“Cùng với việc thu nhận kiến thức trên giảng đường, để học tốt môn Tiếng Trung, em còn tìm tòi học thêm từ việc nghe nhạc, xem phim, tìm hiểu về văn hóa truyền thống, phân chia thời gian hợp lý cho việc học và làm thêm để có cơ hội giao tiếp với giáo viên bản địa, từ đó vốn tiếng Trung được nâng lên”.
Đỗ Hoài Anh xuất sắc đoạt ngôi vị quán quân cuộc thi. Ảnh: T.L |
Đó là chia sẻ của Đỗ Hoài Anh, sinh viên năm thứ 3 Khoa Tiếng Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng). Hoài Anh là quán quân cuộc thi hùng biện tiếng Trung mở rộng năm 2019.
Chinh phục Ban giám khảo bằng bài hùng biện nêu lên những suy nghĩ và nỗ lực của bản thân trên hành trình đến giảng đường với chủ đề “Học cách làm chủ bản thân”, Hoài Anh đã xuất sắc đoạt ngôi vị quán quân cuộc thi. “Điều tuyệt vời nhất tôi học được sau cuộc thi là phải biết học cách đứng dậy sau thất bại, không nản chí, không bỏ cuộc thì sẽ thành công. Bên cạnh đó cuộc thi còn mang lại cho tôi sự tự tin và học hỏi được nhiều điều hay từ các thành viên tham gia cuộc thi. Trước đó, tôi từng tham gia hai cuộc thi hùng biện, vẫn có giải thưởng tuy nhiên chưa như mình mong muốn. Đó cũng là lý do tôi nỗ lực hơn mỗi ngày để đi đến đích”, Hoài Anh tâm sự.
Tham gia cuộc thi này, Hoài Anh đã chia sẻ về phương pháp học tốt tiếng Trung đến với các bạn cùng thi. Hoài Anh nói: “Lâu nay ai cũng nghĩ tiếng Trung khó học, khó nhớ và tôi muốn mang đến đây kinh nghiệm về những cách học hiệu quả để các bạn thấy tiếng Trung không khó như mình tưởng. Hãy học và chơi một cách thoải mái nhất nhưng đừng bỏ cuộc khi vấp phải rào cản, như thế bạn sẽ thành công”.
Nhà Hoài Anh ở một xóm nhỏ miền núi thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Mẹ em làm nông, ba làm tài xế ở Hà Nội. 5 năm trước, khi Hoài Anh thi đậu vào trường chuyên của tỉnh, ba mẹ vừa mừng vừa lo. Hàng xóm đều khuyên ba mẹ Hoài Anh không nên cho con lên thành phố trọ học bởi con gái chỉ cần có tấm chồng tốt là đủ. Nhưng ba mẹ Hoài Anh không chùng lòng, quyết tâm làm lụng, vay mượn thêm cho con ăn học tới nơi tới chốn. Kể từ ngày đó, Hoài Anh lên phố rồi rời quê vào tận Đà Nẵng theo học bằng sự kiên định trong ánh mắt người cha và niềm đam mê đặc biệt dành cho môn Tiếng Trung.
Để học tốt tiếng Trung, Hoài Anh thấy rằng sự chăm chỉ là cần thiết nhưng không nên suốt ngày cặm cụi học bài qua sách vở, giáo án. Thay vào đó, nên dành thời gian tham gia các hoạt động, xem phim, nghe nhạc, tìm đọc và xem thêm các tư liệu về văn hóa đất nước Trung Hoa. Như vậy không chỉ rèn luyện được kỹ năng giao tiếp mà còn bổ sung thêm được một lượng kiến thức cần thiết cho bản thân. Trong quá trình học, Hoài Anh còn sử dụng phương pháp học Bộ Thụ. Đây là cách nắm bắt các chiết tự chữ Hán để khi nhìn vào có thể hiểu ngay cách viết và hiểu được nghĩa của chữ Hán đó. Việc tìm đọc các câu thơ, các điển tích cũng giúp người học ghi nhớ nhanh hơn từ vựng. Để giao tiếp tốt thì không nên ngại nói sai. Cần nghe, nói nhiều và có thể kết bạn thêm với những bạn bè đồng sở thích, tham gia những công việc làm thêm có liên quan đến ngoại ngữ này để nâng cao trình độ và kỹ năng của mình.
“Bật mí” về dự định trong tương lai, Hoài Anh cho biết sẽ tìm kiếm học bổng để tiếp tục chương trình học cao hơn sau đại học nhằm nâng cao kiến thức của mình; sau đó sẽ trở lại Đà Nẵng để tìm kiếm một công việc phù hợp vì em rất thích môi trường sống ở thành phố này.
Cuộc thi hùng biện tiếng Trung mở rộng năm 2019 vừa diễn ra tại Đà Nẵng, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, Tổng Lãnh sự quán nước CHND Trung Hoa tại Đà Nẵng, Hội Hữu nghị Việt – Trung thành phố và Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) phối hợp tổ chức; với sự tham dự của các thí sinh đại diện cho 5 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Hà Giang, Bắc Giang. Với chủ đề “Vai trò của gia đình trong cuộc sống xã hội hiện nay”, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 6 giải khuyến khích cho các thí sinh. |
Thiên Lam