Bộ trưởng môi trường các nước Đông Nam Á nhóm họp ở Siem Reap, Campuchia 3 ngày đầu tuần này đã nhận được những lời kêu gọi, thúc giục từ các nhà hoạt động môi trường mong muốn chính phủ các nước cùng tìm ra hướng đi toàn diện và lâu dài hơn về vấn đề khói mù trong khu vực.
Người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường. |
Cháy rừng ở Malaysia và Singapore gây ra tình trạng khói mù trong phần lớn tháng 9 ở hai quốc gia này. Các đám cháy cũng bắt đầu lan sang Indonesia trong vài tuần qua. Đây không phải lần đầu tiên, cũng chẳng phải lần thứ hai hay thứ ba các nước trong khu vực Đông Nam Á đối diện với tình trạng khói mù bởi nó xảy ra tương đối nhiều nhưng lần này nặng nhất kể từ năm 1997.
Trong thảm họa năm 1997, Malaysia buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Sarawak thuộc bang Borneo; trong khi cảnh báo không khí ở Singapore chuyển sang mức màu vàng bệnh tật. Chỉ số ô nhiễm không khí ở Indonesia cao gấp 3 lần mức cho phép. Philippines và Thái Lan cũng bị ảnh hưởng. Có hơn 40.000 người phải nhập viện vì ô nhiễm không khí và thiệt hại kinh tế chừng 9 tỷ USD.
Hiệp định về khói mù Đông Nam Á được thông qua năm 2002 cũng là năm xảy ra đợt ô nhiễm do cháy rừng. Mục tiêu của khối Đông Nam Á là không còn khói mù vào năm 2020 nhưng có vẻ như các biện pháp phòng ngừa, nhất là ở vùng đất than bùn, quy trình ứng phó khẩn cấp cũng như quỹ hỗ trợ chống khói mù và kiểm soát cháy rừng chưa mang lại kết quả như ý. Tình trạng khói mù xuyên biên giới đang bị lợi dụng khi mà các công ty sản xuất giấy và bột giấy ở Indonesia và Malaysia đốt rừng cho nhanh để lấy đất. Hai quốc gia này cũng đi đầu thế giới về sản xuất dầu cọ, thành phần dùng để sản xuất đồ trang điểm, kem và nước lau sàn nhà. Chuyên gia về vùng đất than bùn nhiệt đới tại Đại học Malaya là Helena Varkkey cho biết việc chuyển đổi đầm lầy than bùn sang trồng dầu cọ dễ dẫn tới cháy sau khi tháo hết nước.
Tình trạng khói mù hiện tại nặng tới mức các trường học buộc phải đóng cửa. Khẩu trang N95 bán chạy như “tôm tươi”. Các bác sĩ cảnh báo tình trạng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp và mắt tăng vọt. Bác sĩ tư vấn nhi khoa Amar Singh có văn phòng ở thành phố Ipoh (Malaysia) lo lắng về nguy cơ bệnh ác tính xuất hiện vì khói mù này. Bác sĩ Singh mô tả tình trạng khói mù như thể toàn bộ đất nước Malaysia đang hút thuốc. Ngay cả những người ở trong nhà cũng hít phải những hạt bụi vật chất. Những vụ cháy rừng trên hòn đảo giàu than bùn Borneo và Sumatra sinh ra một loại hóa chất có khả năng gây ung thư gồm carbon monoxide, cyanide và formaldehyd cũng như tro và các chất khác “thấm” sâu vào cơ thể.
Singapore muốn Indonesia hợp tác trong việc chia sẻ bản đồ nhượng quyền đồn điền chi tiết để thuận lợi trong xử lý cháy rừng. Tuy nhiên, khả năng hợp tác này không cao bởi vì có thông tin các công ty đốt đất từ năm 2009 tới nay không đóng tiền phạt lên tới hàng trăm triệu USD nên mọi thứ được giữ kín. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo thừa nhận chính phủ của ông “không cẩn thận” trong việc chuẩn bị cho mùa khô năm nay. 16 công ty trong nước, quốc tế và nhiều cá nhân chịu trách nhiệm cho vụ cháy năm nay. Một số đồn điền đã bị niêm phong.
Anh Thư