100 năm chữ Quốc ngữ

Sự lựa chọn phù hợp của dân tộc Việt

.

Ngôn ngữ của đại chúng

Từ góc nhìn hướng tới giá trị ứng dụng thực tiễn đối với xã hội, chữ Quốc ngữ có những lợi thế rõ rệt. Người học chữ Quốc ngữ sẽ được cấp cho nguyên liệu là 29 ký tự và họ thỏa sức sáng tạo với những mô hình lắp ghép các ký tự rời rạc ấy. Với bất kỳ mô hình lắp ghép đúng đắn nào của các ký tự Latin, chữ Quốc ngữ đều có thể được dễ dàng phát âm chuẩn xác theo đúng những quy ước mà ký tự ấy mô phỏng âm thanh tự nhiên tiếng Việt. Thật sự may mắn bởi lịch sử đã chọn được chữ Quốc ngữ.

Một giờ học vần của các em học sinh lớp 1, Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu). Ảnh: MAI HIỀN
Một giờ học vần của các em học sinh lớp 1, Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu). Ảnh: MAI HIỀN

Vì tính hữu dụng, chữ Quốc ngữ thuộc về đại chúng chứ không phải chỉ một bộ phận nhỏ tầng lớp tinh hoa như chữ Hán hay chữ Pháp. Chỉ khoảng ba tháng, người học đã có thể đánh vần để đọc được chữ Quốc ngữ, và khoảng một vài tháng sau người học hoàn toàn có thể làm chủ hệ thống văn tự này một cách thuần thục.

Thực tế lịch sử Việt Nam đã cho thấy, với nòng cốt ban đầu là Hội Truyền bá Quốc ngữ, kế tiếp là phong trào Bình dân học vụ, chữ Quốc ngữ đã nhanh chóng được giới thiệu đến đông đảo quần chúng và nạn mù chữ trên khắp Việt Nam đã được khắc phục trong một thời gian ngắn. Theo số liệu của Marr (1984), cuối năm 1945, sau hơn 3 tháng phát động, phong trào mở được hơn 22.100 lớp học với gần 30.000 giáo viên và dạy cho hơn 500.000 người biết chữ.

Đến cuối năm 1946, Bộ Quốc gia Giáo dục báo cáo có 74.975 lớp với 95.665 giáo viên, riêng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 2.520.678 người biết đọc, biết viết. Quả thực, với một đất nước thuộc địa có đến hơn 95% người dân mù chữ, chữ Quốc ngữ bằng khả năng phổ cập nhanh chóng đã góp phần tăng thêm uy tín của nước Việt Nam mới non trẻ với thành tựu của một trong những phong trào văn hóa đầu tiên - “Diệt giặc dốt”.

Từ đây, đại bộ phận người dân Việt Nam đã có thể từng bước tiếp cận sách vở, nguồn cung cấp tri thức hữu ích cho nhân loại, cũng như với báo chí, nguồn thông tin cập nhật hằng ngày, để dần thoát khỏi đời sống u tối, trì trệ mà giai cấp thống trị luôn muốn duy trì.

Trong tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng

Trong thời đại của những tiếp xúc và giao lưu, việc hội nhập trở thành một đòi hỏi bức thiết. Dù rằng không phải lúc nào cũng được nhìn nhận khách quan, trong thực tế, chữ Quốc ngữ đã góp một phần đáng kể kéo gần hơn khoảng cách Việt Nam với thế giới, với xu thế phát triển kỹ thuật công nghệ của thời đại.

Bằng sự gia nhập vào cộng đồng các nước sử dụng hệ chữ cái Latin, chữ Quốc ngữ giúp cho việc hiểu các thuật ngữ quốc tế, và đặc biệt là phiên chuyển tên riêng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt theo hình thức để nguyên dạng bảo đảm được tính chính xác cũng như khoa học; giúp cho việc xác định những nhân danh, địa danh ấy đích xác và dễ dàng.

Nhìn vào thực trạng những năm dài trong quá khứ, những cái tên Bát Nhĩ Trát Khắc (Balzac), thành Nhã Điển (thành Aten), điện Cẩm Linh (điện Kremlin),... thực quá khó hiểu và gây phiền hà. Người Việt Nam tới nước Pháp, nhưng chỉ biết Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu mà chẳng biết Rousseau, Montesquieu là ai, qua Mỹ thì chỉ biết Nữu Ước, Cựu Kim Sơn mà không biết New York, San Francisco ở đâu… Việt Nam, với hệ thống mấy chục chữ cái Latin rất cơ động có thể tháo rời và lắp ráp lại theo bất kỳ mô hình từ ngữ nào đó hoàn toàn đúng chính tả (miễn sao những tên riêng ấy được viết bằng chữ Latin hoặc đã được chuyển tự sang chữ Latin).

Ưu thế của khả năng phân tách một chỉnh thể (chữ) thành nhiều bộ phận nhỏ hơn (chữ cái/con chữ) của chữ Quốc ngữ còn tạo điều kiện thuận lợi cho những ứng dụng trong công nghệ thông tin hiện đại ngày nay.

Chữ Quốc ngữ góp phần vun bồi bản sắc dân tộc

Trước tiên phải kể tới một luồng gió mới tác động tới đời sống xã hội và văn học nghệ thuật của Việt Nam. Chữ Quốc ngữ lần đầu tiên được phổ biến tới xã hội Việt Nam qua việc phát hành Gia Định báo của Trương Vĩnh Ký ngày 15-4-1865 tại Sài Gòn.

Sau tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ấy, một số báo khác như: Phan Yên báo (1868), Thông loại khóa trình (1888), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910), Nữ giới chung (1918) cũng được phép xuất bản tại Nam kỳ trong một định hướng phổ biến chữ Quốc ngữ của chính quyền thuộc địa.

Kế tiếp những nhật báo đưa tin đời sống xã hội là hai tạp chí mang tính chất của những học báo thiên về văn hóa, học thuật: Đông Dương tạp chí (1913  - 1919) và Nam Phong tạp chí (1917 - 1934). Dấu ấn đồ sộ về hàm lượng tri thức và mức độ phổ biến của các tạp chí này cũng là minh chứng cho sự trưởng thành cũng như vai trò của chữ Quốc ngữ.

Không chỉ dễ dàng truyền tải những nội dung đời sống hằng ngày. Chữ Quốc ngữ đã có thể vững vàng diễn đạt những quan điểm lý thuyết, những tư tưởng khoa học tiên tiến cập nhật bấy giờ. Cùng báo chí với những thể loại hiện đại như phóng sự, du ký, bình luận,… được hình thành và khẳng định giá trị, các tiểu thuyết theo phong cách mới thay vì các tiểu thuyết chương hồi cổ điển đã được nhóm Tự lực văn đoàn sử dụng chữ Quốc ngữ như là một phương thức hữu hiệu nhằm cách tân toàn diện, hướng tới một diện mạo mới mẻ của văn xuôi tiếng Việt.

Phong trào Thơ mới cũng vượt khỏi những niêm luật ràng buộc của thi luật mang đậm phong cách Hán văn, sử dụng những khổ thơ, những nhịp thơ tự do. Và kịch nói, một thể loại sân khấu mới hoàn toàn, chưa từng có trong truyền thống diễn xướng của Việt Nam (chèo, tuồng, cải lương đều là kịch hát), đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ đầu thế kỷ XX.

Cùng sự trợ lực từ chất liệu hình thức là chữ Quốc ngữ, các kịch bản kịch nói được viết ra rồi biểu diễn bài bản theo hướng sân khấu hiện đại chứ không còn luyện tập theo phương thức truyền khẩu như những ngành nghệ thuật dân gian trước đây.

Sau Cách mạng Tháng Tám, việc thành lập nước Việt Nam mới đã thôi thúc tinh thần tự lập tự cường của người dân nước Việt. Sau tất cả những chuẩn bị để tự hoàn thiện khởi từ đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ đã được chọn trở thành hệ thống văn tự duy nhất của nước Việt Nam độc lập, thay vì trạng thái nhiều dạng thức văn tự (gồm chữ Hán, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ).

Chữ Quốc ngữ đảm đương vai trò của một công cụ để xây dựng một quốc gia hoàn toàn độc lập từ chính trị, xã hội và đặc biệt là khoa học kỹ thuật. Việc thành lập các trường đại học và đưa tiếng Việt cùng chữ Quốc ngữ vào trong giảng dạy một cách chính quy là một điểm sáng đáng ghi nhận trong tầm nhìn của chính sách văn hóa cũng như công sức của các giáo sư thời bấy giờ.

Song song với việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong nhà trường, đặc biệt là trường đại học, cấp học đào tạo tầng lớp tinh hoa cho đất nước, là việc từng bước hình thành hệ thống thuật ngữ Việt.

Theo Lê Quang Thiêm (2018), trong giai đoạn 1945 –1954 có 12 từ điển thuật ngữ được xuất bản trên khắp cả nước, giai đoạn 1955 - 1976 là 56 cuốn (với miền Bắc 36 cuốn, miền Nam 20 cuốn), giai đoạn hậu chiến 1976 - 1985 có 65 cuốn, giai đoạn đổi mới mở cửa 1986 - 1995 tăng lên 83 cuốn và đặc biệt giai đoạn hội nhập quốc tế 1995 - 2005 vượt trội với 172 cuốn.

Chỉ trong vòng hơn nửa thế kỷ, từ điển thuật ngữ tiếng Việt đã có một kho tàng đồ sộ, bao gồm từ điển thuật ngữ, từ điển đối chiếu, rồi đối dịch thuật ngữ hai, ba và nhiều ngôn ngữ - thể hiện rõ ràng tính chất đa nguồn và cập nhật của chúng. Các từ điển thuật ngữ không chỉ hạn hẹp trong những ngành lớn mà đã phân chia thành các chuyên ngành cụ thể.

Ngày nay, người Việt Nam với tư duy Việt, trên cơ sở tiếng Việt văn hóa đã hoàn toàn có thể diễn đạt được mọi tư tưởng, mọi quan điểm học thuật của mình bằng chữ Quốc ngữ mà không hề gặp bất kỳ trở ngại khó khăn nào nhờ những tri thức đã được củng cố và điển chế hóa chính xác ở các thuật ngữ. Chữ Quốc ngữ đã góp phần xác lập được không gian văn hóa trí tuệ tiên tiến và hiện đại cho riêng Việt Nam trong mấy mươi năm ngắn ngủi của thế kỷ XX.

Dĩ nhiên, lịch sử không có chữ “nếu”, nhưng ta hãy thử đặt giả thuyết rằng, lịch sử Việt Nam không có chữ Quốc ngữ thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu không phải chữ Quốc ngữ với hệ thống ký tự đơn giản và dễ dàng ghi nhớ, lắp ráp thì đến nay mù chữ vẫn là một nan đề mà Nhà nước cần giải quyết. Nếu không có chữ Quốc ngữ, trong suốt cả thế kỷ XX, một thế kỷ cần có những bước tiến nhanh, tiến kịp với xu thế phát triển của văn minh toàn cầu, văn hóa Việt Nam sẽ không thể hiện đại hóa mà hội tụ nên bản sắc văn hóa của riêng mình như đã đạt được.

Rõ ràng, chữ Quốc ngữ là một sự lựa chọn phù hợp của dân tộc Việt.

Ths. Dương Xuân Quang
 

;
;
.
.
.
.
.