Khoai lang nhà nghèo

.

Ngày nhỏ mẹ tôi thường nói khoai lang nhà nghèo. Mà kể ra cũng đúng thật. Vì nhà nghèo mới ăn khoai lang, chứ giàu có chẳng thấy ai ăn khoai lang bao giờ. Tội cho củ khoai lang ghê gớm! Khoai lang nhà nghèo mặc định là thức ăn bình dân. Nhưng mấy đứa chăn bò chúng tôi thấy khoai lang như thấy… vàng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đi chăn bò, chúng tôi thường lân la tới những ruộng khoai đã thu hoạch, dò từng cái mầm xanh nhú lên mặt đất, cúi người dùng mười ngón tay và trợ giúp của que củi đào lấy đào để. Khoai lang mầm ăn ngọt lừ. Ăn sống hay nướng, luộc cũng đều ngon. Có đứa thèm quá, chạy ngay xuống bến sông rửa sạch cho vào miệng nhai rau ráu. Mà kỳ lạ, ăn khoai sống cả mùa liền cũng chẳng thấy kêu đau bụng. Thích nhất vẫn là khoai lùi trong than hồng. Khoai chín, mật ngọt từ thớ khoai chảy ra từng dòng, lè lưỡi liếm trọn dòng mật ngọt lừ. Chao ôi đến là thích!

Đi tới nhà nào, thấy khoai chất cao đầy thềm đích thị là nhà đó nghèo. Nhà tôi cũng nghèo, khoai chất không những đầy thềm còn chất trong gian bếp ú ụ. Mấy sào nương ba mẹ tôi chỉ dùng để trồng ngô, lạc và khoai lang. Trồng khoai lang xem ra được lợi hơn cả. Dây lang cho trâu bò, lợn ăn. Củ thì để dành cho người. Thừa thì vỗ béo đám lợn. Khoai lang nhà nghèo dân dã, giá trị chẳng được bao nhiêu, ba mẹ tôi không bán cứ chất đầy trong nhà. Đến mùa nắng mượn máy thái khoai (nói là máy nhưng thực chất dùng hoàn toàn bằng sức tay của người) phơi khô rồi đóng vào bì. Khoai khô thì để được lâu hơn. Ngày ba tháng tám mẹ làm món khoai xéo với lạc, đỗ ăn ngon hết xẩy!

Nhớ bữa ăn năm xưa chỉ toàn khoai là khoai. Ba tôi nói hồi xưa mấy đời ông bà ăn khoai được cớ sao chúng ta lại không? Ba nói là nói động viên thế thôi, chứ ba thương mấy đứa con ăn rặt khoai lắm. Để bù đắp cho những bữa cơm đạm bạc, hằng đêm ba đi soi cá, ếch nhái về chế biến cho bữa ăn có thêm chút đạm. Mẹ cũng chế biến ra nhiều món từ khoai hơn chứ không bắt các con phải “chuyên trị” khoai luộc. Hồi đó tôi cứ mong nhà mình nhanh giàu, để mỗi bữa không phải nhìn thấy khoai lang nữa. Thủ thỉ với anh Hai, anh Hai quát cho một trận té tát rằng nhà nghèo đừng học đòi giàu sang, muốn giàu phải học thật giỏi. Bữa đó tôi sợ xanh mắt mèo.

Đến lớp, cứ chưa đến tiết năm đứa nào đứa nấy gục mặt xuống bàn chẳng còn sức lực nào để mà trêu đùa học hành gì nữa. Cô hỏi: “Sáng các em ăn gì chưa?” Đồng loạt nấy đứa trả lời: “Dạ, ăn khoai lang rồi cô”. Cô tủm tỉm cười, nói sáng cô cũng ăn khoai lang, cùng cố gắng lên nhé! Thế mà cũng qua mười hai mùa đèn sách ngon lành.

Vèo cái tôi đã xa khoai lang nhà nghèo gần hai mươi năm có lẻ. Bạn tuổi thơ của tôi ngày ấy có đứa làm chức to, có đứa ở lại quê hương lập nghiệp. Thi thoảng gặp nhau có dịp chúng tôi ôn lại chuyện khoai lang, đứa nào cũng bùi ngùi thương nhớ. Tôi nói với mẹ rằng ở phố khoai lang đắt lắm, người ta bán theo cân chứ không rẻ mạt như hồi xưa. Mẹ tôi nói, khoai ở quê giờ cũng có giá. Tôi ôm mẹ cười nhắc chuyện xưa: “Vậy mà xưa mẹ gọi là khoai lang nhà nghèo”? Mẹ nheo mắt, thời thế thay đổi thì đến củ khoai cũng phải được lên ngôi chứ! Còn tôi, lòng thầm cảm ơn những củ khoai lang ngày xưa bởi nhờ có nó tôi mới có được như ngày hôm nay.

Tăng Hoàng Phi

;
;
.
.
.
.
.