Lo ngại thực phẩm không an toàn

Mỗi sớm mai thức dậy, chị em luôn phải đau đầu với suy nghĩ quẩn quanh, hôm nay ăn gì, mua thực phẩm ở đâu cho an toàn, tránh nguy cơ độc hại. Trong vòng vây của thông tin chỗ này tôm bơm tạp chất, thịt lợn nái giả thịt bò, chỗ kia cá ngâm u-rê, hoa quả ngâm thuốc..., những bà nội trợ trở nên hoang mang đến mức đêm ngủ không tròn giấc.

Nỗi lo về thực phẩm bẩn theo chân phụ nữ không chỉ từ sáng đến khuya mà từ nhà đến tận nơi làm việc. Câu hỏi nên ăn cá hay ăn thịt, ăn rau, mua ở hàng quen ở chợ hay vào siêu thị… để hạn chế nguy cơ dính thực phẩm nhiễm độc đã trở thành đề tài bàn tán không chỉ của phụ nữ mà còn có cả các đấng mày râu. Lo lắng đến mức mấy tháng nay, khi thông tin dịch tả lợn châu Phi lan đến một số xã ở Đà Nẵng và lan rộng ở tỉnh Quảng Nam, thịt heo và các chế phẩm từ thịt heo không hề có mặt trong thực đơn các bữa ăn của một số gia đình.

Trong mê hồn trận các loại thực phẩm nhiễm bẩn, người ta nhắc nhau phải nâng cao kiến thức nhận biết để trở thành người tiêu dùng thông minh. Vậy là các bà nội trợ lại có dịp truyền tai nhau những kinh nghiệm nhận biết thực phẩm an toàn và giới thiệu một số địa chỉ bán buôn uy tín… Nhiều người còn lên cả danh sách một số thực phẩm ít nguy cơ nhiễm độc để mua dùng. Nhưng rồi cũng chỉ biết thở dài trong lo lắng, bởi không một ai có thể bảo đảm chắc chắn rằng đó là một trăm phần trăm thực phẩm sạch.

Dăm ngày, nửa tháng lại nghe tin bạn bè, người quen nằm viện hay qua đời vì ung thư này, ung thư nọ. Trên thông tin báo chí, Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ mắc ung thư với tỷ lệ 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.

Những con số “chết người” này cho thấy Việt Nam ngày càng có nhiều người mắc bệnh ung thư hơn. Liệu rằng có nguyên nhân nào bắt nguồn từ những thực phẩm được sản xuất không an toàn, còn dư lượng kháng sinh hoặc đã biến hóa dù nó đã quá thời hạn sử dụng rất nhiều tháng.  

Chưa có lúc nào mà ngồi trước mâm cơm mỗi ngày, thay vì cảm giác bình yên khi được dùng bữa cùng gia đình thì người ta lại săm soi món này, món kia để xem có tươi, có sạch không? Chính vì vậy, mỗi bà nội trợ lại trăn trở tìm ra một cách riêng để bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Người ở phố dạo này có xu hướng chọn hàng quê để mua sắm. Từ gạo quê xay vẫn còn nguyên lớp cám đến mớ rau trái tươi mơn mởn vừa mới hái ở vườn. Có người còn cẩn thận gửi nội, ngoại ở quê mua giúp từ nải chuối vườn đến mớ cá bống kho tiêu… đóng thùng gửi ra thành phố. Thịt heo, thịt bò thì rủ nhau mua nguyên con rồi chia nhau để dành ăn dần. Hoặc số khác lại chuộng mua thực phẩm ở siêu thị hoặc những cửa hàng thực phẩm sạch có thương hiệu. Tuy giá cả có hơi đắt hơn ngoài chợ nhưng việc dốc hầu bao để mua sự an toàn cho sức khỏe là điều không bao giờ phí phạm.

Trong khi đó người dân vùng ngoại ô lại ít có sự chọn lựa hơn. Trước hết là hệ thống siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch “phủ sóng” còn thưa thớt, người dân vùng ven, nhất là vùng nông thôn xa xôi, muốn tiếp cận nguồn hàng (được cho là sạch) này khá vất vả vì có khi phải đi gần chục cây số. Vì vậy, việc cung ứng thức ăn hằng ngày cho đại bộ phận người tiêu dùng này chủ yếu từ nguồn các chợ địa phương. Mà hàng ở chợ thì không lấy gì bảo đảm là sạch. Nhất là hàng có nguồn từ Trung Quốc nhập lậu, hàng trôi nổi khắp nơi dạt về các chợ quê với giá rẻ không tưởng.

Có một nghịch lý đang tồn tại ở các vùng nông thôn là: Người thôn quê bán gà, vịt, lợn, rau, gạo sạch cho thành phố với giá cao, để rồi trong số họ, có người mua về dùng những thực phẩm như gà, thịt, cá đông lạnh, hoa quả giá rẻ không có nguồn gốc, xuất xứ.

Cứ ngỡ nỗi lo thực phẩm độc hại là tâm sự chung của nhiều người, song không ít người xem ra vẫn bình chân như vại. Thậm chí, không ít người còn tặc lưỡi lý sự: “Ăn cũng chết, không ăn chết nhanh hơn”… (?)

Để phòng tránh những hiểm họa từ thực phẩm không an toàn, ngoài “người tiêu dùng thông minh”, thiết nghĩ cần phải có sự chế tài thích đáng đối với các cơ sở sản xuất, nuôi trồng vi phạm Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.

Như Hạnh


 

;
;
.
.
.
.
.