Chăm sóc bệnh nhân tâm thần

Vơi đi nỗi đau không tên

.

Từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố được chuyển sang các hoạt động lao động trị liệu, bên cạnh điều trị và tập vật lý trị liệu, hiệu quả phục hồi chức năng tinh thần nhờ đó tăng lên.  

Bóc tỏi - công việc lao động trị liệu được áp dụng tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố. Ảnh: MAI HIỀN
Bóc tỏi - công việc lao động trị liệu được áp dụng tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần thành phố. Ảnh: MAI HIỀN

1. Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần hiện đang nuôi dưỡng, điều trị cho hơn 350 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân thuộc diện lang thang chiếm khoảng 1/3; chia làm 7 khu, gồm 5 khu nam, 2 khu nữ. Thời điểm tôi đến, các bệnh nhân đang tập trung bóc vỏ tỏi. Công việc nghe có vẻ đơn giản nhưng ở đây, có bệnh nhân tay bóc tỏi khá thuần thục; có bệnh nhân mất vài phút để bóc xong một tép tỏi; có bệnh nhân chỉ ngồi đó, đưa ánh mắt ngơ ngác, trống rỗng nhìn xung quanh rồi chợt cười. Thấy tôi giơ máy ảnh lên, vài bệnh nhân lớn tuổi liền cười, giơ hai ngón tay lên để tạo kiểu, trông họ không khác gì một đứa trẻ.

Cạnh đó, ở khu D, cô Đ. cùng những bệnh nhân nữ trong tổ chăn nuôi đang cắt rau lang để chuẩn bị nấu thức ăn cho vài chục con heo. Nếu không biết trước thì chắc hẳn chúng tôi sẽ không nhận ra cô Đ. cũng là bệnh nhân bởi mỗi bệnh nhân ở đây đều mặc một bộ đồng phục với màu xanh biển nhạt đi kèm đầy đủ thông tin họ tên, khu đang ở ngay trên phần ngực áo, còn cô thì không.

Vừa tiếp chuyện tôi, cô Đ. vừa hướng dẫn công việc cho mấy cô, mấy chị bệnh nhân khác. Cô Đ. được đưa vào Trung tâm cách đây đã hơn 10 năm. Hiện cô đã dần ổn định tinh thần. Nếu bảo đảm uống thuốc đều đặn 2 lần/ngày thì cô trông không khác gì một người bình thường. Cô kể, cô quê ở Thái Bình, có chồng và hai con trai. Là người có tinh thần ổn định nhất, cô Đ. được Trung tâm tạo điều kiện chăn nuôi heo, gà và thành lập hẳn một tổ chăn nuôi 9 người. Mỗi ngày, các cô làm những việc như cho heo gà ăn, tắm, vệ sinh chuồng, nấu đồ ăn cho heo… Bên cạnh việc bóc tỏi, nuôi heo, một nhóm bệnh nhân nữ tập hợp thành một tổ làm móc khóa, Tết đến thì cùng nhau kết cườm làm hoa, có nhóm thì xuống bếp phụ lặt rau; bệnh nhân nam thì xớt cỏ, làm vườn.

Chị Lê Thị Từ Ái, nhân viên khu D cho hay, tổ làm móc khóa được thành lập cách đây gần 3 năm. Các chị sẽ cắt sẵn các hình thù, bệnh nhân nữ sẽ ráp lại bằng các đường may tay đơn giản. Sản phẩm hoàn thiện được trưng bày trong một tủ kính, bán cho các đoàn từ thiện ghé đến thăm Trung tâm. Số tiền bán được dùng để mua đồ bồi dưỡng cho các bệnh nhân. Chị Ái chia sẻ, “Bệnh nhân vui và phấn khích lắm. Thấy đoàn từ thiện nào ghé đến sẽ liền “chào hàng” kiểu “Cái ni của em làm đây cô. Cô mua ủng hộ đi!”.
Những bệnh nhân tỉnh hơn vẫn có thể phụ nhân viên một tay trong việc chăm sóc bệnh nhân nặng hơn, những bệnh nhân già yếu, bệnh tật, phụ đi lấy thức ăn từ nhà bếp đem về cho khu của mình.

2. Ông Nguyễn Văn Cần, Giám đốc Trung tâm cho biết, từ đầu năm 2016, Trung tâm áp dụng quy trình mới trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chú trọng vào lao động trị liệu. Theo đó, từ 5 giờ 30 mỗi ngày, sau khi được hướng dẫn sắp xếp mùng, mền, làm vệ sinh cá nhân, bệnh nhân ra sân tập thể dục, sau đó là ăn sáng, dọn dẹp phòng ở, phòng ăn, tắm, giặt, lao động trị liệu, vật lý trị liệu, vui chơi. Đến 10 giờ 15 thì sắp xếp bàn ghế, đi nhận cơm từ nhà bếp, ăn trưa. Hoạt động buổi chiều được bắt đầu từ 1 giờ 30, bệnh nhân lại tiếp tục tham gia những công việc trong lao động trị liệu, tập vật lý trị liệu, vui chơi, giải trí ngay tại khu ở. Và một ngày thường kết thúc vào lúc 9 giờ tối. Tùy vào điều kiện thời tiết, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, lịch hoạt động sẽ được điều chỉnh phù hợp.

“Thông qua lao động trị liệu, thứ nhất là sẽ giúp bệnh nhân hồi phục trí nhớ. Những bệnh nhân đang được nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm, đa phần là bệnh nhân tâm thần đặc biệt nặng, nếu bỏ thuốc quá 3 ngày sẽ lên cơn. Nếu để bệnh nhân suốt ngày ở trong phòng, bệnh tình sẽ nặng hơn, khiến việc chăm sóc bệnh nhân trở nên khó khăn hơn. Thứ hai là thông qua lao động trị liệu sẽ giúp bệnh nhân vơi đi những ức chế tâm thần, từ đó họ sẽ tỉnh táo hơn. Và thực tế là 2, 3 năm trở lại đây, buổi tối, bệnh nhân không còn tình trạng quậy phá, la, khóc; rối loạn hành vi cũng ít hơn”, ông Cần cho hay.

Cách làm mới này không chỉ giúp bệnh nhân vơi đi những nỗi đau mà còn giúp nhiều bệnh nhân chợt nhớ lại thông tin về địa chỉ của họ, tìm lại được gia đình. Gần đây, một bệnh nhân lúc được đưa vào Trung tâm thuộc diện lang thang, không ai biết đến từ đâu đã nhớ ra địa chỉ nhà tại Bình Thuận. Từ thông tin này, Trung tâm tìm được gia đình của bệnh nhân, đón bệnh nhân về đoàn tụ với gia đình.
Rời Trung tâm, hình ảnh các cô, các chú bóc tỏi, dọn cỏ, bằm rau lang nấu đồ ăn cho heo… cứ mãi theo tôi. Thương biết mấy những người tâm trí đang còn ở đâu đó, trong khi cuộc sống hối hả ngoài kia vẫn quay không ngừng.

MAI HIỀN


 

;
;
.
.
.
.
.