Bằng sự quan tâm đặc biệt đến học sinh (HS) khuyết tật, một nhóm sinh viên (SV) đến từ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã xây dựng đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục của HS khuyết tật tại Đà Nẵng”.
Các thành viên nhóm dự án tại Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2019.Ảnh: H.T |
Đều là SV ngành Công tác xã hội, khoa Tâm lý - Giáo dục, nhóm SV: Phạm Thị Ái Đông, Lê Thị Thúy Hằng, Nguyễn Thị Khánh Hương đã dày công quan sát, tìm hiểu những khó khăn, yếm thế của HS khuyết tật trong học tập lẫn sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, bản thân Lê Thị Thúy Hằng là một người khuyết tật (NKT), hơn ai hết, Lê Thị Thúy Hằng cảm nhận được khó khăn của những người như mình trong việc tiếp cận giáo dục, do đó Hằng đã lên ý tưởng, cùng các bạn thực hiện việc nghiên cứu này. “Nhóm chúng tôi rất tâm huyết với dự án này và bỏ nhiều tháng trời để tìm hiểu”, nhóm trưởng Lê Thị Thúy Hằng chia sẻ.
Theo Hằng, hiện nay hầu như chưa có những dịch vụ hỗ trợ cụ thể cho HS khuyết tật tiếp cận giáo dục một cách toàn diện và bền vững. Trong quá trình triển khai đề tài nghiên cứu, nhóm đã tìm hiểu số liệu từ Báo cáo quốc gia về NKT và được biết, tỷ lệ NKT trong độ tuổi trưởng thành từ 16 tuổi trở lên tốt nghiệp tiểu học là 47,8%, thấp hơn nhiều so với người không khuyết tật trong cùng độ tuổi (82,9%). Trên địa bàn thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cũng đưa ra thống kê hiện có 182.000 NKT, trong đó có 12.634 NKT nặng trở lên. Như vậy, có thể thấy rằng, số lượng NKT không hề ít và khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục của HS khuyết tật nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng còn hạn chế.
Mất hơn 7 tháng ròng rã nghiên cứu, tìm hiểu, nhóm đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục cho HS khuyết tật; trong đó có nâng cao nhận thức về vai trò tiếp cận giáo dục, áp dụng mô hình giáo dục hội nhập rộng rãi trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, phải đổi mới phương pháp dạy học và định hướng giá trị học tập phù hợp với HS khuyết tật; đồng thời cải thiện cơ sở vật chất giáo dục, chú trọng tăng cường các kênh thông tin và chất lượng nội dung các nguồn thông tin hỗ trợ tiếp cận giáo dục cho HS.
Trải qua các vòng lựa chọn, đề tài của nhóm đã xuất sắc vượt 419 đề tài dự thi và 186 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội tham dự xét giải năm 2019 và đoạt giải nhì Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Nguyễn Thị Khánh Hương cho biết, dự án của nhóm gây ấn tượng với ban giám khảo trước hết về chủ đề nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực và nhân văn với sự quan tâm sâu sắc đến đời sống của HS khuyết tật. Những phương pháp được áp dụng trong dự án là: nghiên cứu lý thuyết, thực tiễn, điều tra bằng bảng hỏi kết hợp phỏng vấn cán bộ quản lý… Chia sẻ về những kỷ niệm khó quên trong quá trình nghiên cứu, Khánh Hương với biệt danh “cô gái có nụ cười hiền” xúc động kể: “Vui khi được thầy cô trong khoa, trường ủng hộ, tạo điều kiện rất nhiều nhưng đôi lúc chúng tôi cũng chịu nhiều áp lực và bật khóc trong đợt thực hành tại cộng đồng”.
Thầy Hà Văn Hoàng, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, người trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Việc lựa chọn đề tài này của các em là một thử thách khá khó khăn, vì khách thể là HS khuyết tật nên mất rất nhiều thời gian thu thập dữ liệu, chưa kể kinh phí được hỗ trợ còn hạn hẹp, các em phải bỏ thêm tiền túi để đi lại, ăn uống, trang trải. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, các em đã đoạt được giải nhì cấp Bộ. Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực của nhóm SV”.
Được biết, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Thời gian tới, kết quả này cũng được các đơn vị phối hợp xem xét, nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực công tác, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận của HS khuyết tật trong giáo dục cũng như phát triển khả năng nhận thức.
HUYỀN TRÂM