Miền ấu thơ trong trẻo (*)

.

Bằng những trang chữ mộc mạc mà tình tứ, đầy hứng thú nhưng cũng rất gần gũi thân thương, tác phẩm đầu tay Hanh hao quê nhà của tác giả Nguyễn Thị Hòe đã giúp tôi “gọi hồn” những cảm xúc. Tôi được sống lại với bầu trời ký ức chốn đồng quê tinh khiết, đẹp đẽ, như mơ như thực…

Những ai yêu văn chương đều hiểu sự phong phú từ kho đề tài dành cho thể loại tản văn. Chỉ một ngọn gió đồng, một ráng chiều ửng đỏ hay hương thơm của một món ăn dân dã, một chút hoài cảm về khu vườn xưa,… cũng có thể là cái duyên cớ cho một bài viết ra đời. Và có lẽ Nguyễn Thị Hòe cũng từng chấp bút trong những lần tình cờ như thế để cho ra đời tác phẩm tập hợp 51 bài viết đong đầy kỷ niệm. Hanh hao quê nhà - cái tựa đề gợi nhiều xúc cảm chập chùng, bâng khuâng, là tiếng lòng của những người con xa xứ, của những ai từng sinh ra và lớn lên từ chốn ruộng đồng, nương bãi…

Tôi đã trầm trồ khi đọc những dòng miêu tả về món rạm đồng - món ăn tôi được thưởng thức cả trăm lần: “Để khử mùi tanh của rạm, mẹ tôi thái nhỏ lá lốt thả đều dưới đáy xoong, rồi đặt rạm lên. Gia thêm chút hành băm vàng ruộm, chút bột nghệ phi mỡ để tạo màu. Trên cùng rắc thêm một lớp lá lốt nữa, rồi đem rạm đi kho. Mẹ canh lửa liu riu cho nồi rạm sôi đều cho đến khi cạn nước. Con rạm khô lại và thấm đều các loại gia vị. Món rạm nhấc ra, màu đỏ tươi của gạch pha với sắc vàng nghệ, xanh lá lốt, trăng trắng của hành khô nhỏ li ti ôm lấy mình rạm trông rất bắt mắt”. Lời kể của tác giả chi tiết và khơi gợi đến nỗi khiến tôi ngỡ mình đang đứng trong một chái bếp nhỏ, bụng réo sục sôi. Mà thực đơn từ Hanh hao quê nhà phong phú lắm nhé. Món nào cũng thơm lừng lựng, đậm đà, đặc biệt luôn chuẩn tay mẹ nấu: Trong Mùa tôm đất có món tôm rang muối, Mùa nghêu có món cháo nghêu, Mùa cất rớ có tép riu kho quẹt, rồi thì khoai xéo, bánh lá gai, hoa cải xào,…

Nếu có khiếu viết lách, thì tản văn là thể loại dễ tiếp cận, nhưng để viết hay lại không dễ. Điểm mạnh của tản văn là dễ lấy thiện cảm của người đọc nhưng điểm yếu là nếu không có sự sắp xếp rõ ràng, mạch lạc với những câu chuyện đi theo một chủ đề thống nhất thì kết quả là người đọc sẽ cảm thấy rối trong chính những câu chuyện và mạch cảm xúc của người viết. Để đóng thành tập 51 bài viết cùng lúc, tác giả như đang đánh đố mình. Bởi, dù đề tài khác nhau, nhưng nếu cách diễn giải, chia sẻ kỷ niệm và bày tỏ cảm xúc na ná nhau thì hiển nhiên người đọc sẽ cảm thấy nhàm chán và mệt. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Hòe đã thể hiện bản lĩnh của một người cầm bút đầy tài năng và trách nhiệm. Chị như người đầu bếp tài ba không chỉ nấu mỗi một món. Với từng nhóm nguyên liệu khác nhau, chị đã chọn cách “chưng cất”, nêm nếm, gia giảm phù hợp, khiến thực khách luôn cảm thấy hài lòng nhờ vị ngon đúng điệu. Ở một vài chuyện như Khói đốt đồng, Mùa cò, Mưa tháng tám, Mẹ và vườn cải, cô tác giả 8X vẽ kỷ niệm bằng ngôi kể thứ nhất, nhưng ở một vài chuyện khác như Pháo đụp, Thị không về Phố,... chị lại dựng lên những nhân vật phù hợp với bối cảnh để dẫn dắt trí tưởng tượng của người đọc thêm phần sinh động.

Ngày thơ bé, tôi từng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp trong trẻo chốn đồng quê qua một vài trang tập đọc của cô giáo, thì bây giờ lại rưng rưng bởi những câu từ của Nguyễn Thị Hòe, khi chị vẽ bức tranh ngày mùa thân thuộc đến xôn xao: “Gió nhẹ, hương lúa thoang thoảng khắp cánh đồng.

Mấy cô cào cào đỏm dáng khoe áo đỏ, áo xanh bên mấy anh chàng châu chấu. Chúng trêu ghẹo nhau khiến một vài lá lúa lung lay. Mấy chú bò ung dung gặm cỏ, chốc chốc lại ngước cao cổ gọi nhau “ò ò”. Mùi cỏ non ngai ngái quyện hương lúa thơm nồng và vị tanh của bùn tạo hương vị khó quên. Trưa đến lúc nào không hay. Ánh nắng mỗi lúc mỗi gay gắt. Lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng tiếng nói cười vẫn râm ran khắp cánh đồng. Thỉnh thoảng một vài chú chim bay vút ra từ thửa lúa chưa gặt, rồi mất hút đi đâu đó trong tấm thảm vàng. Chỉ còn lại tiếng hót líu lo vang xa”.

Cuộc sống luôn cuộn chảy không ngừng, tháng ngày chưa bao giờ cạn. Trong sự tất bật, lắm lúc ta muốn được trẻ lại, được trở về quê hương để tắm táp, gột rửa lòng mình. Hanh hao quê nhà như một cơn mưa rơi xuống đúng lúc, khiến những già nua mỏi mệt nhường chỗ cho thương mến non xanh!

Diệu Thông

 (*) Đọc Hanh hao quê nhà, tác giả Nguyễn Thị Hòe, Nhà Xuất bản Văn học và công ty TNHH văn hóa Đông Tây phát hành tháng 5-2018.

 

;
;
.
.
.
.
.