Bữa cơm quê

.

Bạn ở quê ra Đà Nẵng học liên thông đại học được mấy ngày đã nhớ cơm nhà, rồi gợi ý “tự dưng tui thèm ăn cái gì chua chua, mặn mặn. Hay là mua rau muống về luộc rồi vắt chanh vô chấm nước mắm”. Quê T. xứ dừa, lại ở vùng trung du, nhưng sở thích ăn rau muống luộc và nước canh rau vắt chanh thì chẳng khác người vùng nào cả. Bạn làm tôi chợt nhớ những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, cả xóm hầu như nhà nào cũng có một hồ rau muống và nhà tôi không ngoại lệ.

Rau muống trở thành món ăn quen thuộc trong bữa ăn của các gia đình Việt.  Ảnh: Đ.H.L
Rau muống trở thành món ăn quen thuộc trong bữa ăn của các gia đình Việt. Ảnh: Đ.H.L

Hồi đó rau muống trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa cơm đạm bạc của mỗi gia đình. Từ rau muống có thể chế biến ra các món luộc, xào tỏi, nấu canh hến, còn nước rau luộc thì chỉ việc ra vườn hái thêm trái chanh tươi vắt nước và pha chút muối, bột ngọt là thành tô canh. Riêng mấy anh em tôi thường cho thêm ít đường để chan cơm cho dễ ăn giữa mùa hè gió Lào rát họng.

Đời sống người dân quê tôi cũng thật bình dị và giản đơn. Những ngày mưa gió hoặc bố mẹ bận đi làm không đi chợ được, tôi chỉ việc chạy ù ra hồ rau muống cạnh nhà hái ít rau rồi chiên thêm quả trứng gà do mấy con gà mái mơ vừa nhảy ổ là đã có một bữa cơm đạm bạc. Cuộc sống dù nghèo khó nhưng hạnh phúc ngập tràn.

Quê tôi từng là chảo lửa của chiến tranh. Sau khi hòa bình lập lại, trên mỗi cánh đồng ruộng lúa đều có những hố bom sâu hoắm. Lúc đầu, người dân chỉ tận dụng trồng rau muống ở xung quanh bờ hồ, sau đó san lấp dần thành một hồ rau lớn. Rau muống cũng có nhiều loại như rau muống nước, rau muống cạn. Rau muống nước thích mọc ở đầm lầy, mỗi khi mưa xuống, đọt rau sẽ vươn dài xanh mướt rất thích hợp để chế biến món rau xào tỏi. Rau muống cạn hay còn gọi là rau muống hột được gieo từ hạt và có thể mọc xanh tốt trên cạn mà không cần tưới nhiều nước.

Ngày ấy, nhà tôi cũng có một hồ rau muống rộng khoảng 20 mét vuông và nuôi sống cả gia đình. Ngoài giờ học, chúng tôi thường giúp ba mẹ ra hồ nhổ cỏ, hái rau, bón phân. Còn mẹ sau khi trực ở bệnh viện thì được nghỉ xen kẽ một ngày nên tranh thủ hái rau ra chợ bán, kiếm thêm tiền nuôi chúng tôi ăn học bởi lương công chức ngày đó không đủ sống.

Để có những gánh rau xanh mướt, mẹ dậy từ 4-5 giờ sáng hái rồi bó thành từng bó nhỏ, bứt bớt lá sâu và cuống già. Sau khi rửa sạch từng bó, mẹ tôi lại oằn lưng gánh hai thúng rau cao ngất ngưỡng quá vai ra chợ bán. Không chỉ riêng nhà tôi, các gia đình trong xóm cũng vậy, chỉ nhờ hồ rau muống mà nuôi cả đàn con ăn học thành tài. Những hồ rau muống còn chứa cả tình quê chan hòa. Nhà nào cần rau luộc, chỉ việc chạy sang nhà hàng xóm xin hái một bó về ăn; nhà nào thiếu chanh, thiếu ớt cũng có thể đứng bên kia bờ rào với tay qua xin một ít.

Từ ngày lên thành phố, đặc biệt là khi cuộc sống khấm khá hơn, tôi có nhiều sự lựa chọn cho bữa ăn của mình và tôi dần quên món ăn dân dã ngày xưa cho đến hôm T. nhắc lại. Tôi chợt nhận ra đây là món ăn quen thuộc không chỉ của gia đình tôi mà hầu như của tất cả các gia đình miền Trung. Khi còn ở trọ, tôi cũng bắt gặp món ăn này trong các bữa cơm hằng ngày của các em sinh viên chung xóm dù họ đến từ rất nhiều tỉnh khác nhau. Trong mâm cơm, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có dĩa rau luộc, nước canh rau và một dĩa cá nục hay cá ngừ, cá phèn... Tôi gọi đùa đó là “bữa cơm nhà nghèo vượt khó”. Bữa cơm đạm bạc, ít tốn công, tốn của nhưng giúp biết bao sinh viên nghèo học thành tài.

Đoàn Hạo Lương
 

;
;
.
.
.
.
.