70 NĂM TRUYỀN THỐNG HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC 3 (1949 - 2019)

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt khu vực miền Trung-Tây Nguyên

.

Chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển của Học viện Chính trị khu vực 3 (1949-2019) gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Hơn 65.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ cấp huyện, đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp Nhà nước và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện là một minh chứng rõ nét về những đóng góp của Học viện trong công tác giáo dục lý luận chính trị suốt 70 năm qua.

Tọa đàm khoa học “Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội – Kinh nghiệm của Việt Nam và Lào”, do Học viện Chính trị khu vực 3 phối hợp tổ chức.
Tọa đàm khoa học “Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội – Kinh nghiệm của Việt Nam và Lào”, do Học viện Chính trị khu vực 3 phối hợp tổ chức.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 3, kết quả nêu trên không chỉ góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà còn giúp nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. “Hầu hết học viên được đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện đã và đang được giao những trọng trách ở các ban, ngành, địa phương và ở một số cơ quan Trung ương. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là nguồn động viên đối với các thế hệ cán bộ và học viên của Học viện trong quá trình xây dựng và phát triển của mình”, PGS-TS Nguyễn Văn Lý nhấn mạnh.

Cùng với công tác giáo dục-đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện cũng được đẩy mạnh và đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Tính từ những năm 1990 đến nay, cán bộ khoa học của Học viện đã thực hiện 450 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 13 đề tài cấp Nhà nước, 82 đề tài cấp bộ, 3 đề tài cấp tỉnh và 352 đề tài cấp cơ sở; tổ chức 91 cuộc hội thảo cấp Học viện; 39 hội thảo phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học; 209 tọa đàm khoa học; xuất bản hơn 100 đầu sách, kỷ yếu khoa học và đăng tải hơn 2.000 bài báo khoa học. Công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra của đất nước và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Về hợp tác quốc tế, được sự quan tâm của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Đối ngoại Trung ương, kể từ năm 2001, Học viện Chính trị khu vực 3 đã thiết lập quan hệ hợp tác với một số trường Đảng cấp tỉnh của Trung Quốc, Trường Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) và Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Savannakhet của nước CHDCND Lào, nhằm trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn mà các bên quan tâm để mở rộng tầm nhìn, góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, nghiên cứu của Học viện.

Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, Học viện đã quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ công chức, viên chức cả về số lượng và chất lượng. Từ những năm đầu sau giải phóng, Học viện chỉ có chưa đến 100 cán bộ, nhân viên, với 10 người có trình độ đại học, thì đến nay số công chức, viên chức của Học viện là 202 người, riêng đội ngũ giảng viên là 87 người, với 54 tiến sĩ, trong đó có 11 PGS, TS. Đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học của Học viện có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn tương đối cao, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao hiện nay.

Cơ sở vật chất của Học viện, từ chỗ ban đầu còn tạm bợ, thiếu thốn trong chiến tranh và những năm đầu sau giải phóng, đến nay Học viện có cơ sở vật chất - kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin tương đối đồng bộ và khá hiện đại. Hệ thống giảng đường, hội trường, Trung tâm Thông tin khoa học, phòng làm việc, ký túc xá học viên được cải tạo để đáp ứng yêu cầu của việc đào tạo tập trung. Bên cạnh các mặt công tác trên, công tác xã hội cũng được Học viện quan tâm. Hơn 10 năm qua, Học viện nhận phụng dưỡng 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đóng góp xây dựng 13 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Học viện cũng tích cực ủng hộ cho các quỹ “Vì người nghèo”, Hội khuyến học, Hội Người mù, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em đường phố; quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai.

Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp các lớp cao cấp lý luận chính trị khóa K49. Ảnh: V.D
Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp các lớp cao cấp lý luận chính trị khóa K49. Ảnh: V.D

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể khẳng định các thế hệ lãnh đạo, thầy giáo, cô giáo, công chức, viên chức của Học viện Chính trị khu vực 3 đã vượt mọi khó khăn, thử thách, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những đóng góp đó của Học viện trong quá trình xây dựng và phát triển đã được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh qua các thời kỳ ghi nhận và đánh giá bằng những phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Từ năm 2009 đến nay, Học viện đã 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng “Cờ thi đua Chính phủ” (năm 2014 và 2018) cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và 1 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 4 lần được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng “Cờ thi đua cấp Bộ” và 1 lần được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng “Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Riêng trong dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống, Học viện Chính trị khu vực 3 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Lý, một trong những bài học kinh nghiệm đúc kết sau 70 năm xây dựng và phát triển của Học viện Chính trị khu vực 3 là luôn quan tâm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cán bộ quản lý có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, nắm chắc nghiệp vụ sư phạm, có tính trách nhiệm cao với công việc chung. “Đây là đội ngũ nòng cốt, có tính chất quyết định để Học viện khẳng định mình và vươn lên xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, PGS, TS Nguyễn Văn Lý nhấn mạnh.

VIỆT DŨNG



 

;
;
.
.
.
.
.