Trong công cuộc truyền giáo của Dòng Tên Bồ Đào Nha ở Việt Nam, Hội An là một trong những địa điểm đóng vai trò không thể thay thế và được xem là một trong những “cái nôi” khai sinh chữ Quốc ngữ.
Hội An, một trong những cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ. Ảnh: Phan Vĩnh Yên |
Những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Bồ Đào Nha và Hội An
Lần theo dấu vết lịch sử, chúng tôi bắt gặp rải rác một số tư liệu có đề cập những cuộc tiếp xúc đầu tiên của Bồ Đào Nha với Hội An (lúc này thường được gọi là vịnh Cochinchina hay Faifoo - Faifo).
Vào tháng 2 năm 1516, Phó vương Bồ Đào Nha ở Ấn Độ đã cử một hạm đội do Fernão Peres de Andrade(1) chỉ huy khởi hành từ Goa. Sau khi dừng lại ở Malacca, đến tháng 8, ông cho tàu cập bến ở vịnh Cochinchina. Tuy nhiên, do gặp gió ngược chiều nên họ chỉ lưu lại đây vài ngày rồi trở lại Malacca(2).
Đây có lẽ chính là sự kiện mà Li Tana dẫn lại ý kiến của Manguin đề cập trong tác phẩm Xứ Đàng Trong. Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII: “Bồ Đào Nha có cuộc tiếp xúc đầu tiên với người Việt vào năm 1516...”(3) .
Năm 1540, một thương thuyền Bồ Đào Nha khởi hành từ Patani (Malaysia) dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Antonie de Faria (? - 1548) mới ghé vào thương cảng Hội An cho lần tiếp xúc thứ ba. Fernão Mendes Pinto (1510-1583) - một trong những thành viên tham gia thủy đoàn đã ghi lại hành trình đáng nhớ này trong cuốn du ký Peregrinacao với nhiều thông tin thú vị về Cù lao Chàm và Hội An:
“Là một thị xã có diện tích vừa phải với trên 30.000 cư dân được bao bọc bởi tường thành xây bằng gạch có các tháp canh và thành lũy bố trí bên trong, một vòng thành ngoài và 2 con hào chạy vòng quanh”(4).
Những thông tin này đã đem lại cho người đọc hình dung ban đầu về một Hội An - thường được gọi là Faifoo hoặc Cochinchina Bay vào thế kỷ XVI. Đây là địa điểm thương thuyền Bồ Đào Nha ghé vào để lấy nước ngọt, củi đốt và dừng nghỉ chân trong chuyến hải thương từ Goa (Ấn Độ) đến các thương điếm tại Trung Quốc và Nhật Bản. Mặc dù các cuộc tiếp xúc này diễn ra không thường xuyên nhưng cũng đặt cơ sở quan trọng cho sự phát triển hoạt động giao thương và truyền giáo ở giai đoạn tiếp sau.
Từ năm 1592, khi Mạc phủ quyết định thực thi chính sách Shuin-sen (Châu ấn thuyền), quan hệ mậu dịch đường biển ở Đông Nam Á đã được mở rộng và sôi động hẳn lên. “Theo nghiên cứu của GS. Iwao Seiichi thì từ năm 1604 cho đến năm 1634, Mạc phủ đã cấp 331 giấy phép đến 19 cảng thuộc khu vực Đông Nam Á…
Riêng cảng Hội An có 86 thuyền được cấp giấy phép (chiếm 25,98 % số giấy phép cấp cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á, gấp gần 5 lần tỷ số bình quân chung cho khu vực và chiếm 66,15% số giấy phép cấp cho toàn bộ khu vực Việt Nam, gấp 6 lần tỷ số bình quân chung cho Việt Nam”(5).
Với sự cho phép của chúa Nguyễn, năm 1615, các linh mục Dòng Tên Bồ Đào Nha bắt đầu đến Hội An với mục đích: Chăm sóc đời sống của tín đồ Nhật Bản.
Khi đến đây, các linh mục đã “làm thánh lễ với số dân Nhật Bản và một năm sau họ đã cải giáo được 300 người Việt xung quanh khu vực này”(6), năm 1615 thành lập cư sở Hội An - cư sở chính thức đầu tiên của Dòng Tên (the Jesuits) ở Việt Nam(7).
Nhận thấy tiềm năng của Hội An, trong những năm tiếp theo, giáo phận Ma Cao liên tiếp gửi đến Hội An thêm nhiều nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên, bao gồm: hai giáo sĩ Francisco Barreto và Francisco de Pina(8) (1617)…
Năm 1624, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong công cuộc truyền bá Thiên Chúa giáo tại Hội An với sự xuất hiện một đoàn truyền giáo gồm 6 giáo sĩ do Gabriel Mattos cầm đầu (trong đó có Alexandre de Rhodes)(9). Đến năm 1625, tổng số giáo sĩ ở Đàng Trong là 15 thì ở Hội An có 6. Năm 1625, các giáo dân được rửa tội là 325 người(10).
Năm 1628, giáo sĩ “Gaspar de Amaral cùng với 2 người Nhật gốc Bồ Đào Nha là Michael Machi và Matthias Machide”(11) và năm 1636 linh mục Antonio Barbosa đến Hội An. Vai trò của giáo đoàn này được thể hiện thông qua linh mục Gaspa de Amaral và Antonio Barbosa - những người có vị trí quan trọng trong tiến trình sáng tạo nên chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.
Để phục vụ cho hoạt động truyền giáo ở phương Đông, các linh mục Bồ Đào Nha (chủ yếu là Dòng Tên) đã tiến hành Latin hóa một số ngôn ngữ bản địa như Latin hóa chữ viết của Nhật Bản, Latin hóa tiếng Hoa. Tất cả những minh chứng trên đây cho thấy rằng, việc Latin hóa một số ngôn ngữ bản địa ở châu Á để phục vụ công việc truyền giáo của các linh mục Bồ Đào Nha không phải là xu hướng chỉ xuất hiện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điều khác biệt cơ bản là nếu ở Trung Quốc và Nhật Bản, loại chữ viết Latin hóa này chỉ được sử dụng riêng cho công cuộc truyền giáo thì ở Việt Nam, loại chữ này sau nhiều biến động của lịch sử đã chính thức trở thành chữ viết của một dân tộc. Trong hành trình chuyển hóa độc đáo ấy, các linh mục Bồ Đào Nha ở Hội An đã đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Các linh mục Dòng Tên ở Hội An là một trong những người phương Tây đầu tiên sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo. Một trong những linh mục sử dụng thông thạo nhất tiếng Việt thời kỳ bấy giờ là Francisco de Pina - người đầu tiên truyền giảng kinh sách bằng tiếng Việt mà không cần phiên dịch.
Ông đã đến Hội An vào năm 1617 và ở lại đây một năm trước khi đến hoạt động tại Dinh trấn Thanh Chiêm: “Hiện nay chúng tôi có ba cư sở mà hai trong số nầy [Hội An và Nước Mặn] đã được hoàn thành theo Giáo luật; còn cư sở mà chúng tôi đang tạm trú lúc nầy, có ba linh mục cư ngụ. Linh mục Francesco di Pina biết tiếng Việt khá, làm Bề trên và giáo sư dạy tiếng Việt, và các linh mục Đắc Lộ cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên”(12). Nhờ sử dụng tiếng Việt khá tốt nên ngay từ năm 1620, các tu sĩ Dòng Tên tại Hội An đã soạn thảo một cuốn giáo lý bằng chữ Nôm.
Tuy nhiên, một thực tế được đặt ra là kể cả sử dụng chữ Hán hay chữ Nôm để dịch kinh sách và các tài liệu của Thiên Chúa giáo thì cũng khó phổ cập đến đại bộ phận quần chúng nhân dân. Do sự phức tạp của chữ Hán, chữ Nôm cũng như bối cảnh chính trị đương thời mà số cư dân Hội An nói riêng và Đàng Trong nói chung gần như mù chữ.
Chỉ có tầng lớp quan lại, Nho sĩ và các thương nhân người Hoa mới có khả năng sử dụng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Thế nhưng, thực tế truyền giáo ở Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Hoa đã để lại bài học sâu sắc cho các linh mục. Họ hiểu rằng, việc cải đạo đẳng cấp trên là rất khó khăn do sự xâm nhập và bảo lưu của hệ tư tưởng phong kiến.
Việc truyền bá Thiên Chúa giáo trong bộ phận quần chúng, người bình dân sẽ có thể thu được hiệu quả nhanh hơn. Vì thế, các linh mục chỉ có thể chọn phương cách trực tiếp giảng giải chứ không thể sử dụng bất kỳ hình thức văn bản, kinh sách nào trong việc truyền giáo ở Hội An. Từ những bất cập như vậy trong thực tế, các linh mục Dòng Tên ở Hội An đã nhận thấy cần phải tạo ra một thứ chữ viết để vừa “giúp người ngoại quốc học tiếng Việt”(13) và đồng thời giúp phổ biến các kinh sách Thiên Chúa giáo cho giáo dân người Việt.
Với tư cách là một thương cảng quốc tế, Hội An tồn tại nhiều ngôn ngữ khác nhau (tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Việt, Bồ Đào Nha, Ý...) nên đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy các linh mục Bồ Đào Nha phải tạo ra thứ chữ viết thống nhất nếu muốn công cuộc truyền giáo được hiệu quả. Bên cạnh đó, với vị trí địa chính trị gần Dinh trấn Thanh Chiêm, khu vực Hội An - Thanh Chiêm đã trở thành một trong những “cái nôi” khai sinh chữ Quốc ngữ.
Nếu ở giai đoạn đầu, linh mục Francisco de Pina, Francesco Buzomi (người Ý), Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha), thầy Antonio Dias (người Bồ Đào Nha), Cristofo Borri (người Ý)… là những người đặt nền móng cho việc sử dụng bảng chữ cái Latin để ghi âm tiếng Việt, thì các tác phẩm:
Từ điển Việt - Bồ của Antonio Barbosa (1624); Từ điển Bồ - Việt của Gaspar d’Amaral (1636-1645); Từ điển Việt - Bồ - Latin của Alexandre de Rhodes (1651) là dấu ấn của thời kỳ thứ hai - hình thành chữ có cách ngữ và dấu, viết sách giáo lý, lập các bộ từ điển. Bên cạnh đó, chúng ta cần ghi nhận vai trò của các thầy giảng, con chiên người Việt ở Hội An và Thanh Chiêm trong quá trình sáng tạo nên loại chữ viết độc đáo này.
TS. Nguyễn Thị Vĩnh Linh
(1) Ông là một thuyền trưởng, dược sĩ và là nhà ngoại giao của Bồ Đào Nha trong thời kỳ đất nước này bắt đầu khám phá và xây dựng mạng lưới thương điếm của mình trên toàn châu Á. Ông đã tham gia vào những cuộc xâm chiếm của người Bồ Đào Nha ở Chaul (1506), Calicut, và Goa (1510). Sau khi đóng vai trò tích cực trong việc đánh bại lực lượng Hồi vương Malacca (1511), ông được cử làm đại sứ của Estado da India để tiến hành thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc. Trong chuyến hải hành của mình đến Trung Quốc, ông đã ghé vào vịnh Cochinchina.
(2) Frederick Charles Danvers, The Portuguese in India: A.D. 1481 - 1571, (W.H. Allen & Company, 1894), 337.
(3) Li Tana (1999). Xứ Đàng Trong, Lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, (Nguyễn Nghị dịch. TP. HCM: Trẻ, 1999), 120.
(4) Mendes Fernão Pinto, Ibidem, 75.
(5) Vũ Minh Giang, “Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Đô thị cổ Hội An, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1990), 206-207.
(6) Nguyễn Chí Trung chủ biên, Cư dân FaiFo - Hội An trong lịch sử, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2010), 270.
(7) Hai cư sở còn lại là Nước Mặn (1618) và Thanh Chiêm (1623).
(8) Giáo sĩ Francisco de Pina sinh năm 1585 tại Guarda, Bồ Đào Nha. Ông vào tu Dòng Tên năm 1605. Ông đến Đàng Trong năm 1617 và địa bàn hoạt động truyền giáo của ông trải dài từ Thuận Hóa vào đến Quy Nhơn. Ngày 15-12-1625, giáo sĩ Pina bị chết đuối ở Đà Nẵng, kết thúc thời gian hoạt động truyền giáo của mình ở Đàng Trong.
(9) Alexandre de Rhodes (1593-1660) đến Đàng Trong truyền đạo vào đầu tháng 2-1625. Hai năm sau đó (1627), ông chuyển địa bàn hoạt động ra Đàng Ngoài. Tuy nhiên, đến tháng 5-1630, bị chúa Trịnh Tráng trục xuất, ông trở thành giáo sư giảng dạy thần học tại Macao (1630-1640). Được trở lại Đàng Trong (2-1640), ông tích cực truyền giáo trong địa bàn từ sông Gianh đến Phú Yên. Rời khỏi Đàng Trong (7-1645) lần thứ 2 do bị chúa Nguyễn Phúc Lan trục xuất, ông trở lại Macao, sau đó sang Rome. Ông là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo nên chữ Quốc ngữ ở Việt nam. Xem: Đỗ Quang Chính, Sách đã dẫn, 17.
(10) Hoàng Thị Anh Đào, Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam (thế kỷ XVI - XVIII), Luận án tiến sĩ (Huế: Đại học Khoa học, 2017), 65.
(11) Hoàng Xuân Việt biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ, (Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2012), 118.
(12) Nguyễn Văn Đăng, “Bài đã dẫn”, 40.
(13) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Kỷ yếu hội thảo khoa học Dinh Trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. Quảng Nam, 2016), 233.