Mười năm sau khi khoa thi Hội và thi Đình cuối cùng được tổ chức vào năm Kỷ Mùi 1919(1) - chữ Quốc ngữ phát triển qua 3 kênh chính là trường học và thi cử; báo chí, sách in và hoạt động truyền giáo của đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành bằng sách Kinh Thánh được dịch ra chữ Quốc ngữ.
Trường tiểu học An Phước, huyện Hòa Vang, tiền thân là Trường Cẩm Toại - trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của huyện Hòa Vang. Ảnh: V.T.L |
1. Ngay khi đã trở thành nhượng địa Tourane, Đà Nẵng cũng không thể trở thành trung tâm giáo dục đào tạo của xứ Đông Dương nói chung và của Trung Kỳ nói riêng, không bằng Quy Nhơn, không bằng Vinh và đương nhiên thua xa Huế.
Nghị định ngày 30-10-1906 của Toàn quyền Đông Dương Broni về việc thiết lập chương trình giáo dục hệ Pháp-Việt tại Trung Kỳ nêu rõ chữ Quốc ngữ được giảng dạy trong các trường tiểu học và trung học Pháp-Việt(2), nhưng đáng tiếc ở thời điểm này Tourane chỉ có duy nhất một trường tiểu học Pháp-Việt công lập mười sáu năm tuổi mang tên École Franco-Annamite de Tourane/Trường Pháp-Việt Tourane thành lập từ ngày 27-5-1890(3) theo quyết định của Khâm sứ Trung Kỳ.
Và đương nhiên ngay cả khi đã trở thành École de plein d΄exercices de Tourane/Trường Toàn cấp Tourane thì học sinh tốt nghiệp tiểu học của Đà Nẵng vẫn không thể học và thi lấy bằng thành chung - chứ chưa nói tú tài - ở các trường thi tại quê nhà.
Tuy nhiên, từ buổi đầu phát triển chữ Quốc ngữ, một bộ phận học sinh lứa tuổi tiểu học của Đà Nẵng còn có thể học chữ Quốc ngữ ở trường tư. Năm 1920, một doanh nhân yêu nước là ông Nguyễn Văn Tùng đã mở một trường tư với năm lớp dạy chữ Quốc ngữ mang tên Cự Tùng - được xem là trường tư đầu tiên của Trung Kỳ - trên đường Mả Tây (nay là đường Trần Bình Trọng).
Ngoài ra, nói đến trường tiểu học dạy chữ Quốc ngữ ở Đà Nẵng từ buổi đầu phát triển, cũng có thể kể thêm Nghĩa thục Cẩm Toại năm 1906 của cụ Nghè Lâm Quang Tự. Năm 1888, thân sinh cụ Nghè Lâm Quang Tự là cụ Tú Lâm Hữu Mẫn đã mở một trường dạy chữ Nho không thu học phí ở xóm Đông, làng Cẩm Toại - nay là thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang - đến năm 1904, cụ Tú Lâm Hữu Mẫn giao trường cho Cụ Nghè Lâm Quang Tự quản lý.
Năm 1906, hưởng ứng chủ trương khai dân trí của “Bộ ba Quảng Nam”, cụ Nghè Lâm Quang Tự chuyển trường mình từ dạy chữ Nho sang dạy chữ Quốc ngữ, đưa trường Cẩm Toại - một trong những nghĩa thục nổi tiếng của Phong trào Duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX - thành trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của huyện Hòa Vang.
2. Đà Nẵng thời Pháp thuộc là thành phố nhượng địa Tourane nên có điều kiện tiếp cận sớm với báo in - phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại nhất đương thời. Chưa có sử liệu để biết chính xác rằng tờ báo in bằng tiếng Pháp hay bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên đến tay đông đảo độc giả Tourane là tờ báo nào và vào thời điểm nào, nhưng nếu có một tờ báo như vậy thì chỉ có khả năng được nhập từ Pháp hoặc từ Nam Kỳ thuộc Pháp.
Nói vậy để thấy, ban đầu người Đà Nẵng bản địa chỉ là người đọc báo nói chung, đọc báo chữ Quốc ngữ nói riêng. Lịch sử báo chí Đà Nẵng ghi nhận trường hợp Huỳnh Thúc Kháng từng xin nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương cho đặt tòa soạn Báo Tiếng Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Tân Việt - ở Tourane nhằm tranh thủ một số chính sách thông thoáng về báo chí đối với nhượng địa, nhưng không được chính quyền thực dân chấp thuận, chứ nếu được chấp thuận thì người Đà Nẵng nói riêng/người Quảng nói chung đã có thể làm báo ngay tại thành phố nhượng địa này từ cuối thập niên 20 của thế kỷ XX.
Rõ ràng, các tòa soạn/chi nhánh các tòa soạn báo hầu như vắng bóng ở Tourane không chỉ trong giai đoạn đầu phát triển chữ Quốc ngữ đã khiến nhiều người Quảng làm báo có tài và nổi tiếng như Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ - cả hai được vinh danh trong “tứ đại” của làng báo Sài Gòn thời đó (gồm Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ, Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ) - hay như Nguyễn Bá Trác, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều người khác phải tìm đến những trung tâm báo chí như Sài Gòn, Hà Nội, Huế để hành nghề. Lịch sử báo chí Đà Nẵng giai đoạn này chỉ ghi nhận duy nhất trường hợp một phụ nữ Đà Nẵng là bà Huỳnh Thị Bảo Hòa làm thông tín viên thường trú tại Tourane từ năm 1927 cho tờ Thực nghiệp dân báo có tòa soạn ở Hà Nội(4).
Và ở Tourane giai đoạn trước năm 1929, cũng chỉ một mình bà Huỳnh Thị Bảo Hòa được ghi nhận trên lĩnh vực viết sách và in sách, bởi lẽ trong giai đoạn đầu phát triển chữ Quốc ngữ, Tourane cũng vắng bóng các nhà in/nhà xuất bản, và như vậy ban đầu người Đà Nẵng bản địa cũng chỉ là người đọc sách nói chung, đọc sách chữ Quốc ngữ nói riêng. Bà Huỳnh Thị Bảo Hòa được ghi nhận là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có tác phẩm tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ được in thành sách: Tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn, được Nhà in Bảo Tồn số 175 Đại lộ De la Somme (nay là đường Hàm Nghi) Sài Gòn in thành sách vào năm 1927 - trước cuốn tiểu thuyết Kim Tú Cầu của Đạm Phương nữ sử được in thành sách một năm(5).
Không in sách/xuất bản sách nhưng Tourane những năm cuối thập niên hai mươi của thế kỷ XX cũng đã bắt đầu có hiệu sách(6). Từ tháng 7-1928 đến tháng 7-1929, Tân Việt Cách mạng Đảng của Đào Duy Anh mở hiệu sách Trung Tân ở Rue Marc Pourpe (nay là đường Phan Châu Trinh) làm đại lý bán sách của Quan Hải tùng thư xuất bản ngoài Huế, trong đó phần lớn là sách theo khuynh hướng marxisme được Đào Duy Anh và các cộng sự biên soạn hoặc biên dịch bằng chữ Quốc ngữ - trong đó có một người Đà Nẵng là Trần Đình Nam đang hành nghề y sĩ ở Huế đã biên soạn cuốn sách nhan đề Trí khôn nhằm giải thích cấu tạo và hoạt động của bộ óc.
3. Vai trò của các giáo sĩ Thiên chúa giáo trong việc hình thành chữ Quốc ngữ và quảng bá loại văn tự mới mẻ này qua việc truyền đạo bằng tiếng Việt ở đất Quảng nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Vì thế, ở đây tập trung giới thiệu vai trò của đạo Tin Lành trên lĩnh vực quảng bá chữ Quốc ngữ.
Có thể nói, Đà Nẵng là cái nôi của đạo Tin Lành ở Việt Nam, bởi từ đầu năm 1911, trụ sở đầu tiên của Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp đã được hình thành ở góc đường Edouard de L’Horlet (sau đổi tên thành đường Khải Định rồi đường Ông Ích Khiêm) và đường Lagrée (sau đổi tên thành đường Nguyễn Hoàng rồi đường Hải Phòng), đến ngày 29 tháng 3 năm 1914, tại nơi đây ngôi nhà nguyện đầu tiên bằng tranh tre được xây dựng; và đến tháng 9 năm 1921, trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng chính thức được thành lập(7). Qua hoạt động của trường Kinh Thánh Đà Nẵng, bản dịch chữ Quốc ngữ toàn bộ Kinh Thánh của vợ chồng mục sư William Charles Cadman, mục sư John Drange Olsen với sự cộng tác đắc lực của một số người Việt trong đó nhà văn người Quảng Phan Khôi được xem là người phiên dịch chính - thực hiện xong vào năm 1925 và xuất bản vào năm 1926 tại Thượng Hải - càng phát huy tác dụng trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ bằng con đường truyền giáo.
Cuối năm 2014, người Đà Nẵng cùng lúc đặt tên ba học giả Việt Nam được xem là có công trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ ở nước ta vào buổi đầu phát triển cho ba con đường ở huyện Hòa Vang: Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) - tác giả cuốn Đại Nam Quấc âm tự vị in lần đầu tại Sài Gòn năm 1895 và là cuốn tự vị tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam do chính người Việt Nam biên soạn; Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) - người từng chuyển hình thức ký âm toàn bộ Truyện Kiều từ chữ Nôm qua chữ Quốc ngữ vào năm 1913; Trương Vĩnh Ký (1837-1898) - người chuyển hình thức ký âm Truyện Kiều từ chữ nôm qua chữ Quốc ngữ vào năm 1875, sớm hơn Nguyễn Văn Vĩnh gần bốn chục năm và Kim, Vân, Kiều truyện là quyển Truyện Kiều bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam…
Cuối năm 2019, người Đà Nẵng tiếp tục đặt tên Trương Minh Ký (1855-1900) - người học trò xuất sắc của Trương Vĩnh Ký và được xem là người Việt Nam đầu tiên sáng tác văn chương bằng chữ Quốc ngữ, cũng là người Việt Nam đầu tiên dịch văn chương phương Tây ra chữ Quốc ngữ ở nước ta - cho một con đường ở quận Cẩm Lệ.
Xin nói thêm, những nỗ lực chuyển hình thức ký âm từ chữ Nôm qua chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký và của không ít học giả người Việt vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tạo điều kiện cho nhiều tác phẩm văn chương quá khứ với tư cách là di sản văn hóa dân tộc dễ bề phổ cập trong công chúng bình dân - chuyển công chúng bình dân từ chủ yếu nghe-đọc-truyện-bằng-tai sang chủ yếu tự-đọc-truyện-bằng-mắt; đồng thời chứng tỏ chữ Quốc ngữ không hề đoạn tuyệt với cội nguồn di sản văn hóa dân tộc ngay từ buổi đầu phát triển.
Bùi Văn Tiếng
(1) Ngày 1-4-1919, khoa thi Hội cuối cùng, tức khoa Kỷ Mùi được tổ chức, ngày 28-4-1919 công bố danh sách những người trúng cách và số phó bảng. Ngày 15-9-1919, khoa thi Đình cuối cùng được tổ chức với đề thi Đối sách là bàn về hai chữ Văn minh do vua Khải Định đích thân ra đề.
(2) Xem Hoàng Hằng, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, luutru.gov.vn ngày 4-5-2013.
(3) Sau đổi tên thành École de plein d΄exercices de Tourane/ Trường Toàn cấp Tourane và École des Garçons de Tourane/ Trường Con Trai Tourane (năm 1928, trường tách số nữ sinh và học trò Pháp vào một trường mới mang tên Ecole des Jeunes Filles và đổi tên trường thành Ecole des Garcons de Tourane).
(4) Xem thêm Bùi Văn Tiếng, Báo Đà Nẵng và nghề làm báo ở Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng ngày 19-6-2015. Tòa soạn Thực nghiệp dân báo ở số 43 Rue du Lac/Phố Hồ (nay là phố Đinh Tiên Hoàng Hà Nội).
(5) Cuốn tiểu thuyết Kim Tú Cầu của Đạm Phương nữ sử tuy được đăng nhiều kỳ trên báo Trung Bắc Tân Văn từ số báo ra ngày 25-5-1923 đến số báo ra ngày 21-7-1923 nhưng đến năm 1928 mới được Nhà in Bảo Tồn Sài Gòn in thành sách.
(6) Năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên Quảng Nam có tổ chức in thủ công một số sách chữ quốc ngữ theo khuynh hướng marxisme như Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc… ở một cơ sở bí mật gần Giếng Bộng trên đường Quảng Nam (nay là đường Trưng Nữ Vương) nhưng chưa thể xem đấy là nhà in sách.
(7) Xem Vũ Hướng Dương, Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Đà Nẵng, Songdaoonline.com/ 19-3-2011.