Bạn muốn cho món đồ cũ không dùng nữa nhưng vẫn còn tốt? Bạn cần một món đồ nhưng chưa có điều kiện mua? Bằng cách kết nối người cho và người nhận, “Cho và Nhận” - ứng dụng miễn phí do Công ty TNHH Phần mềm công nghệ cao Sioux (quận Hải Châu) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng xây dựng - có thể đáp ứng nhu cầu của bạn.
Hai kỹ sư Võ Tất Thành (bên phải) và Trần Ngọc Quốc trao đổi về ứng dụng “Cho và Nhận”. Ảnh: P.L |
Sáng cuối tuần, hai cha con anh Đặng Đình Vân (trú quận Thanh Khê) đến một ngôi nhà ở quận Hải Châu để nhận bộ sách tiếng Đức. Con trai anh Vân đang học ngôn ngữ này để chuẩn bị đi du học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Anh bảo: “Mình đăng ký ứng dụng “Cho và Nhận”. Hôm qua thấy có người muốn cho bộ sách tiếng Đức từ trình độ A1 đến C1, trong đó có cả sách học kỹ năng, sách luyện thi, luyện ngữ pháp. Sáng nay hai cha con đến tìm luôn, nhận sách là một phần, phần nữa là con mình muốn làm quen với những người học tiếng Đức vốn khá hiếm ở Đà Nẵng để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng”.
Trên đường về nhà, cha con anh Vân rất vui vì có được bộ sách miễn phí. Người tặng sách là một cô giáo dạy tiếng Đức, từng có nhiều năm sinh sống và làm việc ở Đức. Cô hẹn cậu con trai của anh Vân rằng nếu có gì “bí” trong quá trình học thì cứ đến nhà cô để được giúp đỡ. “Vui lắm, vì thấy con mình có thêm động lực học tiếng”, anh Vân nói.
Từ khi ra mắt phiên bản thử nghiệm vào giữa tháng 4-2019, ứng dụng “Cho và Nhận” đã kết nối cho hàng trăm “giao dịch” như vậy. Đa phần việc cho - nhận diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng, nhưng cũng có nhiều trường hợp người cho hay người nhận ở xa, vật phẩm phải chuyển qua đường bưu điện. Để sử dụng ứng dụng, người dùng chỉ cần tải về miễn phí từ kho ứng dụng (trên hệ điều hành iOS và Android), rồi đăng ký bằng số điện thoại hoặc tài khoản Facebook cá nhân. Nếu có vật phẩm cần cho, người dùng sẽ đăng bài viết kèm hình ảnh mô tả vật phẩm, nêu thể loại, tình trạng sử dụng và địa điểm giao nhận. Người muốn nhận vật phẩm sẽ vào ứng dụng để tìm kiếm, đưa ra đề nghị với người cho, hai bên sẽ trao đổi thông tin ngay trên ứng dụng để trao đổi vật phẩm.
Anh Võ Tất Thành (kỹ sư phần mềm tại Công ty Sioux, người đứng đầu nhóm thực hiện dự án) cho biết, ý tưởng về ứng dụng “Cho và Nhận” đến với nhóm vào mùa Tết năm 2018. Anh nói: “Gần Tết, nhà ai cũng dọn dẹp, rồi “đau đầu” vì phát hiện ra nhiều đồ đạc không dùng nữa nhưng vẫn còn tốt, không biết cho ai hay để ở đâu. Thấy tình trạng chung như vậy, công ty quyết định xây dựng một ứng dụng kết nối người dư đồ và người cần đồ”. Tháng 7-2018, nhóm “Cho và Nhận” bắt tay vào triển khai dự án với 2 thành viên cốt cán là anh Võ Tất Thành và anh Trần Ngọc Quốc (sinh viên năm thứ năm Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, hiện cũng là kỹ sư tại Công ty Sioux).
Ứng dụng “Cho và Nhận” là một kênh giúp kết nối những người có vật phẩm không dùng tới và những người có nhu cầu sử dụng. Ảnh: P.L |
Sau 9 tháng, phiên bản hoàn chỉnh của “Cho và Nhận” “chào đời”. Đến nay, ứng dụng đã có hơn 2.000 người dùng cùng hàng trăm bài đăng cho - nhận vật phẩm. Những người dùng đầu tiên chính là các nhân viên trong Công ty Sioux. Anh Thành chia sẻ: “Khi bắt đầu dùng, mình mới thấy ngay trong công ty đã có nhu cầu cho - nhận. Bản thân mình cũng đã cho một số thiết bị điện tử thông qua ứng dụng này. Cảm giác vui vì giúp người khác có thứ họ cần, và cũng vì sản phẩm nhóm làm ra được nhiều người biết đến và thấy hữu ích”.
Chị Nguyễn Hồng Ngân (trú quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, điều chị thích nhất ở “Cho và Nhận” là việc áp dụng công nghệ để làm đời sống hằng ngày tiện nghi hơn. Bên cạnh đó, việc cho - nhận giúp giảm thiểu các vấn đề môi trường do lối sống tiêu thụ gây ra; đồng thời tạo sự kết nối giữa con người với con người vì mục tiêu tích cực. Còn chị Đậu Thị Nhật Thủy (trú quận Hải Châu) cho rằng, “Cho và Nhận” có tiềm năng trở thành một kênh thiện nguyện thời công nghệ, nơi có thể tổ chức những chương trình thu gom vật phẩm để tặng cho những người khó khăn.
Giữa tháng 10 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với Công ty Sioux ra mắt chính thức ứng dụng “Cho và nhận”. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, định hướng của Đà Nẵng là tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông, xem đây là một công cụ giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại.
Từ năm 2017, Công ty TNHH Phần mềm công nghệ cao Sioux phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng thực hiện chính sách “Mỗi năm một phần mềm miễn phí cho thành phố”. Năm 2017, hai bên ra mắt ứng dụng “Góp ý Đà Nẵng”. Năm 2018 là ứng dụng “Danabus” và năm nay là ứng dụng “Cho và Nhận”. |
PHONG LAN