Khu vườn kể chuyện

.

Ngày tôi còn bé, cứ chập tối là bố lại sai tôi đi một vòng quanh vườn để xem có con gà nào ngủ trên cây không. Trong đàn gà, thi thoảng lại có một con hứng chí không chịu vào chuồng mà leo lên cây ngủ. Chính con gà ấy buổi sáng hôm sau sẽ thức giấc sớm nhất, và buồn vì trơ trọi một mình nên tờ mờ nó đã kêu gào ầm ĩ, mất cả ngủ.

Khu vườn ký ức. Ảnh: Đ.B.T
Khu vườn ký ức. Ảnh: Đ.B.T

Trẻ con ở làng tôi ngày ấy, con gì cũng là bạn. Chó mèo gà vịt trâu bò dê lợn… Tất tật, mà đôi khi còn là bạn thân. Tôi có một đứa bạn thân, chính là một con gà như thế này. Con gà trống lực lưỡng, với cái mào rất to, nặng trĩu, đỏ tía. Nhiều lúc tưởng như nó sắp không mang nổi cái mào nên cứ ngóc đầu lên được một lúc lại gục xuống vì mỏi. Hai chân sần sùi, mốc thếch. Đặc biệt là bộ lông. Đẹp không thể tả được.

Con gà đã già lắm. Nó với con chó vàng bằng tuổi nhau. Nhưng tuổi đời của gà ngắn hơn của chó. Mấy ai nuôi gà dăm bảy năm đâu, thường thì một hai năm là phải hoá kiếp đi đầu thai rồi. Nhưng riêng con gà ấy nó cứ ở với đàn gà nhà tôi mãi là bởi vì tôi luôn khư khư giữ nó lại. Hồi bé tôi còi cọc, hay ốm đau, mẹ sợ tôi phát ốm nếu mất con gà nên đành chịu thua.

Tôi đặt tên cho nó là Tía.

Tía! Tía! Gọi là đủng đỉnh đi tới. Cho gì cũng ăn, rau củ quả, thịt thà, cơm nguội… Khi nó già nên ăn ít. Đôi khi tôi nghĩ nó buồn. Khi người ta già quá mà tất cả những người sống xung quanh mình đều còn trẻ, chạy đi chạy lại chóng cả mặt, nói năng hát hò suốt cả ngày còn mình thì củ rủ cù rù ngồi yên một chỗ, buồn lắm chứ. Con Tía vẫn còn cái oai vệ của một con gà trống đầu đàn, nhưng cũng đã nhuốm vẻ chậm chạp nặng nề của một kẻ đã già, thỉnh thoảng chấp nhận thua thiệt, thỉnh thoảng chấp nhận thất bại.

Con Tía hay ngủ trên cây. Càng già nó càng hay ngủ trên cây. Vườn nhà tôi trồng rất nhiều cam, hàng trăm gốc. Cuối vườn có một cây cam chanh, cành lá xum xuê la đà vươn qua cả hàng rào và soi bóng trên mặt nước suối. Con Tía hay đậu ở đấy. Bố tôi bảo bởi vì nó quá già nên kí ức của nó về kiếp trước thường sống lại. Kiếp trước nó không phải gà, mà là một con bìm bịp hay bói cá, hay chim sáo gì đấy. Khi ký ức thức dậy, nó quên mình đang là một con gà, mà lại đinh ninh mình là một con chim. Chim thì không thể ì ạch chui vào chuồng mà nằm chen chúc với một lũ gà trống gà mái trong cái chuồng bé tí tẹo như thế được, thế nên dù có gật gù tới mức suýt ngã ngửa rơi bịch xuống vườn cũng vẫn cố ngủ trên cây.
Tôi luôn tin mọi điều bố nói. Tôi cũng tin kiếp trước Tía là một con chim với cả một cuộc đời sải cánh tự do kiêu hãnh trên vòm trời biếc xanh vô tận…

Nhưng không phải chỉ nhà tôi thì bọn gà mới hay ngủ lang trên cây mà không chịu về chuồng, những nhà khác trong làng cũng vậy. Có những con gà chỉ thích ngủ trên mái nhà. Những ngôi nhà nằm sát chân núi, sau lưng là rừng, tường nhà áp vào taluy. Những con gà leo theo lối mòn lên trên miệng taluy và từ đó đập cánh vài cái là sang mái nhà.

Mái nhà lợp bằng lá cọ, bằng cỏ tranh, dày và ấm, êm ái. Mùa khô hạt cỏ theo gió bay về đậu trên đấy, và khi những hạt mưa xuân tí tách rơi thì chúng nảy mầm. Một vài bụi cỏ màu xanh lớn dần trên mái nhà cho đến khi bị lũ gà rảnh rỗi vặt trụi. Ai đấy có thể ngạc nhiên vì lũ gà vặt cỏ, nhưng sự thật là những con gà trống rất hay vặt trụi những lá cỏ non. Chúng ăn cỏ thay cho việc ăn giun dế hay nhặt vài hạt ngô rơi vãi.

Thỉnh thoảng tôi nói dối bố rằng cuối vườn không có con gà nào ngủ lại trên cây, thực ra thì con Tía vẫn đang đậu ở đấy. Tôi nghĩ nó cũng như tôi, như mấy ông anh trai của tôi, thỉnh thoảng muốn được tự do trong cái thế giới riêng đầy những suy tư và mơ ước viển vông. Ông anh thứ hai của tôi dành hầu như toàn bộ thời gian rỗi để tập phi dao găm vào tường. Anh ấy bị ám ảnh về việc trở thành một người phi dao siêu phàm bách phát bách trúng, giống một nhân vật nào đó, trong một cuốn tiểu thuyết nào đó. Và thế là ngày ngày, hễ cứ rảnh tay là anh ấy vác dao ra đầu hồi.

Đầu hồi nhà tôi có một bức tường đất, nó được tạo ra khi bố tôi san vườn cam thành những mảnh bậc thang theo triền dốc của ngọn núi. Bức tường rộng và phẳng phiu, chả ảnh hưởng tới an toàn của ai, là nơi lý tưởng để anh tôi huỳnh huỵch phi dao cả buổi. Tất nhiên ý định trở thành cao thủ phi dao của anh ấy chẳng bao giờ trở thành hiện thực, mà nó lặng lẽ tan thành mây khói không một dấu vết khi anh ấy thay đổi giấc mơ của mình. Người ta có thể thay đổi giấc mơ lắm chứ. Ai cấm đâu?!

Lại nói chuyện con Tía. Một ngày nó gục xuống và chết trong tư thế móng vẫn bám chặt vào cành cam. Cái mào nặng trĩu vít cổ của nó thấp xuống tới mức tưởng như sắp rụng cả ra. Nó đã quá già để kéo dài số phận một con gà. Tôi tin là trong lúc trút hơi thở cuối cùng nó lại đinh ninh rằng kiếp sau nó quay trở về làm một con đại bàng, sải đôi cánh vĩ đại trên bầu trời lồng lộng.

Sau khi con Tía chết, đàn gà phải rất lâu mới có một con trống to cao như thế thay chỗ. Bọn gà mái tan tác buồn phiền. Thỉnh thoảng lại có con vượt rào nhảy sang nhà hàng xóm. Làng tôi thưa người, mỗi nhà cách nhau cả một khu vườn, nhưng phân chia chỉ bằng một hàng rào cây sắn. Sở dĩ trồng cây sắn làm hàng rào vì nó sẽ sống, mọc rễ ra và trở thành hàng rào không bị mối mọt. Hơn thế còn lấy được lá sắn non về muối chua, hoặc nuôi cá. Cái hàng rào thấp lè tè, đứng bên này nhìn sang bên kia không cần kiễng chân, chỉ là cái thứ phân chia tượng trưng ranh giới mà thôi.

Chuyện quả cam quả quýt vườn bên này chín quá rụng bộp bộp sang vườn bên kia diễn ra thường ngày. Bà hàng xóm phốp pháp dễ mến hay nói đùa: Quả rụng vườn ai người nấy được. Nhưng cũng có khi gà nhà tôi sang vườn nhà bà để… đẻ trứng. Trứng thì bà mang trả. Tôi hỏi sao cô biết đấy là trứng gà nhà cháu? Bà cười hóm hỉnh nói: Nó có tên trên đấy mà.

Cũng thỉnh thoảng lũ gà kéo nhau sang bới tung cả luống su hào bà vừa mới trồng xuống, thì y rằng bà phải vén môi chửi nửa ngày chưa xong. Cái người kỳ lạ thế. Thậm tốt bụng nhưng cũng thậm ác khẩu. Giờ thì bà đã già lắm rồi. Mỗi khi về qua xóm cũ tôi lại tạt vào chào bà một câu, ôm bà một cái. Bà hay lẩm bẩm: Sao chúng tao thì già đi còn bọn mày thì không?

Trong mắt bà, bọn tôi, tức là gồm tôi và con gái bà, lúc nào cũng là những đứa trẻ cả trưa không ngủ lùng sục quanh vườn tìm quả chín để ăn cho đỡ buồn mồm.

Tôi không hiểu sao ký ức của tôi về con gà trong khu vườn thơ bé ấy lại sống động đến vậy. Và càng đi xa khu vườn thì ước muốn được ngủ những giấc trưa yên bình trong lao xao thanh vắng càng tha thiết.

Đỗ Bích Thúy
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.