Hội họa Duy Ninh và Trăng

.

Từ bao giờ những bức tranh của Duy Ninh neo đậu vào trí nhớ vốn thường hoang vu của tôi như một góc trời của quê xứ? Nơi này dăm ba con thuyền cũ nát gối đầu lên bãi chiều lam, nơi kia là sắc vàng nhạt trăng non in trên nền trời nâu tối như muốn khắc họa một hoàng hôn vĩnh cửu.

Tác phẩm Dạ khúc trăng non – Duy Ninh
Tác phẩm Dạ khúc trăng non – Duy Ninh

Cố nhiên, có khá nhiều đề tài trong nghệ thuật hội họa của họa sĩ Duy Ninh, và dường như đề tài nào cũng hàm chứa sự bí ẩn, siêu hình, như nét cọ trừu tượng của anh đã từng mang đến cho công chúng sự ham hố khám phá từ những dịp thưởng ngoạn. Lần này, trong “Triển lãm tranh Duy Ninh” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, người thưởng lãm sẽ bắt gặp từng đề tài tranh của anh đẹp như tên gọi những bài thơ: Một cõi người, Dạ khúc trăng non, Nỗi buồn của biển, Ký ức Huế, Hạnh phúc mẹ...

Nhưng với tôi, nói đến thế giới hội họa của Duy Ninh, hầu như bao giờ sự ám ảnh cũng hiện lên trong nhãn quan của mình một quê xứ vừa gần gũi, vừa siêu thực. Có vẻ như đấy là cái thiên đường ký ức mà ánh trăng non bàng bạc vĩnh cửu kia chính là một thứ hồi quang có khả năng dẫn dắt con người ta lần dò ra từng quá khứ.

Thực ra, trăng là một đề tài không lấy gì làm mới trong sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ xưa nay. Chỉ có điều tôi đọc được từ các họa phẩm của Duy Ninh, trăng ấy không chỉ là đối tượng cho người nghệ sĩ thể hiện miêu tả, kiểu: Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi (Hàn Mặc Tử). Mà trăng trong tranh vẽ của Duy Ninh là thứ trăng biết thao thức, thứ trăng biết muộn phiền bởi sự biến dịch thường hằng, tất cả rồi sẽ bị thời gian tước đoạt. Một thứ ánh trăng đẹp, nhưng không sáng soi quê xứ và tình yêu thanh bình như trong ca dao, mà khắc khoải đầy nỗi ưu tư như tâm hồn của một thi sĩ: Lòng như vầng trăng nhọn/ Chém giữa trời khôn nguôi (Lưu Quang Vũ).

a
Triển lãm lần này giới thiệu đến công chúng và người yêu nghệ thuật 52 tác phẩm đặc sắc, đa dạng về chất liệu và thể loại như thủ ấn họa, sơn dầu, acrylic, lụa…, với chủ đề về thế giới tự nhiên, thân phận con người và tình yêu cuộc sống. Trong ảnh: Tác phẩm "Biến đổi" vẽ theo thể loại thủ ấn họa.
Ảnh: XUÂN SƠN
"Sau cuộc chiến", sơn dầu
Ảnh: XUÂN SƠN
"Nỗi đau màu da cam", sơn dầu
Ảnh: XUÂN SƠN
"TOTEM I", acrylic
Ảnh: XUÂN SƠN
"Chùa Cầu Hội An", thủ ấn họa
Ảnh: XUÂN SƠN
"Chiếc cầu của tôi", thủ ấn họa
"Lời cảnh báo", sơn dầu
Ảnh: XUÂN SƠN
"Cội rễ", acrylic
Ảnh: XUÂN SƠN
Tranh của họa sĩ Duy Ninh, đặc biệt là thể loại thủ ấn họa đã thu hút sự quan tâm của của giới Mỹ thuật trong và ngoài nước tại các cuộc triển lãm như: Triển lãm nhóm họa sĩ Việt Nam tại Đan Mạch (1995), Triển lãm mỹ thuật đương đại Hoa Kỳ - Việt Nam tại Mỹ (1995 - 1996), Triển lãm mỹ thuật đương đại Bắc - Trung - Nam Việt Nam tại Hội An (2006)…Trong ảnh: Tác phẩm "Dạ khúc trăng non".

Duy Ninh là họa sĩ thuộc lớp gạch nối giữa thời điểm trước và sau tháng 3 năm 1975. Nói đến Mỹ thuật Đà Nẵng, thế hệ đầu tiên góp mặt trong căn nhà chung của Liên hiệp Hội Văn học-Nghệ thuật có thể kể đến những cái tên nổi bật như: Hoàng Đặng, Duy Ninh, Vũ Dương, Phan Ngọc Minh... Họa sĩ Duy Ninh là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, anh từng  triển lãm cá nhân tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh vào các năm 1989 và 1991; triển lãm chung nhóm họa sĩ Việt Nam tại Đan Mạch vào năm 1995, triển lãm Mỹ thuật đương đại tại Hoa Kỳ 1995-1996.

Anh cũng đã nhận khá nhiều giải thưởng từ các địa phương cho đến Trung ương vào các năm 1990-1995, Huy chương đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005-2010. Đặc biệt, anh  được nhận Bằng khen của Philip Morris tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (ASEAN) năm 1996. “Giày da áo trận” trong nghề là vậy, miệt mài đóng góp sức sáng tạo qua nhiều thể loại: sơn dầu, lụa, màu nước, bút sắt là vậy, nhưng lặng lẽ con đường nghệ thuật riêng một cõi cũng chỉ mỗi Duy Ninh.

Một trong những nét riêng tạo dựng làm nên tên tuổi Duy Ninh trong làng mỹ thuật Đà Nẵng, có lẽ đấy là nghệ thuật thủ ấn họa. Nói đến loại hình nghệ thuật này, giới mỹ thuật trong và ngoài nước đều nhớ đến bậc thầy thủ ấn họa - Họa sĩ Tú Duyên.

Ông thuộc thế hệ họa sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1935). Năm 1942, họa sĩ Tú Duyên là người thầy khai sinh ra trường phái nghệ thuật thủ ấn họa độc đáo, có một không hai ở Việt Nam, với một kỹ thuật vẽ chỉ chuyên dùng ngón tay, lòng bàn tay, cạnh tay vẽ trực tiếp lên lụa, giấy, hay là các loại vật liệu khác thích ứng. Không rõ họa sĩ Duy Ninh có là truyền nhân thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên hay không, riêng điều này thì tôi biết, anh đã không lặp lại con đường của tiền bối mình đã khai mở.

Nếu ngày xưa họa sĩ Tú Duyên thường lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, hoặc trong kho tàng ca dao Việt Nam để sáng tạo ra tác phẩm thủ ấn họa, thì Duy Ninh đã mở rộng đề tài nghiêng về chiều hướng hiện đại, chất chứa những suy tưởng, những niềm ưu tư trong từng sự vật. Vẫn những gam màu nâu tối hay lam tím, có khi sắc đen pha chàm như trong tranh sơn dầu, nhưng thủ ấn họa của Duy Ninh đường nét, bố cục như muốn mở ra lối vô tận.

Hay nói một cách khác, dường như chủ ý của họa sĩ muốn cho người thưởng lãm tranh tiếp nối cái phần suy tưởng của họ vào tác phẩm, làm giàu có thêm ý nghĩa hội họa.

Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy đã có nhận xét về tranh Duy Ninh như sau: “Những thủ ấn họa đầy chất siêu thực của Duy Ninh tươi sáng hơn, nhưng cũng hàm chứa những ray rứt của một tâm hồn đầy chiều sâu giữa một thế giới tịch mịch và trầm lắng. Thông điệp của người nghệ sĩ Việt Nam gởi đến cho cuộc đời và thế giới chính là những kêu đòi đổi mới và tái xây dựng trong yêu thương, hòa hợp và hy vọng” (Nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam).

Còn nhiều nhận xét về tranh Duy Ninh của các lớp văn nghệ sĩ đàn anh, của bạn bè đồng nghiệp. Nhưng có lẽ thế này chăng, mọi hướng tiếp cận nghệ thuật, cho dù là nghệ thuật hội họa thì cũng khó bề đạt tới cái vô cùng. Rồi mỗi công chúng sẽ đến với “Triển lãm tranh Duy Ninh”, sẽ đối thoại với những nét mới được thể hiện qua các đề tài như: Thao thức, Đêm trắng, Ký ức mưa, Người giữ lửa..., và sẽ cảm nhận theo cách của mình.

Có thể rồi nhãn quan của mỗi người, tiếng nói tự nội (immanence) của mỗi người sẽ có khác nhau, nhưng tôi tin sự lãng mạn về cái đẹp sẽ là mẫu số chung của tất cả. Ví như  đối diện tôi bức Dạ khúc trăng non bây giờ, lại dẫn dắt tôi gặp lại những mùa trăng cũ càng nào đó, Duy Ninh đã đồng hành cùng tôi nuôi giấc mơ ở hai tập bút ký của tôi do anh vẽ bìa Đi tìm huyền thoại cho đất và Ngày bắt đầu truyền thuyết. Đấy có thể nói cũng là quê xứ siêu hình của tôi và Duy Ninh, một quê xứ vô thể (l’informel), nhưng lại tràn ngập hồi quang của ánh trăng dẫn đường.      

Triển lãm mỹ thuật mang tên “Tranh Duy Ninh” do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng và họa sĩ Duy Ninh phối hợp tổ chức sẽ giới thiệu đến công chúng và người yêu nghệ thuật 52 tác phẩm đặc sắc, đa dạng về chất liệu và thể loại như thủ ấn họa, sơn dầu, acrylic, lụa…, với chủ đề về thế giới tự nhiên, thân phận con người và tình yêu cuộc sống.

Triển lãm khai mạc vào lúc 16 giờ 30 ngày 24-8-2019 và diễn ra đến hết ngày 4-9-2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, số 78 Lê Duẩn, TP. Đà Nẵng.

H.Lương

Nguyễn Nhã Tiên - Xuân Sơn 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.