel sang bằng năng lượng mặt trời giúp tăng 170% lợi nhuận hằng năm cho nông dân nơi đây vốn thường xuyên vật lộn với nỗi lo tìm nước cho cây trồng của họ.
Các nhà khoa học tại Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối Thịnh vượng chung ở Úc phát triển một bộ lọc giúp khử mặn nước biển. Hệ thống lọc được tạo ra từ graphene, một vật liệu mà các nhà nghiên cứu mô tả là hiệu quả hơn trong việc tách tạp chất khỏi nước. Các nhà nghiên cứu đang hy vọng tìm được đối tác để giúp mở rộng quy mô công nghệ để có thể được sử dụng cho lọc nước hộ gia đình và đô thị.
Infinite Cool là một công ty có trụ sở tại Mỹ đang tìm cách thu hồi nước từ các ống xả của nhà máy điện. Công ty này đánh giá các nhà máy điện sử dụng gần 39% tổng lượng nước của cả nước. Công nghệ này đang chờ cấp bằng sáng chế và công ty tin tưởng rằng sẽ giúp tiết kiệm 20-30% lượng nước lãng phí ở các nhà máy.
ANH THƯ (tổng hợp)