Ấm tình quân dân

Vang mãi lời ca

.

Bằng giọng hát, điệu múa, những nghệ sĩ – chiến sĩ của Đoàn Văn công Quân khu 5 cũng như các chiến sĩ kiêm ca sĩ, vũ công, biên đạo “cây nhà, lá vườn” ở các đơn vị quân đội đã góp phần chăm sóc đời sống tinh thần cho các chiến sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa. Dù trong hoàn cảnh nào, những chiến sĩ ấy vẫn luôn hát mãi bài ca yêu đời, xua tan mệt nhọc của những ngày huấn luyện, ra quân sẵn sàng chiến đấu.

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công Quân khu 5 trong Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 2018. (Ảnh: Đoàn Văn công Quân khu 5 cung cấp)
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công Quân khu 5 trong Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 2018. (Ảnh: Đoàn Văn công Quân khu 5 cung cấp)

1. Được thành lập vào ngày 20-3-1952 tại xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, đến nay, Đoàn Văn công Quân khu 5 đã trải qua 67 năm xây dựng và trưởng thành. Đoàn được thành lập theo yêu cầu động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân trên chiến trường Khu 5, gồm 10 thành viên ban đầu là những thiếu sinh quân vừa tốt nghiệp khóa 6, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) và một số chiến sĩ có năng khiếu ca, múa được chọn lọc từ cơ sở.

Ngay sau khi ra đời, các nghệ sĩ - chiến sĩ của đoàn nhanh chóng bám sát chiến trường, theo từng bước chân chiến đấu của bộ đội trên khắp các chiến trường, cả trong và ngoài nước, vừa cất cao lời ca tiếng hát, động viên tinh thần bộ đội, nhân dân chiến đấu vừa trực tiếp ra trận tiêu diệt quân thù. Hòa bình lập lại, những nghệ sĩ - chiến sĩ ấy vẫn thực hiện nhiệm vụ động viên tinh thần của bộ đội và nhân dân. Các tác phẩm của đoàn được công chúng đón nhận và đánh giá cao bởi mang hơi thở cuộc sống đương đại, phản ánh tình cảm của quân và dân Khu 5 đối với sự phát triển, đi lên của quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, tháng 3-2002, Đoàn Văn công Quân khu 5 vinh dự được Nhà nước và quân đội trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trung bình mỗi năm, đoàn biểu diễn khoảng trên 100 buổi lớn, nhỏ. Trung tá Võ Thị Thu Hương, Phó Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 5 cho biết: “Đoàn không chỉ trực tiếp phục vụ các đơn vị quân đội trên địa bàn Quân khu 5 (7 tỉnh đồng bằng trải dài từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận và 4 tỉnh Tây Nguyên - PV) mà còn tham gia biểu diễn ở Lào, Campuchia phục vụ bộ đội Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn và phục vụ nhiệm vụ đối ngoại quân sự - quốc phòng”.

Gắn bó với đoàn từ năm 1999, xuất phát ban đầu là một nghệ sĩ trong đội ca, chị Thu Hương phần nào cảm nhận sự gian khổ, hy sinh của những đồng đội cũng là đồng nghiệp của mình. Suốt 20 năm qua, bao kỷ niệm vui buồn kể mãi không hết. Chị Hương chia sẻ, trong thời gian ấy, chị may mắn được 3 lần cùng đoàn đi biểu diễn ở Trường Sa và có lẽ, kỷ niệm về chuyến ra đảo lần đầu tiên vào năm 2004 là đặc biệt nhất. Lần đó, chuyến công tác kéo dài khoảng 12 ngày thì hết 4 ngày lênh đênh trên biển, những ngày còn lại biểu diễn phục vụ chiến sĩ đang công tác trên đảo.

Trên tàu thì say sóng, lên đảo vẫn tiếp tục say “nguội” nhưng tối đến, chị em trong đoàn vẫn nhanh chóng ổn định sức khỏe để tham gia biểu diễn cùng các đồng đội. Mệt lắm, nhưng các anh chị em cùng biểu diễn với lính đảo, thấy hạnh phúc thật sự.

Ngoài những buổi biểu diễn có kế hoạch trước, các nghệ sĩ - chiến sĩ trong đoàn vẫn luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Đôi khi, vừa nhận nhiệm vụ vào buổi sáng thì chiều phải biểu diễn, nên các nghệ sĩ - chiến sĩ phải tận dụng giờ nghỉ trưa để tập luyện. Nếu đi diễn ở Lào hay Campuchia thì các diễn viên còn phải tập hát, múa, chuẩn bị trang phụ truyền thống của nước bạn. “Một khi đã được giao nhiệm vụ, dù chỉ có một ngày để chuẩn bị cũng phải xong, dù tập đến 12 giờ đêm hay thứ bảy, chủ nhật cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, chị Hương bộc bạch.

2. Không được đào tạo chuyên nghiệp như những nghệ sĩ - chiến sĩ của Đoàn Văn công Quân khu 5, song những ca sĩ, vũ công, biên đạo “cây nhà, lá vườn” ở những đơn vị quân đội, với chút năng khiếu cùng sự nhiệt huyết của người lính, đã và đang không ngừng sáng tạo để biểu diễn những tiết mục từ đơn giản đến công phu nhằm phục vụ, cổ vũ, động viên tinh thần những đồng đội và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.

Tham gia hoạt động văn hóa - văn nghệ từ lúc bắt đầu công tác tại Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân, Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Khánh Tùng đã có hơn 20 năm gắn bó với hoạt động này. Đại úy Tùng chia sẻ: “Tôi vốn là một vũ công. Sau khi vào quân đội, tôi tiếp tục phát huy năng khiếu này và được giao làm đội trưởng đội múa ở đơn vị. Trong một lần biểu diễn, bên đội ca thiếu người, tôi qua phụ thế rồi làm thêm… ca sĩ từ đó đến giờ”. Bên cạnh phục vụ hoạt động văn hóa - văn nghệ tại Lữ đoàn 161, Đại úy Tùng còn là một vũ công, ca sĩ kỳ cựu của Đội Văn nghệ xung kích, Vùng 3 Hải quân.

Nhớ về kỷ niệm những chuyến đi diễn phục vụ bà con, Đại úy Tùng kể, khoảng năm 2004, Đội Văn nghệ xung kích, Vùng 3 Hải quân về tổ chức chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Người dân ở đây còn lạ lẫm với màu áo của những chiến sĩ hải quân. Hay tin bộ đội về, không ai bảo ai, nhà nào cũng lo ăn cơm sớm rồi xách ghế, có người vác cả cái sạp hoặc đùm theo áo mưa để lót lên cỏ ngồi xem bộ đội múa, hát. Mọi người hào hứng đến độ chương trình kết thúc lúc nào không hay. Hôm đó sân khấu quá nhỏ nên các chiến sĩ xuống thẳng phía dưới để biểu diễn.

Với Đại úy chuyên nghiệp Lê Thị Yến, y sĩ đa khoa, Bệnh xá Vùng 3 Hải quân thì mãi đến khi công tác trong quân đội chị mới hay… mình cũng có khả năng múa, đóng kịch và làm người dẫn chương trình. Từ lúc công tác tại Vùng 5 Hải quân đến khi chuyển về Vùng 3 Hải quân, bên cạnh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính, chị vẫn luôn giữ vững tinh thần xung kích trong hoạt động văn hóa-văn nghệ. Khi thiếu ca sĩ, chị vẫn sẵn sàng cầm micro để hòa giọng cùng đồng đội.

Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho rằng: “Tinh thần là yếu tố đặc biệt có ý nghĩa trong việc động viên các chiến sĩ. Nhiều năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ. Thông qua đó giúp các chiến sĩ phát huy giá trị tinh thần, khả năng sáng tạo; tạo không gian giao lưu, kết hợp giữa cán bộ chiến sĩ, cấp trên với cấp dưới để hiểu nhau hơn, từ đó tạo khối đoàn kết thống nhất, phục vụ tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ khác trên biển”.

Đồng thời, Vùng 3 Hải quân còn phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng, các Quận Đoàn tổ chức chương trình giao lưu; qua đó, giúp chiến sĩ cùng thanh niên địa phương trang bị thêm kỹ năng sống, gắn kết giữa quân đội với thanh niên địa phương, cùng thực hiện hiệu quả công tác phối hợp. “Thông qua nhiều chương trình hoạt động như: xây dựng nông thôn mới, đền ơn đáp nghĩa…, đặc biệt gần đây nhất là chương trình Hải quân Nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, hoạt động văn hóa - văn nghệ cũng là một mũi nhọn xung kích để hướng vào các cuộc vận động”, Đại tá Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh.

MAI HIỀN

 

;
;
.
.
.
.
.