Đến nay, qua hơn 10 năm phát động, phong trào hiến mô tạng đã có sự lan tỏa nhất định, số lượng người hiến tăng lên, mỗi một câu chuyện của người hiến tặng mô tạng lan tỏa thông điệp ý nghĩa của sự sống trong cộng đồng. Dù vậy, hành trình vận động người dân hiến mô tạng vẫn còn rất gian nan khi khoảng cách giữa nguồn cung và nhu cầu còn cách nhau rất xa.
Tờ rơi hướng dẫn để hiến tặng mô, tạng của Hội Chữ thập đỏ cung cấp. |
Những tấm lòng cao cả
Tôi gặp chị Tiêu Thị Thanh T. (sinh năm 1981, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) - người đăng ký hiến mô tạng đã được Hội Chữ thập đỏ thành phố cấp thẻ, sau khi chị vừa đi hiến máu tình nguyện về. Đằng sau dáng vẻ bụi bặm của chị là thành tích hiến máu tình nguyện đáng kinh ngạc: hơn 40 lần. Chị T. kể, chị biết đến chương trình hiến tặng mô tạng thông qua những lần đi sinh hoạt tại Hội Chữ thập đỏ quận Sơn Trà.
Đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết não, không chỉ mang lại sự sống cho những người khác mà còn giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Bởi chị hiểu khi nhu cầu ghép tạng tăng cao sẽ có thể dẫn đến tình trạng buôn bán nội tạng, ăn cắp nội tạng, nuôi người để bán nội tạng và còn nhiều việc tiêu cực khác.
Chị đã về trò chuyện với con trai-người thân duy nhất của chị, rằng: “Nếu mẹ có mệnh hệ gì, con hãy đồng ý để mẹ được hiến tặng các phần cơ thể của mình cho những người cần. Mẹ chết đi rồi, một thời gian ngắn thôi, cơ thể cũng sẽ phân hủy, trong khi biết bao nhiêu người cần để duy trì sự sống. Đó là tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời mẹ”. Đáp lại lời chị là sự im lặng, cậu con trai không phản đối nhưng cũng không ủng hộ. Chị nghĩ mình cần thời gian để thuyết phục con.
Nếu như chị T. là người đang khỏe mạnh muốn hiến tặng mô tạng thì em La Thành T. (sinh năm 1992, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn)-bệnh nhân bị teo cơ, suy hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng lại là trường hợp khác.
Bà Trần Thị Hoa, mẹ T. kể, trái tim bà như vỡ tan hàng ngàn mảnh khi nghe đứa con nằm thoi thóp trên giường bệnh nói rằng: “Mẹ, khi nào con chết, con sẽ hiến tặng toàn bộ cơ thể mình cho người cần nó. Hai mươi mấy năm sống trên đời, con cũng chưa giúp được gì cho ai. Nay con chết, nếu con giúp được cho người ta thì con cũng mãn nguyện”.
“Nghe con nói xong mà tui như đứt ruột đứt gan, la nó “Con đang yếu lắm con đừng nói rứa mẹ sợ, con cứ yên tâm chữa bệnh đi, đừng nghĩ tới chuyện chết chóc chi hết”. Nó biết nó nói lần đầu tui không nghe nên dùng “kế” mỗi ngày thủ thỉ một ít. Nó tự lên mạng tìm hiểu thủ tục rồi chỉ đường cho tui đi. Mới đây thấy con yếu quá, lại tha thiết bày tỏ nguyện vọng một lần nữa, tui nén đau mà chấp nhận. Hôm nhận được thẻ, nó cười, còn tui khóc như mưa”, bà Hoa kể lại.
Đà Nẵng hiện đã có 63 người nhận thẻ hiến mô, tạng, nghĩa là những người này đã hoàn tất thủ tục và về mặt pháp lý, chắc chắn được thực hiện tâm nguyện khi qua đời. Cứ một người không may mất đi thì có thể có đến hơn 18 cơ quan trong cơ thể được dùng để tiếp nối những sự sống khác.
Nếu nhân con số này lên với từng ấy người ở Đà Nẵng đã sở hữu tấm thẻ được cho đi thân thể mình sau khi qua đời, chúng ta có thể mỉm cười hy vọng bao nhiêu người nữa có cơ hội được sống. Riêng với số người đăng ký hiến giác mạc, Đà Nẵng đã có hàng nghìn người.
Dù vậy, trên thực tế, khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung còn cách nhau rất xa. Hàng nghìn trường hợp bệnh nhân phải chờ nhiều năm ròng mới đến lượt nhận, đó là những trường hợp may mắn. Đa số, người bệnh đã mất trước khi tìm được mô tạng phù hợp. Tính đến hôm nay là đã tròn 3 năm ngày em Khánh H. (10 tuổi, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) nằm trên giường bệnh sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến em bị đứt tủy, gãy đốt sống cổ, phải thở bằng máy. Cô bé nằm đó và cứ lớn lên phổng phao theo thời gian, trí não vẫn phát triển nhưng cơ thể không thể động đậy được. Mỗi ngày, em đều hỏi ba mẹ những câu hỏi ngây thơ: “Hôm nay trời nắng lắm không ba? Hè rồi, chắc biển mình đông người tắm lắm ba nhỉ? Lâu nay ba có gặp bạn con không? Mấy bạn có cao lớn không ba?...”.
Thương con, ba mẹ em túc trực ngày đêm tại bệnh viện, thay phiên nhau cầm Ipad cho em xem hoạt hình, kể với em những chuyện nhà cửa nhỏ nhặt… Em đã chờ 3 năm, liệu em có thể chờ đợi đến khi có người hiến tủy phù hợp không? Để được làm một con người hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh đối với em sao quá khó khăn và xa vời...
“Hy vọng hiến mô tạng được cộng đồng ủng hộ như hiến máu”
Theo bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng - một trong những đầu mối vận động hiến mô tạng hiện nay, trong quan niệm của người Việt Nam từ trước đến nay vẫn nghĩ “chết phải toàn thây”, nên việc vận động hiến tạng còn nhiều hạn chế. Không như hiến máu, để thay đổi nhận thức của người dân trong việc hiến tạng sau khi chết hoặc chết não là việc không hề đơn giản và gặp nhiều rào cản tâm lý từ nhân thân người chết, chết não. Dù người dân đã đăng ký hiến mô tạng, được cấp thẻ nhưng khi họ chết, chết não, nếu gia đình không đồng ý, cũng không thể tiến hành lấy mô, tạng của họ.
Vì thế, quan trọng nhất, vẫn là vận động, tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn về hiến mô, tạng, vượt qua được những suy nghĩ tâm linh về cái chết nguyên vẹn. “Khi nhận được một hồ sơ đăng ký, chúng tôi phải lập danh sách và kết nối thường xuyên với họ để theo dõi về mặt sức khỏe, động viên, hỗ trợ họ cho đến lúc họ nhắm mắt xuôi tay. Bởi vì người đăng ký hoặc người thân người đăng ký có thể thay đổi ý định bất kỳ lúc nào.
Hơn nữa, việc kết nối thường xuyên với họ giúp chúng tôi tạo được niềm tin nơi họ, để khi gia đình có người sắp mất, họ sẽ báo cho chúng tôi kịp thời. Chúng tôi sẽ nhanh chóng báo cáo lại Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để họ cử chuyên gia đến. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có lực lượng tình nguyện viên đông đảo như tình nguyện viên hiến máu. Những người này phải được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền. Việc này cần rất nhiều thời gian”, bà Hồng nói.
Chia sẻ về những khó khăn của công tác vận động tuyên truyền về ghép tạng, chị Nguyễn Thị Hoàng Anh, cán bộ Hội Chữ thập đỏ phụ trách công tác hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, cho biết vận động một ai đó tự tin đăng ký hiến mô, tạng là hành trình không đơn giản, bởi như đã nói, hành động ấy phải xuất phát từ tâm nguyện và ý chí của cá nhân người hiến cùng sự đồng thuận của gia đình họ. Để hành trình này đạt được thành công đòi hỏi công tác tuyên truyền phải được thực hiện liên tục, lâu dài như những chiến dịch truyền thông về hiến máu nhân đạo, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… Có thể từng bước thực hiện tuyên truyền trong đối tượng học sinh, sinh viên, gieo cho các em những giá trị nhân đạo, cái tâm thiện nguyện… “Chúng ta cũng nên có ngày hội đăng ký hiến mô, tạng để tuyên truyền, vận động người dân hiểu và ủng hộ hoạt động này như vận động hiến máu nhân đạo”, chị Hoàng Anh nói.
Trong số những người đã đăng ký hiến mô tạng mà tôi gặp, triết lý sống của họ rất đơn giản. Với họ, trong cuộc đời mỗi người, sinh có hẹn, tử bất kỳ, cơ thể con người sau khi chết đi dù theo hình thức địa táng hay hỏa táng cũng đều không còn nguyên vẹn. Vậy thì tại sao không để sự sống được tiếp nối?...
Đăng ký hiến mô, tạng tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5, TP. Hồ Chí Minh, ĐT: 028.39560139/ 028.38554137 - 184), hoặc có thể đăng ký qua email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com. Tại Hà Nội, đăng ký ở Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (40 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ĐT: 0915060550 hoặc 024.39386693). Theo luật, người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, đều có quyền hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác. Pháp luật không bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ trong đơn đăng ký hiến tạng, tuy nhiên khuyến khích có sự đồng ý của gia đình vì trong trường hợp nếu đăng ký hiến sau khi chết, chết não mà gia đình không biết sẽ khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế hoặc tránh sự phản đối của gia đình. Bệnh nhân ung thư hay đã từng điều trị bệnh hoàn toàn có thể đăng ký hiến tạng, mô sau khi chết/ chết não. Giác mạc là bộ phận mà người bệnh ung thư có thể hiến tặng sau khi qua đời. |
Ngoài ý nghĩa cao đẹp, người đăng ký hiến mô, tạng còn được hưởng những quyền lợi như: Người đã hiến mô khi còn sống được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế; Người hiến mô (giác mạc) sau khi chết sẽ được tôn vinh, gia đình người hiến giác mạc sẽ được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp, thân nhân người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế; Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân. |
Quỳnh Trang