Tôi đã dừng lại đến gần nửa tiếng ở nơi này, trong một buổi chiều tà, mặt trời đang lặn ở phía tây.
Nơi đây cách xa thành phố tỉnh lỵ chừng bảy tám chục cây số và đoạn đường ấy nhìn trên Google maps nó ngoằn ngoèo tới mức bạn tôi khôi hài ví là trông như bộ ruột của con người ta trong sơ đồ y học. Ngồi ở vị trí lái, vô lăng cứ đánh hết sang trái rồi ngay lập tức lại đánh hết sang phải. Đường bám vào vách núi và một bên là vực sâu thăm thẳm với dòng sông nhỏ tí trong vắt rì rào miên man chảy.
Bên con suối phẳng lặng hiền hòa, hai cái cọn nước đang quay. Ảnh: K.H |
Chúng tôi đi xuyên qua thị trấn huyện lỵ. Một thị trấn nhỏ và yên tĩnh và phờ phạc vì thứ thời tiết mùa hè luôn đầy những bất trắc khó lường. Phố xá đìu hiu, buôn bán chậm chạp, xe cộ ít ỏi. Cả thị trấn có một cái tiệm sửa xe máy, xe bị xịt lốp nên bọn tôi ghé vào với hy vọng thợ phố huyện có thể giúp vá cái lốp ấy. Nhưng anh chủ tiệm cười rất tươi mà rằng: Các bác muốn sửa xe thì phải đợi đến… mai. Đồng thời anh chàng đánh mắt ra phía hàng chục cái xe máy đang xếp hàng chờ đến lượt. Thôi đành đi tiếp bằng cái lốp dự phòng trong một nỗi phấp phỏng mà chẳng ai nói ra.
Và cái thung lũng này hiện ra, như một bức tranh, như một lát cắt của giấc mơ kỳ diệu nào đó mà đã lâu lắm rồi tôi không gặp lại. Giấc mơ vốn nằm trong ký ức xa xôi, đầy những ngọt ngào mến thương âu yếm.
Bên con suối phẳng lặng hiền hòa, hai cái cọn nước đang quay. Bên này suối là đường cấp phối, gập ghềnh, ô-tô chật vật thì cũng đi được. Nhưng bên kia suối, dưới chân núi, là cả một triền đất bằng phẳng, dài tít tắp, một ngôi nhà nhỏ với mảnh vườn được quây bằng hàng rào tre nứa, một mái bếp, một mái chuồng gia súc gia cầm…
Ký ức của tôi thức dậy.
Nó đã được đánh thức một cách diệu kỳ khiến lòng tôi như có một đám mây bông vừa sà xuống.
Tôi nhớ cái thung lũng của tôi, ngôi làng của tôi. Ngôi làng nằm sát chân núi, cũng một con suối chảy qua, và một vài thập niên trước, cũng la liệt những cái cọn nước tròn xoe thế này nằm dọc suối để đưa nước vào cánh đồng. Và không chỉ có cọn nước đâu, người ta còn lắp vô số những cái cối nước. Những cái cối có cần dài, một đầu lắp chày vừa vặn trên miệng cối đá, đầu còn lại như một cái muôi rất sâu lòng để hứng nước vào. Nước suối được dẫn vào đấy, cứ đổ đầy cái muôi thì cối lại cất đầu dậy, khi nó buông xuống chày sẽ tự giã vào cối thóc. Lâu lâu một bà Tày từ trong nhà đi ra xem nó đã giã xong chưa để mang vào sàng sảy.
Những cái cọn nước tròn vành vạnh kia cũng bằng cách hứng nước như thế và tuôn theo máng để vào cánh đồng. Nó đã có hàng trăm năm, cùng với những ngôi làng của người Tày, Thái, Nùng… Những tộc người định canh định cư dưới vùng thấp, trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, sống trong những nếp nhà sàn lợp ngói âm dương hay lợp lá cọ…
Tôi ngồi phệt xuống bờ suối và cảm thấy trong gió có mùi khói đốt ngô. Đúng là khói đốt ngô từ bên kia suối phả sang. Một người đàn ông nhỏ bé đang gom những thân cây khô lại bằng một chiếc sào dài, vun sát vào đống lửa đang bén. Ngọn khói màu xám bay lên, bay lên, trong tiếng vi vu của những làn gió thơm thảo từ trong khe núi. Khói có mùi của những hạt ngô còn sót lại bị đốt cháy, thơm thơm. Thân cây ngô khi trưởng thành, vào lúc những bắp ngô bánh tẻ có thể được bẻ về để luộc, luôn chứa đầy nước, ngọt như mía. Lũ trẻ con chúng tôi gọi đấy là mía ngô.
Đưa cây ngô ra trước mặt, giơ đầu gối lên, đặt cây ngô vào đấy và bẻ gập về phía mình, thân cây gẫy đôi ra. Rồi dùng miệng mà tước. Ngọt và thơm, ngập cả miệng. Giờ thì trong làn khói kia còn có cả mùi đường cháy. Đường cháy và ngô rang cháy, bạn nghĩ tới món gì?
Tôi đã đi xa cái thung lũng ấy, nhưng chưa bao giờ thấy xa ký ức cả. Ký ức luôn sống động, rạng rỡ,
tươi mới, thơm tho và đầy âm thanh. Kỳ lạ thế. Thế nên giờ đây ngồi duỗi chân bên vạt suối đầy những cỏ xanh và đầy cả những con dĩn bé li ti đang đốt tới tấp, tôi cảm thấy mình vừa quay về nhà. Đúng là thế, vừa quay về cái căn nhà gỗ mái ngói nằm nép mình dưới chân một ngọn núi. Sau nhà, chếch phía đầu hồi bên trái có một cây dẻ bị sét đánh cụt ngọn.
Nó cứ đứng ở đấy cho đến khi bố tôi mua được một chiếc ti-vi đen trắng 14 inch và anh tôi leo lên ngọn cây để bắc cái ăng-ten. Y như là nó được sinh ra để có ngày bị sét đánh và có ngày trở thành cột ăng-ten vậy. Và tôi cũng ngửi thấy mùi khói bếp mẹ tôi đang đun nấu. Một bữa tối thơm mùi cơm gạo mới vừa lấy từ cái cối nước giã suốt nửa ngày trời, dần sàng tinh tươm và cho vào nồi. Mẹ tôi luôn nói, gạo ấy đừng vo. Vo sẽ mất bớt vitamin. Hãy để nguyên như thế, cho vào nồi khi nước đã sôi. Nhưng phải nấu thật khéo vì gạo mới rất nhiều nhựa, dễ bị khê.
Tôi không biết mình nhớ cái gì nhất, nhưng rõ ràng là tôi đang giống như tôi nhất ở trong cái không gian quen thuộc nhưng xa xôi. Xa xôi nhưng rất rõ rệt dù có bị chìm khuất bởi lớp bụi mù thời gian.
Cuộc sống với những khúc quanh kỳ lạ, đôi khi ngoài tầm kiểm soát, đã kéo tôi đi càng lúc càng xa thung lũng của tôi. Thảng hoặc ngoảnh lại đều luôn tự hỏi: Vì sao mình lại có thể đi xa đến thế? Mỗi khi tôi quay về, những người hàng xóm đã già nua, lưng còng trĩu nặng đều nói lũ trẻ thật là giỏi giang. Lũ trẻ mà họ nói, trong đó có tôi. Chúng tôi đã từ bỏ nơi mình sinh ra, từ bỏ những cối nước, cọn nước, từ bỏ những nếp nhà, mảnh vườn, cánh đồng, đàn gia súc, từ bỏ những ngọn khói và những đám mây. Chẳng giỏi giang gì đâu khi từ bỏ nơi chốn đã sinh ra và nuôi dưỡng mình. Vì thế, chưa bao giờ tôi trả lời được câu hỏi vì sao.
Và cũng vì thế, đâu đó trên đường đời này, khi bắt gặp những buổi chiều tà thân thuộc đến nhường kia, đều không thể lẳng lặng bước qua.
Khải Huyền