Khi Việt Nam gia nhập thương mại thế giới sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội thuận lợi từ thị trường chung mang tính toàn cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đối diện với những thách thức lớn. Đó là sự cạnh tranh gay gắt và rộng hơn, sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến và phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hội thảo phổ biến các kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ văn phòng Đà Nẵng tổ chức vào tháng 5-2019. Ảnh: KHANG NINH |
Theo Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, từ năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 493 vụ, trong đó vi phạm về kiểu dáng công nghiệp có 331 vụ, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa 162 vụ. Trong năm 2018 và 2019, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng tiếp nhận và xử lý 13 đơn tố cáo vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, trong đó phần lớn các trường hợp là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận và giải quyết đơn của ông Tạ Văn Thọ (quận Hải Châu) đề nghị xử lý hành vi của hộ kinh doanh cơm gà tại quận Ngũ Hành Sơn, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Hồng Ngọc” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho ông. Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra hộ kinh doanh cơm gà tại địa chỉ trên, yêu cầu hộ kinh doanh loại bỏ các yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Hồng Ngọc”.
Hiện nay, tại Đà Nẵng mới chỉ có 3.411 văn bằng đã được cấp theo quy định, trong đó nhãn hiệu hàng hóa là 3.236 văn bằng, sáng chế và giải pháp hữu ích là 53 văn bằng, kiểu dáng công nghiệp là 122 văn bằng. Như vậy, so với số lượng các doanh nghiệp hiện có thì số lượng trên còn rất khiêm tốn.
Theo ông Phạm Đình Quang, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, trong điều kiện đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản vô hình này để có thể ngăn ngừa tranh chấp phát sinh. Khi có tranh chấp thì việc theo đuổi vụ kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cũng sẽ thuận lợi hơn so với việc không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Năm 2005 Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như nạn hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa diễn ra ngày càng phổ biến. Hơn nữa, các doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp cần phải chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, khi các doanh nghiệp nước ta xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài thì việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất dễ xảy ra. Ví dụ thương hiệu cà-phê Buôn Mê Thuột, Trung Nguyên và nước mắm Phú Quốc bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường nước ngoài là những trường hợp điển hình. Do vậy, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu hàng hóa cần chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa tại nước sở tại trước khi xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đó. Chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nghiệp tiến vào thị trường thế giới.
Một thực tế còn tồn tại trong các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay là chưa thấy được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp. Để hạn chế các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, cần tiến hành các giải pháp sau: Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh cho người dân nói chung và giới doanh nhân nói riêng, giúp đỡ họ tạo lập, bảo hộ và khai thác các tài sản trí tuệ.
Hằng năm, các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cần chủ động rà soát, kiểm tra tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm, hàng hóa dự kiến sản xuất và kinh doanh để có kế hoạch đăng ký bảo hộ kịp thời các đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tránh các vi phạm quyền của chủ văn bằng khác. Các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa phải tự kiểm tra tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp trước khi ký kết hợp đồng, để bảo đảm sản phẩm hàng hóa của đơn vị không vi phạm quyền của chủ thể khác trong nước và nước nhập khẩu.
Các doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư (kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) phải chủ động kiểm tra tính hợp pháp của các đối tượng sở hữu công nghiệp có liên quan, nhất là nhãn hiệu hàng hóa và tên thương mại. Các doanh nghiệp chủ động phát hiện và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và thực thi để xử lý kịp thời các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp cần phải thành lập một bộ phận pháp chế với những nhân viên là luật sư hoặc những người có trình độ về pháp luật để có thể chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi bị xâm phạm.
ThS. Trần Hữu Minh