Mến thương cuộc đời

.

Chúng tôi dừng lại trước một cái quán nhỏ để hỏi đường. Quán bán đủ thứ: bánh kẹo, mì tôm, xà phòng, bia, xăng... Tôi ngồi thu lu trên xe và nhìn qua cửa kính, thấy chiếc xích đu này (ảnh). Nó được treo lên cành cây bằng hai sợi dây thừng, ngay trước cửa quán.

 

Đấy là một ngôi làng ven một con đường liên tỉnh Tây Nguyên. Dân cư thưa thớt. Nhiều cư dân ở đây là người ngoài Bắc vào, Nam Định, Thái Bình, Hà Tây, Hà Nam…, chủ yếu sống bằng nghề trồng cà-phê, điều, tiêu. Một số hộ mở hàng cơm, tạp hóa. Cái không khí vắng vẻ, nắng nôi, hiu quạnh, đầy ăm ắp những cơn gió mang mùi khói khiến tôi nhớ đến ngôi làng mà tôi đã rời xa từ lâu lắm rồi. Cũng toàn người dưới xuôi lên khai hoang từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, cũng sống xen lẫn với người bản địa và loay hoay làm đủ mọi nghề. Rồi sinh con đẻ cái, rồi có cháu có chắt. Mảnh đất ở tạm để chạy trốn cái đói nghèo khi nào đã dần trở thành thân thuộc, không bao giờ còn có ý định rời đi nữa…

Tôi nhớ những năm xa xôi. Làng chưa có điện lưới. Chúng tôi thắp sáng bằng đèn dầu hỏa, hoặc dầu ma-dút. Đêm đêm, trong tiếng gió bấc hú từng cơn, anh em chúng tôi cặm cụi ngồi học bài. Bố tôi là người rất nghiêm khắc. Ông rèn cho anh em chúng tôi đâu vào đấy, giờ giấc sinh hoạt, làm việc, học tập… giống như trong quân đội, nhưng ông cũng đặc biệt chiều con. Những trưa hè không có điện, nóng nực ghê gớm, tôi nằm trên võng ngủ trưa, thỉnh thoảng tỉnh giấc hé mắt ra thấy bố đang ngồi trên cái ghế đẩu vừa đọc sách vừa đưa võng cho con. Ngủ dậy, thường là đã có một rổ hạt trám rửa sạch, phơi khô để ngoài hè. Bố chặt đôi những hạt trám, vót cho tôi cái que nhọn để khêu lấy nhân mà ăn. Nhân trám ngon lắm, hay vì cái thời ấy thiếu đói nên thấy nó ngon đến thế, cũng không rõ nữa. Tôi thích ngồi xem bố lụi hụi làm việc. Vừa làm bố vừa trả lời hàng tỷ câu hỏi linh tinh hầm bà lằng mà tôi đưa ra. Ví như tôi hỏi: Một tỷ đồng thì nhiều bằng nào hả bố? Bố tôi cười: Một tỷ á? Nếu con có một tỷ, tiền một nghìn đồng, thì con phải dán khắp nhà mình, cả trong cả ngoài tường, phủ kín mái nhà mới hết một tỷ. Tôi thấy kinh khủng quá. Một nghìn đồng lúc ấy mua được hai que kem ở hàng rong rồi.

Khi tôi lấy chồng, bố tôi không đồng ý với sự chọn lựa của tôi nhưng tôi vẫn ương bướng, bất chấp. Bố tôi nói: Cá không ăn muối cá ươn. Con có biết câu ấy không? Nhưng tôi vẫn không nghe lời bố. Tôi là một con thiêu thân, liều lĩnh một cách ngu dốt, cứ lao đi, lao đi. Ngày tôi theo chồng, trời mưa mịt mùng. Tờ mờ sáng tôi rời khỏi nhà, váy vóc đầu tóc lướt thướt vì mưa, và vì nước mắt. Mẹ tôi ngồi khóc trong nhà, bố tôi đứng ở hiên nhìn theo. Bố buồn. Tôi biết thế. Nhưng tôi đã ương ngạnh từ trong trứng, luôn nghĩ mình đúng,  luôn có cả mớ lý thuyết sách vở, tôi cũng mộng mơ và tin vào một sứ mệnh nào đấy mà mình phải mang vác trọn đời…

Và khi đổ vỡ, tôi nhớ buổi sáng mùa thu hôm ấy. Trời Hà Nội đẹp nhất trong năm. Tôi ngồi đối diện với bố mẹ và nói tôi muốn bước ra khỏi cái cuộc hôn nhân mà chính tôi đã lựa chọn. Mẹ tôi khóc. Mẹ luôn khóc khi bà thương tôi quá mà không biết làm gì. Bố tôi ngồi đó, tóc bạc trắng, gầy guộc mảnh dẻ, đôi mắt buồn bã. Tôi có đôi mắt giống bố, luôn phảng phất buồn ngay cả khi cười. Bố tôi nói: Con lớn rồi, con quyết định thế nào bố mẹ cũng đồng ý.

Phải khi người ta lớn thì mới thực sự biết là mình cần gì.

Tiếc rằng, không ai có thể trở thành người lớn khi đang còn đầy một tuổi trẻ ngông cuồng, liều lĩnh và mơ mộng viển vông.

Tôi luôn biết ơn số phận vì đã cho tôi được làm con của bố mẹ, những người lao động lam lũ chất phác nghèo khó, nhưng đầy ý chí, đầy nghị lực, và luôn có một niềm yêu thương cuộc sống lớn lao…
Chủ quán nơi chúng tôi dừng lại có một cô con gái nhỏ. Cô bé chừng bảy, tám tuổi. Em vừa đi học về, cất cặp sách và chạy ra ngồi đu đưa ở cái xích đu mà bố em làm cho em. Đôi mắt tròn xoe như mắt của mọi đứa trẻ, má phính, tóc tơ lòe xòe trên trán, quần áo hoa vàng li ti... Em hát nho nhỏ, giọng như reo vui. Và bố em đứng trong hiên nhà lúi húi đong xăng bán cho khách bằng chiếc phễu và chiếc can nhựa có vạch kẻ ngang chi chít, chốc chốc ngẩng lên nhìn ra.

Tôi nhớ đến hai cô con gái nhỏ của mình. Khi người ta phải làm tất cả mọi việc của hai bố mẹ cộng lại, thì gánh nặng không phải gấp đôi, mà là gấp ba. Những ngày tôi phải đi những chuyến đi xa, bố mẹ già của tôi lại lọc cọc dẫn nhau lên trông cháu, trông nhà. Khi đã bớt lo cho con thì ông bà lại lo cho cháu.
Các cuối tuần, bố tôi vẫn luôn ngóng tôi về để có người nói chuyện. Bố là người lạc quan, vui vẻ, luôn chăm sóc bản thân, ngày nào cũng tập thể dục, đi bộ, luôn tính toán khẩu phần ăn từng bữa sao cho đủ dinh dưỡng, không thừa không thiếu. Ông nói, càng già càng cần chăm sóc sức khỏe. Sống phải khỏe mới vui được, lại cũng đỡ làm phiền con cháu.

Khi đã làm mẹ, tôi luôn tâm niệm: Điều gì bố mẹ đã làm mà tôi thấy vui lắm, hạnh phúc lắm thì tôi sẽ lặp lại đối với con cái. Và điều gì mà bố mẹ chưa làm được, khiến tôi đôi khi tủi thân, tôi cũng sẽ cố làm bằng được cho các con. Người ta nói, bố mẹ là tấm gương cho con cái, tôi nghĩ có cả hai nghĩa, tấm gương của những điều tốt đẹp, và tấm gương của những thiếu khuyết. Khi chúng ta soi vào đấy, chúng ta thấy cả bản thân, thấy cả bố mẹ, thậm chí thấy cả tương lai của những đứa con.  

Em bé chơi một lúc thì tụt xuống, chạy vào ôm chân bố. Chiếc xích đu cứ đu đưa đu đưa mãi trong ánh sáng vàng óng của chiều tà đang buông. Thật là hạnh phúc cho em bé, và cũng thật hạnh phúc cho ông bố kia vì đã luôn yêu thương và được yêu thương.

Khải Huyền
 

;
;
.
.
.
.
.