Áo Tết cho em

.

Có bộ áo quần mới trong ngày Tết đối với mọi đứa trẻ đều như một giấc mơ đẹp. Và càng tuyệt vời hơn khi được nắm tay mẹ dạo chợ chọn bộ đồ ưng ý rồi hồi hộp mặc áo mới đón phút giao thừa thiêng liêng...

Niềm vui áo mới đón Tết. (Ảnh do Làng Hy Vọng cung cấp)
Niềm vui áo mới đón Tết. (Ảnh do Làng Hy Vọng cung cấp)

Cảm nhận áo mới bằng trái tim

Tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng trong một ngày mùa đông hanh hanh nắng. Trong khuôn viên dãy nhà mới xây, những luống hoa bắt đầu hé nụ chào mùa xuân đang đến. Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Ngọc Cần cho biết hiện có 19 trẻ được trung tâm nuôi dưỡng, trong đó chỉ duy nhất một bé Alăng Hạ Vy 2 tuổi người Cơ tu là phát triển bình hường, còn 18 em còn lại đều là trẻ mang hội chứng Down và bị người thân bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn.

Nên khi đến từng phòng nuôi trẻ, nghe lòng mình rưng rưng muốn khóc. Trên khuôn mặt ngờ nhgệch của các em vẫn lấp lánh niềm vui khi có khách đến chơi nhà. Thấy tôi mang mấy bộ áo mới làm quà Tết, các em tíu tít xúm quanh cô giáo đòi mặc ngay tức thì. Có thể các bé không phân biệt đâu là váy đầm hay quần jean, đâu là màu xanh, màu đỏ, nhưng trong sâu thẳm các em vẫn cảm nhận được đó là tấm áo đẹp cho một ngày mới…

Cô bảo mẫu Nguyễn Thị Thúy Nga năm nay vừa tròn 23 tuổi, tốt nghiệp sư phạm mầm non, về công tác tại trung tâm gần 2 năm nay. Cô ăn 2 cái Tết cùng bọn trẻ. Dù trẻ có thể không hiểu Tết nhứt là gì nhưng các cô vẫn chuẩn bị tươm tất cho các em một cái Tết cổ truyền đầy ý nghĩa.

Ngày ba mươi Tết, tất cả trẻ được tắm gội sạch sẽ, mặc áo mới đón giao thừa cùng các ông, các bà tại trung tâm. Sáng mồng Một, các cô sẽ bế các cháu tới khu người già bên cạnh để thăm và chúc Tết các cụ. Tất nhiên, là khoản ăn uống sẽ ngon hơn, đủ chất hơn nhưng tuyệt đối không có bánh kẹo, hạt dưa như ngoài đời. Chỉ vì các em không tự chủ trong ăn uống như trẻ bình thường được.

Tết đến, những trẻ em có đầy đủ cha mẹ sẽ được mặc quần áo mới đi đón xuân, được đưa về quê chúc Tết ông bà và được mừng tuổi mới. Còn đối với trẻ ở các  trung tâm bảo trợ xã hội, Làng Hy Vọng, Làng SOS, các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì điều đó trở nên quá... xa xỉ. Thấu hiểu sự thiếu thốn ấy, các công ty, doanh nghiệp, các mạnh thường quân đã đến thăm và tặng nhiều phần quà để phần nào bù đắp những mất mát, thiệt thòi cho các em.

Từ đường Lê Văn Hiến ồn ào và tấp nập xe cộ rẽ vào một đoạn cỡ chừng 200 mét, Làng SOS hiện ra như một miền an yên diệu vợi. Những con đường quanh co xanh mát, những mái nhà ngói đỏ thấp thoáng dưới tán lá xanh. Trên đường làng, trẻ con đi học về gặp khách liền lễ phép chào. Tôi rẽ vào ngôi nhà mang tên loài hoa Thiên lý mà người mẹ của gia đình này đã  tròn trèm 25 nuôi dưỡng “những đứa con Nhà nước”. Thật là ngẫu nhiên, chị tên là Ngô Thị Lý.

Lúc đó tầm 9 giờ sáng, những đứa trẻ đi học cũng sắp về nên chị cùng người học việc (sẽ thay chị khi chị nghỉ hưu) lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa trưa cho các con. Chị bảo, gần Tết rồi nên cả nhà chuẩn bị đi mua sắm đồ mới cho sắp nhỏ. Tôi nói: Hẵng còn sớm mà. Chị cười thật hiền ngó ra ngoài sân đầy nắng  rồi nói rằng, mua sớm mới có áo quần đẹp mà lại rẻ nữa. Chớ gần Tết đắt lắm. Vả lại mấy đứa nhỏ háo hức lắm rồi cô ạ…

Tôi cố hình dung cảnh mẹ Lý người bé nhỏ, dắt một đàn con lớn nhỏ líu ríu theo sau, dạo hết mấy sạp áo quần ở chợ Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Đứa chọn váy bồng, đứa thích quần jean áo pull. Rộn ràng háo hức chi lạ… Chị bảo, không riêng gì nhà chị, các gia đình khác trong làng cũng đã bắt đầu mua sắm áo quần Tết cho tụi nhỏ. Tiền mua sắm là do các mẹ chi tiêu tiết kiệm cả năm, thêm tiền tiêu chuẩn áo quần của các cháu do làng chi trả nữa nên Tết nào các con cũng có áo mới như mơ ước.

Chị còn tâm sự rằng, mỗi lần được mẹ dẫn đi chợ sắm đồ Tết là các con vui lắm. Đêm trước khi đi chợ, chị hỏi các con thích áo quần gì, sau đó lại tư vấn nên mua gì cho thích hợp với độ tuổi, thể hình, nước da của mỗi đứa. Nhà chị có hai cô con gái út 6 tuổi. Đó là hai chị em sinh đôi Nguyễn Thị Nhép và Nguyễn Thị Nhiệt dân tộc Ca dong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Hai cô bé này rất thích mặc áo đầm kiểu công chúa. Hai đứa ra chợ hễ thấy váy hồng, váy xanh tay bồng là đòi mua cho bằng được…

Hy vọng vào một tương lai

Được áo mới trong ngày Tết đối với mọi đứa trẻ đều như một giấc mơ đẹp. Và càng tuyệt vời hơn khi được nắm tay mẹ dạo chợ chọn bộ đồ ưng ý rồi hồi hộp mặc áo mới đón phút giao thừa thiêng liêng. Em Nguyễn Thị An, 15 tuổi, đã đón 7 mùa xuân tại làng Hy Vọng thành phố Đà Nẵng.

Mẹ em mất từ khi em lên 2 tuổi. Ba bỏ đi biệt xứ. Mỗi năm Tết đến, em lại về ăn Tết với người mợ ở Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. Cái cảm giác thiếu vắng bàn tay chăm chút của người mẹ từ tấm bé dần qua đi khi em về sống ở làng Hy Vọng.

Tết năm nào mẹ Tám, mẹ Hồng ở làng cũng dẫn An và các bạn đi mua sắm áo quần Tết ở chợ Phú Lộc, quận Thanh Khê. Tha hồ lựa chọn theo sở thích. Tất nhiên là trong phạm vi số tiền quy định. Vì vậy, năm nào về quê ăn Tết, An và các bạn đều  xúng xính quần áo mới và quà bánh do làng sắm sửa cho.

Năm nay An đang là học sinh lớp 10 Trường THPT Liên Chiểu. Cô bé ước mơ rằng, sau này thành đạt sẽ quay trở về làng cám ơn các mẹ đã yêu thương chăm sóc mình trong suốt quãng đời hoa niên. Và tất nhiên sẽ dành tiền mua thật nhiều áo quần mới cho các em đón Tết cho thỏa lòng mong ước…

Người ta thường nói “mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”, thế nhưng với những đứa trẻ mồ côi hiện đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố vẫn sống với tất cả nghị lực và niềm hy vọng vào một tương lai. Đối với các em, những nỗi đau tâm hồn hay thể xác dù sâu sắc đến mấy vẫn có thể liền da nếu được sống trong tình yêu thương của mọi người. Dù đó chỉ là một tấm áo mới cho em vui Tết…

Như Hạnh

;
;
.
.
.
.
.