Cách đây 8 năm, Thomas Cook từng suýt phá sản với khoản nợ 1,1 tỷ bảng Anh nhưng rồi “sống sót” nhờ được bơm thêm tiền. Điều này cũng có nghĩa là khoản nợ ngày càng gia tăng. Và đến ngày 23-9, công ty du lịch có tuổi đời 178 năm này phải chính thức tuyên bố phá sản khiến hàng trăm nghìn du khách trên toàn cầu bị mắc kẹt, dẫn đến một cuộc “hồi hương” thời bình lớn nhất trong lịch sử nước Anh.
Hàng trăm nghìn người bị mắc kẹt trong kỳ nghỉ do các chuyến bay bị hủy bỏ sau khi Thomas Cook phá sản. Ảnh: AP |
Phá sản do gánh nợ quá lớn
Thomas Cook là công ty tư vấn du lịch lâu đời nhất thế giới, do ông tổ nghề du lịch hiện đại Thomas Cook thành lập năm 1841. Nhờ sự tiên phong của Thomas Cook, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, lãnh thổ. Những sáng kiến của ông như giá vé đoàn, tour du lịch trọn gói... vẫn đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp lữ hành thế giới. Khi còn thịnh vượng, doanh thu hằng năm của Thomas Cook đạt khoảng 9 tỷ bảng Anh và phục vụ 19 triệu lượt khách hàng tại 16 quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, sự gục ngã của một “đại thụ” trong ngành du lịch đã gây ra một cú sốc lớn không chỉ cho ngành du lịch trong nước mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác.
Nguyên nhân chính của việc sụp đổ được cho là tập đoàn này không thể tìm kiếm được khoản đầu tư trị giá 200 triệu bảng từ các chủ nợ, bao gồm cả ngân hàng RBS thuộc sở hữu của chính phủ. Nhưng trong thực tế, vấn đề này đã bắt đầu từ trước đó.
Vào tháng 5-2019, tập đoàn này đã báo lỗ 1,5 tỷ bảng, trong đó hơn 1 tỷ bảng đến từ vụ sáp nhập năm 2007 với MyTravel. Thỏa thuận này từng được kỳ vọng sẽ tạo ra một “người khổng lồ” ngành lữ hành ở châu Âu, hứa hẹn giúp Thomas Cook tiết kiệm chi phí 75 triệu bảng mỗi năm và là “bàn đạp” để họ đối phó với những đối thủ mới trong thời đại Internet. Tuy nhiên, Thomas Cook đã đánh giá sai và chính thỏa thuận này đã khiến tập đoàn phải gánh một khoản nợ lớn.
Tính đến thời điểm tuyên bố phá sản, tổng nợ của Thomas Cook đã lên tới 1,7 tỷ bảng Anh, tăng cao so với khoản nợ 1,1 tỷ bảng vào năm 2011. Vào tháng 8 năm nay, Thomas Cook công bố chi tiết về kế hoạch tái cơ cấu nợ, trong đó đề cập tới việc cổ đông lớn nhất của họ là tập đoàn Trung Quốc Fosun International đồng ý chi 450 triệu bảng, đương tương với 50% gói cứu trợ mà tập đoàn cần để thoát khỏi kịch bản phá sản.
Đổi lại, Fosun yêu cầu sở hữu 75% cổ phần của Thomas Cook ở mảng tour du lịch và 25% cổ phần ở mảng hàng không. Các ngân hàng cho vay và cổ đông khác của Thomas Cook cũng hứa hẹn sẽ rót thêm 450 triệu bảng và chuyển khoản nợ hiện tại thành vốn chủ sở hữu, mang lại cho họ tổng cộng khoảng 75% cổ phần mảng hàng không và 25% ở mảng tour du lịch. Nhưng việc Thomas Cook được yêu cầu phải kêu gọi thêm 200 triệu bảng nữa ngoài 900 triệu bảng ban đầu đã khiến thỏa thuận này sụp đổ.
Ngoài nguyên nhân trên, sự thay đổi trong thói quen du lịch của người dân Anh cũng là một yếu tố khiến Thomas Cook rơi vào tình cảnh bi đát này. Nhiều du khách đã đổi sang chọn tour du lịch ngắn ngày thay vì những tour dài ngày đến bãi biển như trước đây. Việc nở rộ dịch vụ đặt phòng và vé máy bay trực tuyến cũng đẩy Thomas Cook vào thế khó.
Theo Hiệp hội Thương mại Du lịch Vương quốc Anh (ABTA), qua một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, trong số 7 người thì chỉ có 1 người tìm đến các phòng đặt vé trực tiếp tại các khu phố thương mại, trong khi Thomas Cook sở hữu khoảng 560 phòng đặt vé như vậy. Những người lựa chọn đặt vé trực tiếp cũng thuộc nhóm đã cao tuổi và hạn chế chi tiêu hơn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng khí hậu và những bất ổn xung quanh tiến trình nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) cũng tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Thomas Cook. Nhiều khách hàng người Anh đã hoãn kế hoạch du lịch mùa hè 2019 vì sự không chắc chắn xung quanh Brexit ngày càng tồi tệ.
Tác động của sự sụp đổ
Sau khi thông báo phá sản được đưa ra, mọi hoạt động của Thomas Cook bị ngừng lại ngay lập tức, buộc các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa, các máy bay của họ không được cất cánh và 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu (trong đó có 9.000 nhân viên tại Anh) phải nghỉ việc. Quyết định trên cũng ảnh hưởng tới 600.000 khách hàng và gây ra một cuộc “hồi hương” lớn nhất của nước Anh trong thời bình. Nhiều du khách tại một số khách sạn liên kết với Thomas Cook bị yêu cầu nộp thêm tiền trước khi được phép rời đi.
Trước động thái này, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố sẽ bảo đảm 150.000 khách du lịch người Anh bị ảnh hưởng sẽ không “bị kẹt” ở nước ngoài. Cùng với đó, từ 23-9 đến 6-10 tới, Chính phủ Anh yêu cầu Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) triển khai chương trình “hồi hương” để đưa khách hàng của Thomas Cook trở lại Anh; đồng thời triển khai một đội máy bay để “hồi hương” công dân Anh. Tại một số ít điểm đến, các chuyến bay thương mại sẽ được điều động thay thế.
Ngoài các du khách người Anh, sự sụp đổ bất ngờ của Thomas Cook cũng tác động đến những khách hàng trên toàn châu Âu. Hiện có khoảng 140.000 hành khách Đức đang sử dụng dịch vụ của tập đoàn này có nguy cơ bị mắc kẹt tại nước ngoài và khoảng 21.000 khách hàng đã đặt vé máy bay bị ảnh hưởng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 21.000 du khách nước ngoài là khách hàng của Thomas Cook đang bị mắc kẹt lại đây. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với Bộ Tài chính nước này xem xét triển khai gói hỗ trợ tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Theo Liên đoàn khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ, việc Thomas Cook phá sản có thể khiến đất nước này mất 600.000-700.000 lượt du khách nước ngoài mỗi năm.
Theo CNN Business, hiện Thomas Cook không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi các bước thanh lý tài sản ngay lập tức. Đơn xin thanh lý tài sản đã được công ty gửi lên tòa án cấp cao của Anh. Ông Peter Fankhauser, Tổng giám đốc Thomas Cook đã gửi lời xin lỗi tới khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp và đối tác. “Hôm nay là ngày rất buồn đối với công ty đi tiên phong về cung cấp các kỳ nghỉ trọn gói và đưa du lịch trở nên dễ dàng hơn đối với hàng triệu người trên thế giới”, ông Fankhauser nói.
Đoàn Gia Huy (tổng hợp)