100 năm chữ Quốc ngữ

Xóa nạn mù chữ ở Việt Nam trước năm 1945

.

Những năm đầu thế kỷ XX, trư­ớc nạn mù chữ của người dân cùng với yêu cầu được học chữ của quần chúng lao động thất học, giới trí thức Việt Nam xuất hiện ý t­ưởng phổ biến chữ Quốc ngữ. Đặc biệt, sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chủ trương chống nạn mù chữ, thất học. Năm 1938, Nguyễn Văn Tố cùng Phan Thanh, Bùi Kỷ, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp... tiến hành thảo luận và đi đến quyết định xin phép thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Từ lớp 1, học sinh bắt đầu được học tiếng Việt. Ảnh: MAI HIỀN
Từ lớp 1, học sinh bắt đầu được học tiếng Việt. Ảnh: MAI HIỀN

Trong suốt thời gian tồn tại và hoạt động từ năm 1938 đến năm 1945, Hội góp phần xóa nạn mù chữ, bước đầu xây dựng một nền giáo dục bình dân, bãi bỏ những tệ nạn hủ tục, nâng cao dân trí, phổ biến chữ Quốc ngữ và đóng góp vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những thành tựu mà Hội đạt được là không nhỏ đối với lịch sử dân tộc trong những năm tr­ước Cách mạng Tháng Tám 1945.

Sự ra đời của Hội truyền bá Quốc ngữ

Cuối thế kỷ XIX, sau khi hoàn toàn chiếm đóng Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ, ra sức bóc lột nhân dân lao động, vơ vét tài nguyên khoáng sản đem về chính quốc. Chính quyền thực dân một mặt hạn chế giáo dục, thu hẹp việc mở trường lớp đến mức tối thiểu và kiểm soát gắt gao. Từ bậc cao đẳng tiểu học trở lên, số trường được mở chỉ phục vụ đào tạo thông ngôn, viên chức, thư lại... cấp thấp phục vụ cho bộ máy cai trị của Pháp ở Đông Dương với đồng lương rất rẻ mạt. Ở Trung Kỳ có 15 tỉnh, trên 5 triệu dân nhưng chỉ có 4 trường (2 ở Huế, 1 ở Vinh và 1 ở Quy Nhơn). Cả nước chỉ có 3 trường trung học ở thủ phủ 3 kỳ là Sài Gòn, Huế, Hà Nội (1).

Theo điều tra của Chesneau đăng trong tập kỷ yếu của Nha học chính (1-1938) số trường học được lập quá ít, chỉ tập trung ở vùng đông dân cư. Có tới 90% làng xã không có trường học, số người mù chữ tính từ 10 tuổi trở lên chiếm đến hơn 90% và nếu tính ở nông thôn thì gần 100% phụ nữ đều không biết chữ. Theo thống kê của Phủ Toàn quyền, năm 1939, toàn Việt Nam có 287.037 học sinh từ tiểu học đến cao đẳng, dạy nghề, chiếm 1,44% dân số (2). Trong cuốn “Hồi ký Thanh Nghị” của Vũ Đình Hòe: Năm 1940, số trẻ em đến tuổi đi học là 3,5 triệu, số học sinh ở cấp tiểu học cả trường công lẫn trường tư là 605.000 người, nghĩa là trong 100 đứa trẻ mới được non 18 đứa đi học.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã diễn ra sôi nổi mạnh mẽ. Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh sau khi được thành lập đã quyết định tổ chức các lớp dạy chữ Quốc ngữ, tổ chức các buổi đọc báo, giảng sách vào buổi trưa và ban đêm. Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp tiến hành chính sách khủng bố trắng, đàn áp, dập tắt cao trào cách mạng 1930-1931 trên toàn lãnh thổ Việt Nam, các lớp học chữ Quốc ngữ cũng bị giải tán. Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936 - 1939, các quyền tự do dân chủ được nới lỏng, trong đó có quyền tự do báo chí. Chính vì vậy, việc tổ chức các lớp dạy chữ Quốc ngữ lại càng trở nên cấp thiết. Trên nhiều tờ báo, khẩu hiệu chống nạn mù chữ được in rất to, đậm.

Từ sau phong trào Đông Dương Đại hội, nhiều lớp dạy chữ Quốc ngữ đã được mở, đa số thầy dạy đều không nhận lương. Nhận thấy tầm quan trọng của việc diệt giặc dốt, chống nạn mù chữ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương xúc tiến thành lập “Hội Truyền bá Quốc ngữ”. Tại cuộc họp ở nhà Phan Thanh (số 165 đường Henri d’Orléans, nay là phố Phùng Hưng, Hà Nội) vào đầu năm 1938 do Trần Huy Liệu chủ trì, các nhân sĩ đã thống nhất cần thành lập một hội, ban đầu dự định là Hội chống nạn thất học, sau lấy tên là Hội Truyền bá học Quốc ngữ.

Ngày 29-7-1938, Hội Truyền bá học Quốc ngữ chính thức được thành lập theo Quyết định số 3622-A của Thống sứ Bắc Kỳ (3), hoạt động với mục đích dạy cho người Việt biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ để có thể tiếp cận những điều thường thức trong sinh hoạt hằng ngày.

Ngay sau khi Hội chính thức được thành lập, tháng 8-1938, thông qua Nghị quyết của toàn thể đại biểu hội nghị của Đảng bộ Bắc Kỳ, Đảng đã chủ trương: “Giao thiệp với các nhà trí thức và tai mắt đề nghị lập ra các chi nhánh của Hội Truyền bá Quốc ngữ, đi quyên tiền, cổ động hội viên, mượn các đình chùa, các trường học… để tổ chức các lớp dạy học và diễn thuyết…”(4). Mở lớp học bao gồm hai cấp: cấp sơ đẳng (dạy cho học viên biết đọc, viết chữ Quốc ngữ và làm được hai phép tính đơn giản là cộng và trừ); cấp cao đẳng (dạy cho học sinh đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ và biết làm 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia và một vài điều thường thức. Hội quy định, những người đã biết chữ có trách nhiệm dạy lại những người chưa biết.

Nhằm phục vụ cho chương trình hoạt động trên, Hội chủ trương biên soạn và cho xuất bản sách giáo khoa, tài liệu tham khảo về địa lý, lịch sử, vệ sinh, khoa học thường thức… Ngoài ra, Hội cũng phải xúc tiến thành lập thư viện gồm hai loại thư viện cố định có thể mượn đọc tại chỗ và thư viện lưu động để phục vụ đọc ở các lớp học nơi đông người.

7 năm chống nạn mù chữ ở Việt Nam

Trong suốt 7 năm hoạt động (1938 - 1945), dưới danh nghĩa là một hội văn hóa giáo dục nhưng thực chất là một tổ chức chính trị có sự tham gia của nhiều nhà chính trị, Hội Truyền bá Quốc ngữ đã đóng góp rất lớn cho công cuộc chống nạn mù chữ của Đảng và cách mạng ở Việt Nam, thông qua đó đã giúp tuyên truyền giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh trong toàn thể quần chúng nhân dân lao động.

Những đóng góp của Hội Truyền bá Quốc ngữ đối với công cuộc chống nạn mù chữ chính là kết quả đạt được trong ba thời kỳ, ba giai đoạn hoạt động của Hội:

Trong 2 năm từ 1938-1940, Hội đã biên soạn thành công sách giáo khoa “Vần Quốc ngữ ”, áp dụng “phương pháp đọc lên thành tiếng” thay cho phương pháp cũ là “đánh vần từng chữ”. Với phương pháp mới dễ học, dễ nhớ, số lượng lớp học và các học viên không ngừng được mở rộng thêm về cả số lượng và chất lượng dạy và học; góp phần thúc đẩy tinh thần học chữ Quốc ngữ, đấu tranh chống lại giặc dốt trong nhân dân. Ngày 5-1-1939, Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ chính thức được thành lập tại Huế.

Bước sang giai đoạn thứ hai từ tháng 10-1940 đến tháng 7-1944, sự đầu hàng của chính quyền thực dân Pháp đã chính thức dâng Đông Dương cho phát xít Nhật. Chính quyền thực dân Pháp trở nên suy yếu lại là điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Hội đã mở thêm nhiều khu trường, lớp học mới. Năm 1942, Hội còn thành lập được chi nhánh tại một số tỉnh như : Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hưng Yên… Ngoài sách “Vần Quốc ngữ” và “Tập đọc”, Ban Dạy học còn biên soạn thêm chương trình cho lớp cao đẳng, biên soạn một số cuốn sách thường thức: “Truyện bác Hai Bền”, “Vệ sinh thường thức”.

Đặc biệt, một sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến mới của Hội Truyền bá Quốc ngữ là hội nghị giáo khoa toàn quốc diễn ra trong hai ngày 29 và 30-7-1944. Hội nghị này đã đánh dấu bước nhảy vọt về cả chất lượng giảng dạy, tinh thần dạy học cho quần chúng nhân dân mù chữ nghèo khó cũng như kinh nghiệm trong công tác tổ chức trường lớp, vận động học viên đi học, giáo viên đi dạy.

Giai đoạn thứ 3, trong một năm từ 8-1944 đến tháng 8-1945, Hội đã tiếp tục mở rộng thêm nhiều trường lớp tại các vùng nông thôn, tăng cường liên hệ với các tỉnh để lập thêm nhiều chi nhánh mới, góp phần đẩy mạnh công cuộc chống nạn mù chữ, đồng thời phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Ngày 18-8-1944, Hội Truyền bá Quốc ngữ Nam Kỳ đã được thành lập. Như vậy, phong trào truyền bá Quốc ngữ đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên khắp ba kỳ, từ thành thị đến các vùng nông thôn(5)
Như vậy, sau hơn 7 năm hoạt động, Hội Truyền bá Quốc ngữ đã mở được 14 khóa học, giúp cho hơn 7 vạn người biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ (trong đó, hơn 1 vạn người đọc thông, viết thạo và biết làm 4 phép tính phổ thông là cộng, trừ, nhân, chia), nắm được những tri thức phổ thông tối thiểu. Hội đã làm dấy lên phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ sâu, rộng nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam.

Số lượng trên 7 vạn người thoát khỏi mù chữ chưa thấm vào đâu so với số người mù chữ ở Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng không chỉ dừng lại ở con số trên, những đóng góp và tầm ảnh hưởng của Hội Truyền bá Quốc ngữ đã đem lại cho công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam chính là góp phần khơi dậy, hun đúc tinh thần hiếu học của toàn thể nhân dân.

Hội Truyền bá Quốc ngữ cũng đặt cơ sở và làm nền tảng cho phong trào diệt giặc dốt, bình dân học vụ do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những đóng góp của Hội đã thực sự tạo nên một cuộc cải cách về văn hóa giáo dục ở Việt Nam trước năm 1945 và chính phong trào do Hội phát động là điểm kết thúc của cuộc cách mạng chữ viết ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ quyết định thành lập Nha Bình dân học vụ. Lúc này Hội Truyền bá Quốc ngữ hết vai trò lịch sử và trở thành tổ chức tiền thân của Nha Bình dân học vụ.

Ths. Trương Thị Phương


(1) Võ Thuần Nho, 35 năm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông, (Hà Nội, 1996), tr.8

(2) Kỷ yếu Nha học chính Đông Dương, tháng 4-1938, tr.267

(3) Tuần báo Đông Dương, số 77 ra ngày 19-2-1942

(4) Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Văn kiện Đảng từ 10-8-1935 đến 1939, Hà Nội, 1964, tr.306.

(5) Lê Văn Phong, Hoạt động của Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938 - 1945), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5 năm 2014, tr.94

;
;
.
.
.
.
.