Quảng Nam là một trong những địa phương giàu truyền thống văn hóa, đấu tranh yêu nước và cách mạng. Truyền thống đó luôn gắn liền với tài năng, đức độ và công lao to lớn của các thế hệ người phụ nữ Quảng Nam. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo, phụ nữ Quảng Nam trở thành lực lượng cách mạng hùng hậu, đi đầu trong nhiều phong trào cách mạng, có nhiều công lao và hy sinh to lớn, góp phần vào những chiến công quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó có tấm gương về mẹ Phạm Thị Cộng (mẹ Cộng), một cơ sở cách mạng kiên trung.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh (bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng Phạm Đức Nam thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Cộng sau ngày giải phóng 1975. (Ảnh tư liệu trong tập sách Hồ Nghinh - một chiến sĩ, một con người) |
Mẹ Phạm Thị Cộng, thường gọi là mẹ Cộng, sinh năm 1902 ở thôn Châu Bí (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) trong một gia đình nghèo. Năm 22 tuổi, mẹ lấy chồng, một anh mõ nghèo trong làng. Chồng mất sớm, để lại cho mẹ đứa con nhỏ. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mẹ tham gia hoạt động cách mạng. Rồi trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mẹ không quản khó khăn, tình nguyện làm “ngọn đèn không tắt”.
Cuối năm 1954 đến đầu năm 1955, tình hình cách mạng ở Quảng Nam hết sức ngột ngạt do địch điên cuồng thi hành chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”. Đường dây liên lạc giữa khu, tỉnh, huyện gặp nhiều khó khăn. Để thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng, từ giữa năm 1955, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định chia cơ quan Tỉnh ủy làm hai bộ phận (phân ban). Bộ phận phía Bắc (phân ban cánh Bắc) - phụ trách địa bàn các huyện Điện Bàn, Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng, đứng chân ở khu vực xã Điện Tiến (huyện Điện Bàn). Bộ phận phía Nam (Phân ban cánh Nam) đứng chân tại xã Cẩm Thanh, thị xã Hội An.
Trong thời gian cơ quan Phân ban phía Bắc đứng chân trên địa bàn xã Điện Tiến, căn nhà nhỏ của mẹ Cộng là chỗ ở bí mật của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Cao Sơn Pháo; sau này là Bí thư Tỉnh ủy Mười Khôi (Phạm Tứ), rồi các đồng chí Hồ Nghinh, Trần Thận… Trước sự truy lùng, đánh phá ác liệt của Mỹ - Diệm, mẹ Cộng không sợ nguy hiểm, che chở, nuôi giấu cán bộ. Vì vậy, có đồng chí hỏi vui mẹ: Tụi nó tố cộng ầm ầm, mẹ không sợ sao lại nuôi chúng tôi? Mẹ đáp: Các ông chết, tui chết.
Năm 1956, Ngô Đình Diệm thực hiện cải cách điền địa, thực hiện chính sách đưa dân đi lập “dinh điền”, khu “trù mật” ở Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Âm mưu của chúng là bắt cho được cơ sở cách mạng vào các khu “dinh điền” để quản lý, làm xáo trộn lực lượng cách mạng, làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân nhanh chóng tan rã. Chúng lập danh sách những gia đình nghèo, gia đình có người tham gia cách mạng để đưa đi. Mẹ Cộng là những người như vậy. Chúng bắt mẹ bỏ vào gióng khiêng đi, mẹ nhảy xuống, quyết ở lại quê hương sinh sống và hoạt động cách mạng.
Địch bắt mẹ đi học “tố cộng”, tra tấn nhiều lần nhưng mẹ vẫn không khai báo. Được thả về, mẹ tiếp tục hoạt động. Mẹ thường nói “Mỹ - Diệm tố cộng nhưng Cộng này không ngán đâu!”.
Để canh gác cho cán bộ, không bị lọt vào ổ phục kích của kẻ thù, mẹ đã sáng tạo cách dùng bẹ chuối, ngọn đèn, quần áo phơi trên dây làm tín hiệu. Đêm đêm, mẹ âm thầm bên cây đèn dầu trong túp lều tranh bên bờ sông Yên thức canh gác cho cán bộ vượt sông. Đêm nào không thấy ngọn đèn của mẹ lung lay bên cửa sổ thì các anh nằm im chờ. Khi nào ngọn đèn dầu của mẹ tỏa sáng là tín hiệu an toàn, các anh có thể qua sông.
Từ “ngọn đèn không tắt” của mẹ đã nhân lên thành nhiều ngọn đèn khác. Trên tuyến hành lang từ Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) đến Điện Hồng, Điện Tiến, mẹ Cộng trở thành tai mắt và linh hồn cho cán bộ hoạt động bí mật. Mẹ còn dùng bẹ chuối làm ám hiệu. Khi nào thấy một cái bẹ chuối trắng nằm dọc bên mé đường thì tiếp tục đi, nếu thấy cái bẹ chuối nằm ngang, thì xem như “con rắn” nằm chắn đường, thôi quay lại.
Một câu chuyện về mẹ, mỗi khi nhớ mẹ, dân làng Châu Bí hay kể lại: Trong làng có tên Đ. là một xã trưởng ác ôn khét tiếng, người trong làng ai bị bắt giam cũng bị tên này đánh tra, hù dọa. Một lần, sau khi đánh mẹ Cộng, không lấy được lời khai, hắn chửi:
- Con già ni đúng là đầu sỏ Cộng sản.
- Mẹ nói: Thì “Cộng sản” là tui đây. Tôi là “Cộng” đâu có chối. Các ông đánh quá, tôi sảng, rứa là thành ra “Cộng sản (sảng)”, chớ răng!
Chuyện về mẹ Cộng nhiều vô kể, nhưng còn có một câu chuyện xúc động mà ít ai biết, như chính lời Mẹ đã nói: “Tao đã nói rồi: Chỉ có mình tao với thằng Pháo biết chuyện ni”. “Thằng Pháo” mà mẹ nhắc là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Cao Sơn Pháo.
Chuyện là, năm 1956, trước khi đi công tác, linh tính mách bảo với đồng chí Cao Sơn Pháo, như có điều chẳng lành, đồng chí gặp mẹ và nói: “Con hay đi công tác, mang vàng theo trong người e nhiều chuyện bất tiện lắm. Nhờ mẹ cất dùm”. Sau đó, đồng chí bị bọn tay sai vây bắt rồi sát hại vào tháng 8-1956 tại khu vực thuộc xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc.
Chiến tranh ác liệt, làng quê bị bom cày, đạn xới, tấm thân bao lần bị địch bắt bớ, tù đày, sống chết cận kề…, nhưng mẹ vẫn âm thầm gìn giữ số vàng ấy trong những năm dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mẹ xem đó là tài sản của Đảng giao cho phải có trách nhiệm giữ gìn, không để mất một ly. Sau khi đồng chí Cao Sơn Pháo hy sinh, mẹ Cộng đã tìm đến Cơ quan Tỉnh ủy, giao gói vàng cho cán bộ Tỉnh ủy. Mẹ nói: “Hai lượng vàng ni là của thằng Pháo. Bữa hắn gửi tao cất giùm, hắn có dặn kỹ: Đó là tài sản của Đảng, mẹ chỉ giao lại cho Đảng, tuyệt đối không được giao cho bất kỳ ai khác, kể cả vợ con!...”. Sau khi nghe chuyện đồng chí Cao Sơn Pháo gửi mẹ cất giữ hai lượng vàng của Đảng, cả cơ quan Tỉnh ủy đều xúc động, cảm kích. Mẹ giữ vàng như giữ trọn niềm tin đối với Đảng, với cách mạng và luôn tin tưởng ở ngày toàn thắng.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Người con trai duy nhất của mẹ là anh Nguyễn Hòa đã thoát ly gia nhập vào đội cảm tử của huyện. Bọn tề ngụy trong làng lại càng căm tức và rình mò mọi hoạt động của mẹ. Tuy vậy, mẹ vẫn không ngại hy sinh gian khổ, tiếp tục nuôi giấu cán bộ hoạt động. Năm 1962, thực hiện chủ trương diệt ác, phá kèm, chính mẹ Cộng đã làm trinh sát dẫn đường cho anh Núi và anh Nguyễn Hòa trong đội cảm tử của huyện đánh vào gò Miếu (xã Điện Tiến) diệt 3 tên ác ôn.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, mẹ Cộng tiếp tục trụ bám, làm cơ sở cho Huyện ủy, Tỉnh ủy đến ngày toàn thắng. Nhưng rồi, người con duy nhất của mẹ đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Với những cống hiến, hy sinh vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng, mẹ Phạm Thị Cộng đã được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau ngày mẹ mất, một cán bộ được mẹ che chở, nuôi giấu trong những ngày ác liệt nhất đã đến thắp hương và đặt lên bàn thờ mẹ câu liễn với dòng chữ “Đăng huy bất tử” (nghĩa là ngọn đèn không tắt).
Tấm lòng của mẹ Cộng dân đối với Đảng thật son sắt, như ngọn đèn không bao giờ tắt.
Đông Khôi