Ngang qua Phnom Penh…

.

Không hào nhoáng, lộng lẫy, thủ đô Phnom Penh của Campuchia vừa mang nét cổ kính vừa mang dáng dấp của hiện đại, giống như nhiều thành phố của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Bên cạnh những kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa, cung điện dát vàng thì sự hiện diện của những ngôi nhà cao tầng, trung tâm mua sắm, giải trí lớn cho thấy sự phát triển không ngừng của thủ đô Campuchia.

Một trong 4 cổng vào của chợ trung tâm ở thủ đô Phnom Pênh thu hút rất đông khách du lịch đến mua sắm. Ảnh: T.H
Một trong 4 cổng vào của chợ trung tâm ở thủ đô Phnom Pênh thu hút rất đông khách du lịch đến mua sắm. Ảnh: T.H

1. Chúng tôi đến Phnom Penh vào khoảng 5 giờ chiều, đúng giờ tan tầm nên thành phố này đã “chiêu đãi” những du khách đến từ phương xa một bữa tiệc “kẹt xe”. Quãng đường từ sân bay về khách sạn chỉ chừng 10km nhưng mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để di chuyển.

Quãng thời gian đủ dài để chúng tôi thong thả ngồi ngắm thủ đô của Campuchia lúc lên đèn. Con đường dẫn vào trung tâm thành phố không quá rộng, lại chật kín các phương tiện lưu thông, chủ yếu là ô-tô, xe máy và xe túk túk (loại xe 3 bánh, có thể chở được từ 4-6 người).

Theo lời anh hướng dẫn viên người bản địa Han Chan Ty, chính phủ Campuchia mới ra quy định người tham gia giao thông bằng mô-tô, xe máy phải đội nón bảo hiểm từ năm 2016 nên nhiều người vẫn chưa có thói quen đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Suốt đoạn đường dài, dù trên đường chật cứng các phương tiện giao thông nhưng chúng tôi không hề nghe thấy tiếng còi xe, chỉ nghe thấy tiếng máy của các phương tiện giao thông. Hỏi ra chúng tôi được biết, người dân nơi đây không có thói quen sử dụng còi xe, khi tham gia giao thông xe lớn nhường đường cho xe nhỏ, xe nhỏ nhường đường cho xe nhỏ hơn…

Họ kiên nhẫn, bình thản di chuyển trên quãng đường đông đúc, chật chội. Nếu đi bộ trên nhiều tuyến phố, nhiều người sẽ có cảm nhận như đang đi bộ ở đâu đó tại Việt Nam vì người dân ở đây cũng có thói quen buôn bán vỉa hè. Những quán ăn vặt vỉa hè, những chiếc xe máy, xe túk túk đậu đầy hai bên đường, những lời mời chào đôi khi có cả tiếng Việt khi chúng tôi đi ngang qua.

2. Ở Phnom Penh không có những danh thắng, di sản nổi tiếng như SiemRiep nên tầm 9-10 giờ tối là đường phố khá vắng vẻ. Chỉ có con phố khu vực quảng trường phía bờ sông Tonle Sap là đông vui, nhộn nhịp. Tại đây du khách có thể thưởng thức các món ăn đường phố độc đáo như côn trùng rang gồm có dế, nhện, kiến đỏ hay bọ cạp…

Một trong những món ăn được bày bán nhiều trên các tuyến phố là những chiếc xe hàng rong đầy ốc được rang/sốt với gia vị là muối, tỏi và ớt đỏ. Món ăn này được người dân địa phương nấu chín và bán theo lon/cốc cho du khách thưởng thức. Tuy nhiên, theo một người bạn sống ở Phnom Penh lâu năm, những món như côn trùng chiên, nướng thì những người yếu bụng không nên thử.

Ngoài cung điện hoàng gia Campuchia, chúng tôi được hướng dẫn viên đưa đi mua sắm tại Phsar Thom Thmei (chợ trung tâm, chợ mới) của thủ đô Campuchia. Đây là một trong những chợ lớn nhất của thủ đô Phnom Penh được xây theo hình một nhà vòm, có bốn cánh, sơn màu vàng. Du khách có thể mua được rất nhiều món đồ từ chợ này như các loại nữ trang, đồng hồ, đồ bạc, quần áo, thực phẩm, đặc sản địa phương, giày dép…

Chợ có 4 cổng được phân khu, bày bán theo từng mặt hàng để người dân và du khách dễ dàng khi đi mua sắm. Một điều đặc biệt khi đến chợ này là chúng tôi gặp rất đông du khách người Việt, họ thoải mái mua sắm, trả giá… như đang đi chợ ở quê nhà. Bởi rất nhiều tiểu thương tại chợ này có thể nói được tiếng Việt.

Đứng trước quầy hàng bán các loại cao, dầu thơm ngay lối vào cổng chính của chợ, bà chủ quầy đã gần 70 tuổi đang giới thiệu cho khách về công dụng của các loại dầu nước, dầu cù là, dầu thơm… được bày bán trên quầy. Trong lúc vãn khách, bà kể, bà là người Campuchia chính gốc, bán hàng ở chợ này gần 50 năm, mỗi ngày có rất đông du khách đến đây mua sắm nên bà có thể nói được tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… Bà kể, những ngôn ngữ này bà tự học để trao đổi, mua bán với khách là chính, trong chợ này cũng có rất nhiều tiểu thương có thể nói nhiều thứ tiếng như bà.

Người mua vừa lựa đồ vừa trả giá, còn người bán nếu được giá thì đồng ý bán, còn không được giá thì cũng vui vẻ xếp lại đồ khách mới xổ ra lựa, không hề có thái độ bực tức hay cáu gắt, chỉ có những lời nói “mua đi, mua về làm quà, giá đó là thấp nhất rồi, không có lời nhiều đâu…”.

Những cuộc mua bán ở đất nước bạn tưởng chừng như sẽ không thành vì đa số những đồ được bày bán tại các chợ này cũng giống như đồ ở các chợ tại Việt Nam, cũng là quần áo, giày dép, đồ trang sức… nhưng rồi nhiều người lại móc ví, chi tiền vì chính sự thân thiện, dễ mến của những người bán hàng. Tại các chợ và nhiều khu mua sắm ở thủ đô Phnom Penh, du khách không nhất thiết phải sử dụng đồng tiền ria của người Campuchia mà có thể sử dụng tiền Việt, đồng USD, đồng nhân dân tệ… để mua bán.

3. Một trong những điều thú vị khác trong chuyến đi của chúng tôi trong những ngày lưu tại Phnom Penh chính là anh hướng dẫn viên (HDV) người bản địa Han Chan Ty. Anh nói tiếng Việt khá sõi, cách hướng dẫn thân thiện, dễ gần của anh đã tạo được thiện cảm cho du khách.

Han Chan Ty vốn là hướng dẫn viên tiếng Anh, nhưng khi người Việt sang Campuchia du lịch nhiều thì anh đã học tiếng Việt tại trường đại học ở thủ đô Phnom Penh và trở thành HDV tiếng Việt. Trong quá trình hướng dẫn cho chúng tôi, dù thủ đô của Campuchia không có quá nhiều điểm đến độc đáo như một số nơi của Việt Nam, song anh giới thiệu về những điểm đến của thủ đô Phnom Penh với niềm tự hào của một người dân Campuchia.

Do đất nước Campuchia không sản xuất mà chủ yếu nhập đồ từ các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… nên những món đồ là đặc sản của địa phương như lạp xưởng, gạo dẻo (loại trồng 9 tháng mới thu hoạch), chuối sấy, đường thốt nốt… được HDV giới thiệu rất nhiệt tình.

Hay cách anh say sưa giới thiệu cho du khách về hoàng cung nơi có Nhà vua Campuchia đang sinh sống; về dòng sông Tonle Sap, về Bảo tàng Diệt chủng TuolSleng - từng là một trường phổ thông bị biến thành nhà tù chính trị và trung tâm tra tấn của chế độ Pol Pot với những hàng dây thép gai chằng chịt xung quanh.

Anh bày tỏ, “Chúng tôi muốn giới thiệu với du khách những món ngon, cái hay, cái tốt của địa phương để du khách thấy ngon, thấy tốt, thấy đẹp sẽ về giới thiệu lại với bạn bè, người thân. Khi họ đi du lịch Campuchia họ sẽ mua món đồ đó, người dân của chúng tôi sẽ tiêu thụ được nông sản, có thêm việc làm…”.

Những người làm du lịch thường nói HDV chính là cầu nối giữa du khách và điểm đến, Han Chan Ty đã làm khá tốt điểm này, vừa đủ để cung cấp thông tin về điểm đến cho khách, nhưng vẫn giữ được sự khiêm tốn, cầu thị, mang lại sự hài lòng dành cho du khách.

Thế mới biết, làm du lịch không chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có, mà yếu tố con người cũng rất quan trọng bởi, tạo đươc ấn tượng tốt đẹp với du khách chính là cách quảng bá về điểm đến hiệu quả nhất.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.