Sân chơi thiết thực về công nghệ

.

Lần đầu tiên, khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức cuộc thi “IoT-AI Hackathon 2019” mở rộng cho đối tượng học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cuộc thi khuyến khích sự sáng tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT) và cơ hội để các ý tưởng được doanh nghiệp bảo trợ tiếp tục đầu tư, phát triển thành sản phẩm thương mại.

SolarTNT - Robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời được nhóm dự án giới thiệu tại cuộc thi. Ảnh: H.T
SolarTNT - Robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời được nhóm dự án giới thiệu tại cuộc thi. Ảnh: H.T

Trải qua 4 vòng thi trong gần 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9-2019), đến nay, một số ý tưởng đã hình thành dự án mang tính thực tiễn dựa trên nền công nghệ AI và IoT; trong đó, có thể kể đến các dự án như: SmartRouting - Tìm đường đi nhanh nhất và tránh kẹt xe (dùng AI để xử lý hình ảnh và video tại các camera trên các tuyến đường); hệ thống tưới lan thông minh sử dụng công nghệ IoT; mũ bảo hiểm thông minh (Smart Helmet) có chức năng đo nồng độ cồn và cảnh báo khi vượt quá mức quy định, phát hiện và đánh thức người sử dụng khi có dấu hiệu buồn ngủ trong khi điều khiển phương tiện giao thông; SolarTNT - Robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời; Artificial Psychotherapist (AP) - Nhà trị liệu tâm lý ảo; ứng dụng nhận diện bệnh ngoài da và hỗ trợ kết nối bệnh nhân tới bác sĩ…

Một điều đáng ghi nhận là những dự án đều xuất phát từ quan sát, nắm bắt thực tế cuộc sống và ứng dụng lý thuyết đã học để tìm ra giải pháp tối ưu. Trong những lần đi thực tế tại nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa nhận thấy một nhà máy điện mặt trời có khoảng 150.000-300.000 tấm pin và cần hơn mấy chục nhân công lao động cho việc vệ sinh các tấm pin.

Từ đó, nhóm nung nấu ý tưởng hình thành robot đa chức năng, thông qua công nghệ lập trình sẵn, robot này có thể thực hiện vệ sinh và giám sát hiệu quả tình trạng các tấm pin. “Quá trình thực hiện dự án, nhóm nhận được sự góp ý của thầy cô và hỗ trợ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp trong ngành điện. Ngay những linh kiện, vật liệu cho dự án cũng được giới thiệu đặt hàng, kể cả nhập từ nước ngoài về.

Cuộc thi tạo nhiều hứng khởi, động lực cho sinh viên bởi qua mỗi vòng thi sản phẩm càng hoàn thiện và mở ra khả năng ứng dụng vào thực tế là hoàn toàn có thể”, Võ Hoàng Nguyên Khương, nhóm trưởng dự án chia sẻ.

Cũng có những dự án thể hiện ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của những người trẻ. Gây chú ý tại cuộc thi là nhóm học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với đề tài AP - Nhà trị liệu tâm lý ảo. Nguyễn Minh Hiếu, đại diện nhóm chia sẻ, trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng có lúc bị những áp lực khiến bản thân trở nên mệt mỏi, đôi khi còn bị chính áp lực đó dồn vào “đường cùng” mà không lối thoát.

Đặc biệt, giới trẻ hiện nay không chỉ bị áp lực học hành mà còn rối loạn tâm thần do trò chơi điện tử hoặc lên mạng quá nhiều. Do đó, AP - Nhà trị liệu tâm lý ảo chính là một dự án cung cấp một thiết bị công nghệ giúp ngăn cản các vấn đề tâm lý mà nhóm muốn thực hiện nhằm phục vụ cho cộng đồng. “AP sẽ cảnh báo trạng thái tâm lý của con người, chẳng hạn mệt mỏi, căng thẳng, buồn…

Từ đó, giúp điều chỉnh kịp thời hoặc can thiệp chứng trầm cảm. Chính chúng tôi là những người đầu tiên thử nghiệm những sản phẩm của mình và nó đã mang lại những tín hiệu tốt”, Minh Hiếu nói.

Theo PGS,TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Bách khoa), Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, công nghệ thông tin là lĩnh vực mũi nhọn và là hạ tầng của hạ tầng kỹ thuật, do vậy ngành nghề này luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường việc làm. Vì vậy, cuộc thi nhằm tạo môi trường để sinh viên, học sinh đưa ra những ý tưởng, sản phẩm độc đáo, có thể ứng dụng trong thực tiễn, ngay từ khi các em còn ở giảng đường.

Cuộc thi “IoT-AI Hackathon 2019” cũng hiện thực hóa quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Thông qua cuộc thi, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin - điện tử ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên có cơ hội tiếp cận, đồng hành với các tác giả, nhóm tác giả phát triển ý tưởng, đề tài, khơi nguồn sáng tạo, động viên tinh thần khởi nghiệp, kiến tạo sản phẩm theo hướng “Made in Vietnam”.

“Học sinh, sinh viên ngày nay có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin, tính sáng tạo cao. Quan trọng là chúng ta tạo sân chơi, hỗ trợ các em tìm hiểu công nghệ ứng dụng trong ý tưởng, đề tài; định hướng về công việc lập trình; huấn luyện kỹ năng tư duy thiết kế, xây dựng và sáng tạo các thiết bị, đồ dùng thông minh; hỗ trợ tiếp cận kêu gọi vốn… Vì vậy, cần có những sân chơi công nghệ để phát triển nguồn nhân lực này”, PGS, TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

HÀ THU
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.