Khi cổ truyền "bắt tay" hiện đại

.

Dù là Đông y hay Tây y thì cũng đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh kết hợp giữa Đông y và Tây y tại Bệnh viện Y học cổ truyền (BVYHCT) Đà Nẵng cũng như tại Khoa YHCT, Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) đã và đang góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Bệnh nhân đang được thực hiện thủ thuật laser châm tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: MAI HIỀN
Bệnh nhân đang được thực hiện thủ thuật laser châm tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: MAI HIỀN

1. Sau 3 lần (năm 2011, 2015, 2017) phải cấp cứu tại BVĐN trong tình trạng bị nhồi máu não kèm theo tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, ông Võ Tấn P. (sinh năm 1964, ngụ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bị di chứng yếu nửa người bên phải, hai chân gần như không đứng được, phải di chuyển bằng xe lăn.

Được người quen “mách nước”, khoảng đầu tháng 6-2019, ông tìm đến BVYHCT để được phục hồi chức năng. Và với phương pháp điều trị kết hợp Đông y với Tây y, sau gần 4 tháng, hiện ông P. có thể đứng được, di chuyển chậm. Bác sĩ Phan Nguyên Huy, Trưởng khoa Nội tổng hợp, BVYHCT Đà Nẵng cho hay: “Với bệnh nhân P., chúng tôi điều trị kết hợp giữa các phương pháp Đông y như châm cứu, thủy châm, bấm huyệt, chườm ngải cứu, nhu châm, thuốc thang,… cùng với thuốc tây để điều trị, kiểm soát các bệnh kèm như tăng huyết áp, mỡ máu… và phối hợp với tập vật lý trị liệu có chuyên gia người Mỹ Virginia Mary Lockett trực tiếp tập và tư vấn. Ngoài ra, bệnh nhân còn được chăm sóc, tư vấn dinh dưỡng tận tình. Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân khá ổn định, đặc biệt là đã có thể đứng được và di chuyển chậm”.

Ở một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị B. (sinh năm 1942, ngụ xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) hiện đang điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ, lưng và bệnh kèm là tăng huyết áp tại Khoa YHCT, BVĐN cũng theo phương pháp điều trị Đông y kết hợp với Tây Y. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Phó khoa phụ trách YHCT, thông tin: “Sau khi chuyển từ Khoa Lão xuống Khoa YHCT, điều trị khoảng 7 - 8 ngày, cô B. hiện tại đỡ đau 80-90%, vận động sinh hoạt bình thường, huyết áp ổn định 120-130/80. Bệnh nhân được kết hợp điều trị thuốc hạ áp, thuốc đông dược điều trị các chứng đau và các phương pháp không dùng thuốc như điện châm, laser châm, điều trị bằng các dòng điện xung, hồng ngoại, dưỡng sinh”.

2. Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Phó Giám đốc BVYHCT Đà Nẵng cho biết, mỗi nền y học đều có những ưu điểm riêng, tuy nhiên cũng có những khuyết điểm nhất định; chính vì vậy việc kết hợp giữa Đông y và Tây y sẽ nâng cao chất lượng khám, điều trị. Y học cổ truyền có thế mạnh là an toàn, mang lại hiệu quả. Những phương pháp và nguyên liệu được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân trong YHCT có tính an toàn rất cao.

Các loại thuốc được sử dụng chủ yếu là những nguyên liệu lấy từ thiên nhiên như thân cây, rễ cây, lá cây, quả, hoa…; do đó thường ít độc tính và tác dụng phụ đối với cơ thể người bệnh. Không những thế, quá trình chế biến thuốc thủ công, dựa chủ yếu vào tự nhiên. YHCT đã được rất nhiều nước trên thế giới công nhận về khả năng chữa bệnh. Ngoài ra, YHCT còn trị được một số căn bệnh mãn tính mà Tây y cũng không tìm ra phương pháp. Bên cạnh đó, YHCT không chỉ điều trị được bệnh mà còn có những loại thuốc giúp bổ sung dưỡng chất, có tác dụng làm đẹp cho con người.

Tuy nhiên, nhược điểm của YHCT là tốn thời gian, bác sĩ YHCT phải là những người thực sự giỏi mới được hành nghề. “Các loại thuốc uống trong YHCT thường rất kỳ công và tốn thời gian trong quá trình sắc thuốc. Hơn thế nữa, thuốc trong YHCT thường có mùi rất nặng và khá khó uống đối với những người chưa quen. Khác với các bác sĩ Tây y, sau khi học xong các chương trình đào tạo ở trường là có thể hành nghề, thì các bác sĩ YHCT sau khi học xong phải trải qua một quá trình học hỏi lâu dài, tích lũy kinh nghiệm, thử nghiệm rất lâu mới được hành nghề; bởi vì chỉ cần một nhầm lẫn nhỏ trong khi bốc thuốc có thể dẫn tới tử vong cho người bệnh do bác sĩ YHCT chủ yếu chẩn đoán bệnh qua quan sát và lắng nghe cơ thể của bệnh nhân, ít sử dụng các máy móc y tế hỗ trợ”, bác sĩ Khánh cho hay.

Trong khi đó, ưu điểm lớn nhất Tây y là việc mang lại cho nhân loại những kiến thức về giải phẫu học, giải phẫu bệnh, vi trùng học và bệnh học tế bào. Nhờ những kiến thức này chúng ta hiểu rõ thêm về vị trí, cấu tạo, chức năng và cơ chế hoạt động của các bộ phận trong cơ thể. Còn nhược điểm lớn nhất của y học hiện đại (YHHĐ) là dùng hóa chất chiết xuất từ thảo dược và hóa chất tổng hợp để chữa bệnh, gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

Bác sĩ Phương cũng cho biết, hiện tại, việc kết hợp giữa YHHĐ và YHCT trong khám chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân là việc làm thường quy, với các hình thức như sau khám bằng YHHĐ, YHCT cho chẩn đoán, sau đó điều trị bằng YHCT, dùng thuốc (thuốc thang, thuốc cao đơn hoàn tán) và không dùng thuốc (điện châm, laser châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thực dưỡng...); khám bằng YHHĐ và YHCT cho chẩn đoán, sau đó điều trị kết hợp tân dược (trong trường hợp bệnh đau cấp tính, nhiễm trùng, nhiều bệnh nền kết hợp phức tạp) và thuốc YHCT cùng các phương pháp không dùng thuốc (điện châm, laser châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thực dưỡng...).

Mục đích kết hợp giữa YHHĐ và YHCT trong khám chẩn đoán và điều trị nhằm mang lại tính hài hòa, hiệu quả, lợi ích tốt nhất, cũng như ít tác dụng phụ cho người bệnh. Số bệnh nhân trung bình trong ngày đến khám, điều trị nội trú tại Khoa YHCT, BVĐN khoảng 60-70 bệnh nhân, ngoại trú khoảng 30-40 bệnh nhân, kết hợp các khoa 50-60 bệnh nhân. Một số chứng bệnh được khoa YHCT điều trị theo hướng kết hợp YHCT và YHHĐ như các bệnh lý về thần kinh (tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh, chấn thương, viêm nhiễm, liệt dây III, IV, VI (sụp mi, song thị, liệt vận nhãn...), liệt dây thần kinh số 9, 11 ( nuốt khó, sặc nghẹn), nất cụt, bí tiểu...; các bệnh lý cơ xương khớp (thoái hóa cột sống cổ, lưng; thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thắt lưng; thoái hóa đa khớp; đau thần kinh tọa; viêm khớp dạng thấp...).

Một số chứng bệnh được BVYHCT Đà Nẵng điều trị theo hướng YHCT kết hợp YHHĐ như hỗ trợ bệnh lý về tim mạch, di chứng tai biến mạch não, tăng huyết áp, bệnh cơ xương khớp, các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn lipid máu,... Ngoài ra, còn có các bệnh lý về hô hấp như COPD, viêm phổi, hen phế quản; các bệnh về hệ tiêu hóa như viêm dạ dày, hội chứng dạ dày - tá tràng; các bệnh lý đường ruột, các bệnh lý về mạch máu như viêm tắc động mạch chi, suy giãn tĩnh mạch, bệnh trĩ...

3. Đến nay, BVYHCT Đà Nẵng đã xây dựng 386 quy trình kỹ thuật về YHCT trong khám và điều trị bệnh nhân; trong năm 2019, tiếp tục xây dựng thêm 5 quy trình kỹ thuật mới như cấy chỉ thẩm mỹ, châm cứu thẩm mỹ, bó thuốc, nhĩ áp và nội soi can thiệp, tiêm xơ búi trĩ. Bệnh viện đầu tư một số máy móc phục vụ trong điều trị như siêu âm, laser nội mạch, điện từ trường, các máy kéo dãn cột sống; một số máy móc phục vụ trong chẩn đoán như siêu âm màu, X-quang kỹ thuật số, điện tim, điện não, hệ thống xét nghiệm như sinh hóa, huyết học, vi sinh. Các hệ thống máy móc này phối hợp hiệu quả trong công tác phát hiện chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, BVYHCT Đà Nẵng còn trang bị một số máy móc bào chế thuốc như máy sắc thuốc đóng gói, các loại máy làm viên hoàn mềm, hoàn cứng.

BVĐN cũng luôn ưu tiên đầu tư trang thiết bị vật tư cho việc điều trị tại Khoa YHCT như máy điện châm hiện đại, máy Laser châm, máy điều trị bằng các dòng điện xung, hồng ngoại, máy sắc thuốc đóng gói tự động, máy sắc thuốc bằng điện ST 24...

“Là một khoa trong bệnh viện đa khoa tuyến cuối, việc khám và chẩn đoán có sự phối hợp các chuyên khoa và các khoa cận lâm sàng khác như huyết học, sinh hóa, vi sinh, giải phẫu bệnh, thăm dò chẩn đoán, chẩn đoán hình ảnh... từ đó có chẩn đoán xác định chính xác, việc điều trị cho kết quả mỹ mãn. Chính vì vậy có thể nói rằng việc kết hợp YHCT và YHHĐ có ý nghĩa quan trọng, đem lại hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Một trong những thành công trong việc kết hợp giữa hai nền Y học trong khám, điều trị tại BVYHCT Đà Nẵng là việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu bào chế viên hoàn sâm nhung tán dục đơn và đánh giá hiệu quả điều trị trên bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng tại BVYHCT Đà Nẵng” từ tháng 2 đến tháng 11-2018. Đề tài đã xây dựng được quy trình, tính an toàn của viên thuốc trên thực nghiệm, tác dụng của thuốc sâm nhung tán dục đơn trong điều trị bệnh nhân suy giảm tinh trùng thể thận dương hư. Sau 3 tháng điều trị liên tục các triệu chứng của thận dương hư đều cải thiện rõ rệt. Kết quả chung, đã áp dụng điều trị cho 50 bệnh nhân với 68% đạt loại tốt và 22% đạt loại khá.

MAI HIỀN
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.