Thương lắm những phận người

.

Nhìn em nằm co quắp trên giường, đôi mắt lạc thần nhìn vào hư không, ai cũng thấy đau lòng, thậm chí muốn ghi lại một tấm hình cũng cảm thấy không nỡ. Người cha, người mẹ của những phận người đáng thương ấy đã ngày đêm gạt nước mắt trải lòng mình cùng nỗi đau với sinh linh mà mình đã rứt ruột sinh ra.

Dù khuyết tật vận động nhưng Bảo Trâm (phải) vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: V.T.L
Dù khuyết tật vận động nhưng Bảo Trâm (phải) vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: V.T.L

3 địa chỉ, 40kg gạo

Ông Nguyễn Văn Thị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, đưa tôi đi dích dắc một hồi, cuối cùng dừng lại trước một căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Nguyễn Như Hạnh. Một người phụ nữ dáng vẻ khắc khổ ra đón, thấy người quen, bà mở cánh cửa phòng, một thanh niên bên trong tuôn ra, dáng đi xiêu vẹo nhưng chừng như muốn chạy ra đường. Ông Thị giữ rịt anh ta lại.

Người phụ nữ tên Nguyễn Thị Lệ, là chị ruột của thanh niên Nguyễn Hữu Th. Nhìn dáng vẻ lanh lẹ đó, cứ tưởng cậu ta còn trẻ nên tôi rất bất ngờ khi nghe bà nói: “Nó tuổi Dần, năm nay 46. Sinh ra được 6 tháng là nó bị tới chừ, không biết chi hết. Để ly nước trên bàn mà nó không biết lấy tay bưng uống. Chạy ra đường thì không biết xe biết cộ chi hết, cứ xông thẳng tới, suýt bị tông chết mấy lần. Vì rứa, đi mô là phải khóa cửa nhốt nó…”.

Bà mẹ rứt ruột nuôi con suốt 45 năm, hơn năm trước bà qua đời. Bà Lệ từ Điện Quang (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) để nhà cửa lại cho con cái, ra chăm sóc em. Mỗi tháng Th. được nhận 500.000 đồng tiền bảo trợ xã hội. Anh chị em trong quê ai cũng cực, không giúp được gì thêm. Để có cái nuôi mình, bà Lệ đi làm dịch vụ dọn nhà theo giờ.

Đồng cảnh ngộ, còn có bà Phan Thị Lực, hiện ở phòng 402, Nhà B, Khu chung cư Hòa Phú 5A. Con gái bị thần kinh không ổn định, bỏ nhà đi lang thang, bà phải nuôi hai đứa cháu ngoại tuổi đang ăn đang học bằng “nghề” lượm chai bao. Hội CTĐ Hòa Minh vận động mua tặng 2 cháu một chiếc xe đạp, thêm 1 triệu đồng mua sách vở; tặng bà một bình gas, một bếp gas. Nghe bà than phiền chiếc xe đẩy làm “nghề” của mình bị hỏng, Hội giúp thêm bà tiền đem đi sửa. Hôm gặp chúng tôi, bà mếu máo nói loại xe mạt hạng cùng đinh như rứa mà cũng bị ăn cắp. Anh La Văn Hùng, bảo vệ khu chung cư nói mất xe bà khóc mấy ngày trời. Báo hại bà phải xin chủ đề-pô thu mua phế liệu cho ứng trước 3,5 triệu đồng để đóng cái xe mới.

Người chị và bà ngoại nói trên cùng với một bà tên bà Đảng là 3 trong những địa chỉ nhân đạo (ĐCNĐ) ở Hòa Minh. Gần 3 năm nay, hằng tháng ông Thị đích thân chở 40kg gạo do chị Kim Oanh ở nhóm thiện nguyện Bàn tay Nhân ái về cho ba người này. Vất vả nhất là leo lên tầng 4 trao tận tay bà Lực.

Đồng cảm và sẻ chia

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một ĐCNĐ” được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động từ tháng 1-2008, ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu. Ông Phan Thanh Hải, Trưởng ban Phong trào - Hội CTĐ thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2019, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Hội CTĐ thành phố tổ chức triển khai Hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2019-2023, ban hành sổ theo dõi trợ giúp ĐCNĐ cho 3.000 địa chỉ trên toàn thành phố.

Hội CTĐ thành phố đã khởi công xây dựng 3 nhà cho hộ nghèo; tiếp tục duy trì thực hiện các dự án nhân đạo như: Cấp học bổng định kỳ thường xuyên cho 51 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn do tổ chức CAAA (Thụy Điển) tài trợ; Trung tâm Hướng nghiệp tiếp tục vận động nguồn lực duy trì chương trình nuôi ăn, ở, dạy nghề miễn phí cho 47 học sinh khuyết tật và nạn nhân da cam; Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi hiện đang nuôi dưỡng 26 cháu. Tổng kinh phí vận động 1,683 tỷ đồng.

Các cấp Hội tiếp tục duy trì hỗ trợ các ĐCNĐ (bao gồm địa chỉ đang trợ giúp và địa chỉ mới cập nhật), đồng thời tiếp tục khảo sát, lập danh sách các ĐCNĐ cần trợ giúp năm 2019.

Theo nội dung cuộc vận động, mỗi cơ sở Đảng, mỗi chi bộ khu dân cư đăng ký trợ giúp tối thiểu 1 ĐCNĐ do Hội CTĐ các cấp giới thiệu. Ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), nơi mà đời sống người dân còn thấp thua một số xã ở huyện Hòa Vang, công tác nhân đạo này đã được triển khai rất hiệu quả. Chủ tịch Hội CTĐ phường, ông Nguyễn Tấn Hùng cho biết địa phương có 23 chi bộ nhưng đã hỗ trợ được 50 ĐCNĐ. Đây là một trong những kết quả để Hội CTĐ Hòa Thọ Tây được tuyên dương là 1 trong 5 phường ở Đà Nẵng dẫn đầu cuộc vận động trong 10 năm qua.

Để có kinh phí hỗ trợ cho các ĐCNĐ, chi bộ trích từ nguồn vận động đảng viên về sinh hoạt tại nơi cư trú và từ Quỹ CTĐ của chi bộ. Ví như Chi bộ 7 (lãnh đạo 2 tổ dân phố 21 và 22), mỗi năm trích quỹ 3 triệu đồng trợ giúp hai ông Nguyễn Diên 76 tuổi, và Trần Ngọc Anh 62 tuổi. Ông Diên có 5 người con, ai cũng khó khăn, trong đó có cô con gái đầu bị bệnh ở chung nhà với ông. Ông Nguyễn Huy Thành, tổ trưởng tổ dân phố 21 nói, trước ông Diên còn đi lại, gần tháng nay gần như nằm liệt giường, khuôn mặt hốc hác thấy rõ.

Nhiều cá nhân hưởng ứng cuộc vận động nhân đạo, như ông Đỗ Văn Hùng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang, hiện ở tổ 28 Hòa Thọ Tây, người vừa có lương hưu vừa được hưởng chế độ trợ cấp thương binh. Từ năm 2008 đến nay, hằng tháng ông trích 400.000 đồng giúp hai nạn nhân chất độc da cam là Đặng Thanh M. và Nguyễn Minh H. (mỗi em 200.000 đồng). Trao đổi với tôi qua điện thoại, ông nói: “Mình có điều kiện thì làm, làm tới hồi mô hết làm được nữa thì thôi”.

Em M. là hàng xóm của ông Diên. Nhìn em nằm co quắp trên giường, đôi mắt lạc thần nhìn vào hư không, ai mà không khỏi đau lòng, thậm chí muốn ghi lại một tấm hình cũng cảm thấy không nỡ. Người cha, người mẹ của những phận người đáng thương ấy đã ngày đêm gạt nước mắt trải lòng mình cùng nỗi đau với sinh linh mà mình đã rứt ruột sinh ra. Chia sẻ nỗi đau tột cùng đó, ngoài chế độ bảo trợ xã hội của Nhà nước còn có tấm lòng của những người thiện nguyện.

Thật đau lòng, khi không phải ai mang trên người nỗi bất hạnh như thế cũng được hưởng chế độ tương tự. Ở tổ 77 Hòa Phú, phường Hòa Minh, có em Phạm Hồ Bảo Trâm, 26 tuổi, đôi chân bị dị tật bẩm sinh, phải đi bằng đầu gối. Trâm không được xét công nhận nạn nhân da cam, cho dù ba em ngày trước đi bộ đội đóng quân trên núi. Bởi lẽ, người chị sinh đôi của em thì bình thường, duy chỉ mỗi em là bị mang số phận không may!

Học đến lớp 9 thì Trâm nghỉ, muốn tìm một nghề thích hợp như làm móng tay, móng chân để có thể nuôi mình, về lâu về dài có thể nuôi cha mẹ. Ba em trước làm phụ hồ, nay sức khỏe yếu xin đi làm bảo vệ. Mẹ thì đau yếu luôn, chỉ lo cơm nước và phụ việc cho con. Năm ngoái, ông Thị, Chủ tịch Hội CTĐ phường, giới thiệu em đến với quỹ hỗ trợ người khuyết tật vay vốn kinh doanh. Sau khi khảo sát, quỹ đồng ý cho em vay 50 triệu đồng trả trong 5 năm. Em không nghĩ là mình được cầm trong tay số tiền lớn đến vậy. Nhờ đó em nâng cấp, mở rộng tiệm làm móng, khách quen đến tiệm thấy em làm rất có tâm nên giới thiệu với bạn bè, công việc phát triển tốt...

Có những phận người kém may mắn lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống đời thường. Và cũng có không ít những tấm lòng đồng cảm biết đau cùng nỗi đau đồng loại, biết chìa bàn tay ra đỡ nâng, giúp họ vơi đi bất hạnh và cảm thấy cuộc đời này vẫn còn có những điều tốt đẹp để mình vui vẻ sống...

Tại lễ phát động Tháng nhân đạo năm 2019 do Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng tổ chức hôm đầu tháng 5-2019, có 21 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đăng ký hỗ trợ ĐCNĐ với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Kết quả Tháng nhân đạo, các cấp Hội Chữ thập đỏ toàn thành phố đã tổ chức trao 1.542  địa chỉ, trị giá 2,543 tỷ đồng (đạt 154% kế hoạch Tháng nhân đạo). Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cấp Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ và giúp đỡ 2.390 ĐCNĐ trị giá 6,683 tỷ đồng.

Hội đang triển khai phong trào Tết vì người nghèo - người khuyết tật năm 2020 và hoàn thành xây dựng phần mềm “Ngân hàng Địa chỉ nhân đạo”.

Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.