Nước sông Mekong xuống thấp

.

Lãnh đạo các nước trên thế giới đang tề tựu về New York (Mỹ) đầu tuần này cho cuộc họp thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (LHQ) về thách thức của thế giới từ biến đổi khí hậu, thì ngay tại Đông Nam Á, vấn đề nóng nhất vẫn là nguồn nước ngày càng ít hơn để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho những quốc gia dọc theo sông Mekong.

Hàng triệu người dọc sông Mekong sống bằng nghề đánh bắt hải sản bị ảnh hưởng khi nước dòng sông này xuống thấp. Ảnh: Kith Serey/EPA
Hàng triệu người dọc sông Mekong sống bằng nghề đánh bắt hải sản bị ảnh hưởng khi nước dòng sông này xuống thấp. Ảnh: Kith Serey/EPA

Đại diện thường trú của Chương trình phát triển LHQ tại Campuchia Nick Beresford cho biết, quốc gia này nằm trong số 3 khu vực dễ bị tổn thương nhất ở châu Á. Ủy ban sông Mekong hồi tháng 7 vừa qua thông báo mực nước thấp kỷ lục kéo dài 4.500km, từ đầu nguồn Trung Quốc chảy qua Myanmar, Thái Lan, Lào trước khi tới Việt Nam. Ủy ban này - là cơ quan liên chính phủ được thành lập để quản lý dòng sông Mekong có tầm quan trọng đối với hàng triệu người - cho biết “lượng mưa rất thiếu” và nhiều đập thượng nguồn trong tình trạng thiếu nước chưa từng có.

Nhiều cộng đồng dân cư dọc theo sông Mekong dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, mức nước quá thấp dẫn tới không có nước tưới tiêu làm cây trồng khô héo và cá cũng không còn trên dòng sông để đánh bắt. Thêm phần cơ sở hạ tầng yếu kém dẫn tới khả năng thích ứng của người dân địa phương rất thấp.

Mọi người có biết trên dòng sông Mekong có bao nhiêu đập thủy điện? Tác giả của “Những ngày cuối cùng sông Mekong” - người đứng đầu Dự án chính sách Mekong, Brian Eyler cho biết có hơn 100 đập trên dòng chính và các nhánh của nó. Các đập ngăn dòng di cư của cá và dòng trầm tích rất quan trọng đối với nông nghiệp. Sông Mekong cung cấp nước, thực phẩm và thu nhập cho khoảng 60 triệu người. Người ta ước tính, 25% sản lượng nước ngọt của thế giới được lấy từ dòng sông này.

Không chỉ xây dựng thủy điện, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đã và đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than; dự kiến tới năm 2030 có gần 400 gigawatt. Một nghiên cứu khoa học vừa được công bố trên tạp chí Khoa học năng lượng và môi trường có trụ sở tại Mỹ cho biết, với lượng nhà máy nhiệt điện lớn như vậy, các nước sẽ gặp khó khăn trong việc tìm đủ nguồn nước để làm mát hệ thống máy móc.

Dòng sông Mekong không chỉ bị chặn dòng, hút nước mà còn bị nạo vét cát bừa bãi. Đây là “ngành” kinh doanh lớn ở Campuchia với số liệu thống kê cho thấy Campuchia là một trong những nước xuất khẩu cát lớn nhất thế giới. Cụ thể, năm 2015 đứng ở vị trí thứ 7 kèm theo doanh thu 53 triệu USD. Xuất khẩu cát của Campuchia tăng trưởng nhanh nhất từ năm 2014 với 4.620%.

ANH THƯ (Theo Science Daily, ASEAN Post, Aljazeera)
 

;
;
.
.
.
.
.