Đà Nẵng cuối tuần

Nghề "chăm sóc người dưng"'

08:24, 13/10/2019 (GMT+7)

Cuộc sống ngày càng bận rộn, nhiều gia đình không có thời gian chăm sóc người thân bị bệnh nên nghề nuôi bệnh thuê ra đời. Đằng sau công việc cực nhọc, vất vả ấy là những hoàn cảnh, số phận mấy ai thấu được.

Bà Nguyễn Thị L. tranh thủ người bệnh ngủ là giặt giũ, phơi phóng.  Ảnh: Q.T
Bà Nguyễn Thị L. tranh thủ người bệnh ngủ là giặt giũ, phơi phóng. Ảnh: Q.T

Bỏ quê, lấy bệnh viện làm nhà

Như mọi ngày, Khoa Nội Lão khoa (Bệnh viện C Đà Nẵng) sáng hôm ấy yên tĩnh, vắng lặng. Bên ngoài hành lang, thỉnh thoảng vang lên tiếng dép của các điều dưỡng đi đến từng phòng phát thuốc. Trong buồng bệnh, những bệnh nhân lớn tuổi, mắc đa dạng các loại bệnh có vẻ lại trải qua một đêm khó ngủ.

Tiếng rên hừ hừ, tiếng thở khò khè nặng nhọc vang lên. Chị điều dưỡng đi cùng tôi khẽ khàng bảo: “Ở đây đa số là các cô chú trên 80 tuổi. Người nào cũng mắc cùng lúc 4, 5 loại bệnh. Từ tiểu đường, huyết áp, viêm phổi đến đại tràng, dạ dày, sỏi thận… Đau trong người nên họ rên rỉ ngày đêm. Tội lắm!”.

Gần như ở mỗi giường bệnh đều có một người túc trực. Họ thay tã cho bệnh nhân, đỡ bệnh nhân dậy bón từng muỗng nước, vệ sinh giường bệnh… Nhìn cách họ ân cần, dịu dàng với người bệnh như vậy, nếu không được giới thiệu trước, tôi không nghĩ họ chỉ là… người làm thuê.

“Tôi quê ở Đại Lộc, được 4 đứa con. Ba đứa đầu có vợ chồng rồi nhưng đứa mô cũng khó khăn. Cách đây 2 năm, thằng con út bị tai nạn giao thông. Tôi bán hết ruộng vườn chạy chữa cho nó cũng không xong.

Chật vật làm đủ thứ nghề từ đi rửa chén bát, phụ quán ăn, giặt giũ cho họ cũng không đủ tiền lo cho con. Bấy giờ mới nghe người quen giới thiệu hay ra Đà Nẵng đi nuôi người bệnh, thu nhập cũng được lắm. Vậy là để thằng con sau tai nạn còn yếu ớt, đầu óc ngơ ngẩn ở nhà cho ông chồng, mình tôi ra Đà Nẵng. Mới đó mà đã làm nghề này được 3 năm rồi”, bà Nguyễn Thị L., 62 tuổi kể lại lý do bước chân vào nghề.

Ca bệnh đầu tiên bà nuôi do một người quen giới thiệu là một cụ bà người Duy Xuyên (Quảng Nam), 77 tuổi. Người nhà không có thời gian chăm sóc nên thuê bà chăm bệnh 24/24 giờ. Đó là lần đầu tiên bà xa nhà lâu như thế.

Hẳn một năm không về quê. Mỗi ngày, công việc cứ cuốn lấy bà từ sáng đến tối. Sáng ra là bắt đầu lau chùi, tắm rửa, đánh răng cho người bệnh. Sau công đoạn vệ sinh là đến đoạn dẫn ra hành lang phơi nắng, rồi cho ăn, uống nước, uống thuốc.

Tranh thủ lúc bệnh nhân ngủ là bà tất bật vơ quần áo đi giặt giũ, phơi phóng. Nhiều khi đang ăn dở chén cơm mà bệnh nhân trở mình là cũng bỏ ngang, đến khi nhìn lại thì cơm canh đã nguội lạnh, và cơm vô miệng mà nghe nhạt nhẽo, đắng ngắt nơi cổ họng.

Chỉnh sửa lại tấm ga nơi người đàn ông gầy còm đang nằm, bà thủ thỉ tâm sự: “Ông ni là bệnh nhân thứ hai tôi chăm sóc. Ông 92 tuổi rồi mà sức còn khỏe lắm. Hễ tỉnh mà đau quá là giật ống, giật tã rớt ra hết. Mang cả đống bệnh trong người nên ổng quậy quợ, rên rỉ cả đêm, tiểu tiện, đại tiện đều tại chỗ. Ông nằm thời gian dài nên người lở loét, tôi phải vệ sinh, lau rửa thường xuyên. Chăm sóc ông 2 năm nên cũng có nhiều tình cảm, tôi coi ổng như cha mình”, bà L. nói.

Ở giường bên cạnh, người phụ nữ ngoài 50 tuổi đang bón từng muỗng nước cho người bệnh. Chị góp lời bằng đôi mắt đượm buồn: “Tôi còn mẹ già ở quê đã 90 tuổi. Bằng tuổi với bệnh nhân này. Nhiều khi ngồi bón từng thìa cháo cho ông mà đầu óc tôi lơ mơ nghĩ “Chẳng biết giờ này ở nhà mẹ đã ăn chưa?”, lúc giặt đồ cho ông tôi cũng nghĩ “Không biết chị dâu ở quê có vò đồ cho mẹ không, hay để mẹ tự ra giếng tắm giặt rồi lỡ trượt té?”… Nhiều đêm nằm nghĩ mà tôi ứa nước mắt, phận đời khổ cực trong khi mẹ mình không chăm được mà đi chăm người dưng”.

Chị tên Trần Thị H. (người Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Chị H. có lẽ là người trẻ tuổi nhất phòng, “non” tay nghề nhất phòng bệnh này. Chị chỉ mới vào nghề chăm nuôi bệnh được hơn 1 tháng nay.

Trước đó, chị nhận chăm sóc các sản phụ sau sinh. Đi chăm người bệnh mà chị mang theo bên mình một gói thuốc to. Mỗi ngày, uống cả vốc thuốc cho các bệnh sỏi thận, rối loạn tiền đình, bướu cổ. “Ở quê thì chỉ làm nông mà sức khỏe tôi yếu quá nên ra nắng làm không nổi. Đi nuôi bệnh vậy một tháng trừ tiền ăn uống ra cũng còn được 7 triệu đồng.

Tôi gói ghém đó phần để uống thuốc, phần gửi về cho mẹ rồi sắp tới là cho đứa cháu sắp sinh. Mấy tháng rồi tôi cũng chưa về quê. Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ con mà nhà họ (người chủ thuê-PV) cũng neo người nên động viên tôi ráng một thời gian nữa. Mình chăm bệnh nhân không chỉ vì đồng lương được trả mà còn là lương tâm. Suốt ngày quanh quẩn ở bên họ, lo lắng, chăm sóc, chuyện trò, mình xem họ như người thân lúc nào không hay”, chị H. trầm giọng.

Ăn cơm tiệm, ngủ thì trải chiếu dưới sàn, tắm rửa, giặt giũ ngay trong nhà vệ sinh của bệnh viện, làm quanh năm chẳng mấy khi về quê… là phác họa “bức tranh nghề nghiệp” của những người nuôi bệnh thuê. Nghề nào cũng cần có tâm và với nghề chăm nuôi bệnh, cái tâm, cái tình phải được đặt lên hàng đầu. Có lẽ, đây cũng là nghề mà người ta có thể chiêm nghiệm sâu sắc về thân phận con người.

Khi đau ốm, khi già yếu, con người trở nên nhỏ bé, cô đơn. Những âm thanh cuộc sống dường như dừng lại trước cánh cổng bệnh viện. Chỉ còn bức tường trắng, khoảng sân côi cút, tiếng “tít… tít” của những thiết bị y tế vang lên. Khi ấy, người bệnh cần hơn hết là sự chia sẻ, chăm sóc tận tình của người ở cạnh.

“Về lâu dài, nên xem đây là một nghề”

Cuộc sống ngày càng bận rộn, nhiều gia đình không có thời gian chăm sóc người thân bị bệnh, đặc biệt khi người bệnh mà chúng tôi gặp hầu hết là người già, nên nghề nuôi bệnh thuê ra đời. Ở Bệnh viện C Đà Nẵng, hầu như tất cả các khoa, phòng đều có hàng chục người làm nghề “chăm sóc người dưng”. Hầu hết họ là phụ nữ ở các vùng quê nghèo Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị…

Trò chuyện với nhiều người nuôi bệnh mới biết, họ đến với nghề đều do hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu không theo đuổi được nghề nông. So với những ngành nghề lao động chân tay khác, nghề chăm nuôi bệnh thuê có thu nhập khá cao, trung bình dao động từ 8 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.

Dù nghề này không làm lụng nặng nhọc nhưng rất vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe và chịu khó. Khi nhận chăm nuôi một người bệnh, thì người nuôi bệnh phải xác định “lấy bệnh viện làm nhà”.

Họ sẽ phải ở cả ngày lẫn đêm trong bệnh viện, tiếp xúc với nhiều loại bệnh, thậm chí là bệnh truyền nhiễm. Không ít người nuôi bệnh mang trong mình đủ căn bệnh. Để rồi kiệt sức, ngất xỉu nếu phải thức đêm chăm bệnh dài ngày.

Bác sĩ CK2 Cao Chí Hiếu, Trưởng khoa Nội Lão khoa, Bệnh viện C Đà Nẵng cho hay, nghề nuôi bệnh ra đời xuất phát từ nhu cầu của người dân. Với cuộc sống bộn bề như hiện nay thì đôi khi con cái cũng không có đủ thời gian toàn tâm chăm sóc cha mẹ một cách toàn diện, đặc biệt là khi các cụ đau ốm. Họ thường tìm về những người bà con xa ở quê để nhờ vả. Dù vậy, đa phần những người nuôi bệnh lại không có kiến thức về y khoa.

Cả những vấn đề cơ bản như cách vỗ lưng người bệnh, cách hút đàm…, các điều dưỡng cũng phải bày đi bày lại nhiều lần họ mới làm được. Thêm vào đó, nhiều người đi nuôi bệnh nhưng bản thân họ cũng là một người bệnh. Có người mỗi ngày uống cả vốc thuốc huyết áp. Với tình hình sức khỏe họ như vậy thì đôi khi lại đè gánh nặng lên bệnh viện. Về lâu dài, trước nhu cầu của xã hội, thì chăm sóc bệnh nhân nên được xem là một nghề. Và người làm nghề phải được đào tạo bài bản.

“Nhiều người đi nuôi bệnh nhưng bản thân họ cũng là một người bệnh”, lời nói của bác sĩ Hiếu ứng với trường hợp bà Trần Thị T., sinh năm 1957 (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Nếu bà không mặc chiếc áo vàng (áo dành cho người thăm nuôi của bệnh viện-PV) thì có lẽ ai cũng nghĩ bà là bệnh nhân bởi dáng vẻ yếu ớt, xanh xao.

Bà T. kể, cách đây vài năm, bà bị thương hàn dẫn tới vỡ ruột phải mổ đi mổ lại nhiều lần. Căn nhà tuềnh toàng ở vùng quê nghèo phải bán đi để chữa trị. Di chứng của lần bạo bệnh ấy kéo theo căn bệnh đại tràng, dạ dày hiện tại. “Tui đau yếu liên miên cả chục năm ni nhưng cực khổ quá cũng phải cố bươn chải mà làm chớ biết răng. Vừa rồi thằng con đang đi học thì bị tai nạn phải nghỉ ngang. Chừ chắc làm tới hết năm ni là nghỉ về quê luôn chớ cũng không còn sức để làm nữa”, bà buồn buồn nói.

Theo TS, BS Võ Đắc Truyền, Phó Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, ban lãnh đạo bệnh viện nhìn thấy được thực trạng, nhu cầu của gia đình người bệnh với người nuôi bệnh. Mỗi ngày đều có hàng chục người ra vào bệnh viện với lý do chăm sóc người bệnh. Bệnh viện cũng thường xuyên nhắc nhở họ chấp hành nội quy, quy chế của bệnh viện, tuyệt đối không có những hành vi phản cảm, gây mất trật tự.

Phòng Tổ chức của bệnh viện cũng phối hợp với Công an phường Thạch Thang (quận Hải Châu) để lập danh sách và mời những người nuôi bệnh đến đăng ký hồ sơ. “Về lâu dài, chúng tôi đang có kế hoạch tổ chức những người nuôi bệnh một cách quy củ, bằng cách đào tạo, cung cấp cho họ kiến thức y khoa… và bàn giao về cho Phòng Điều dưỡng quản lý.

Nếu được huấn luyện bài bản thì khi tham gia chăm sóc bệnh nhân, họ sẽ giúp quá trình điều trị gia tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị, đỡ tốn kém chi phí cho cả bệnh nhân lẫn quỹ BHYT cũng như góp phần giảm áp lực và sự quá tải cho bệnh viện. Ngoài ra, với sự trợ giúp hữu hiệu của họ, lực lượng nữ hộ sinh, điều dưỡng, hộ lý… tại bệnh viện sẽ có thêm thời gian thực hiện chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân và người dân”, BS Truyền nói.

Ghi chép của Quỳnh Trang

.