Những linh hồn cù lao

.

Tôi ngồi trong xưởng tranh và nhìn ra ngoài hiên lúc trời thình lình đổ mưa lớn. Những cái khung tranh ướt sũng đứng buồn tẻ trong mưa. Đây là xưởng tranh kính của một nghệ nhân trên Cù lao Giêng, một cù lao rất lớn, dài tới 12km, nằm giữa sông Tiền, đoạn chảy qua Chợ Mới, An Giang. Xưởng tranh kính này đã có từ rất lâu. Xưa thì cứ Tết đến là người dân xứ này lại nô nức sắm sửa chỉnh trang nhà cửa, và nhất định thế nào cũng phải mua một bức tranh kính. Cũng xưa, tranh được vẽ thủ công là chính. Rất mất thì giờ. Nay thì có khuôn có mẫu. Những dòng tranh thường thấy là tranh mừng đám cưới, nhà mới, mừng thọ… Có nhiều khách hàng ở xa lắm cũng tới tận đây mua tranh.

Xưởng tranh kính của nghệ nhân Trần Hữu Nghĩa. Ảnh: Đ.B.T
Xưởng tranh kính của nghệ nhân Trần Hữu Nghĩa. Ảnh: Đ.B.T

Cơn mưa ban chiều đến không hẹn trước. Và vì cù lao ở giữa sông nên tôi có cảm giác mặt đất dưới chân mình đang đu đưa, như thể nó xê dịch. Từ bờ đi ra cù lao phải leo lên một cây cầu cao chót vót, lại nhỏ xíu, có lắp đèn xanh đèn đỏ. Sở dĩ phải lắp là vì ô-tô không thể tránh nhau trên cầu mà phải đi từng lượt một. Bên này lên thì bên kia dừng, và ngược lại. Tôi đã từng đọc, trong một truyện ngắn hoặc một đoạn tiểu thuyết nào đó, tả về thời kháng chiến chống Mỹ người ta phải chạy ra những cù lao, những cồn đất giữa sông để trốn khỏi bị bắt lính. Và từ đấy đã nung nấu ý niệm nhất định phải có lần đặt chân lên một cù lao… Tôi lớn lên bên những con sông miền núi phía Bắc. Núi cao, sông nhỏ, chảy xiết, giữa sông không bao giờ có cồn hay cù lao, mà thi thoảng chỉ có những bãi bồi, mùa cạn thì nhô lên chút ít, mùa mưa thì mất hút. Thế nên, đi trên cây cầu ra cù lao mà có cảm giác như mình đang đi ra… đảo. Và dưới chân mình kia không phải mặt sông mà là mặt biển.

Lại nói Cù lao Giêng. Tôi thường mơ mộng hình dung về những cù lao dài và nhỏ hẹp, nằm trơ trọi giữa dòng nước mênh mông chảy xiết, không có người ở, và xanh rì cây cối với chim muông… Thế nên, điều khiến tôi bất ngờ nhất là nó lại dài và rộng đến mức ở trên đó có cả trường học, nhà thờ, tu viện…

Tôi ghé vào tu viện lúc trời đã xẩm tối. Có tu viện dành cho nam giới, và tu viện dành cho nữ giới. Tu viện nam mở cửa, khách nam và nữ đều có thể đi vào trong khuôn viên, vườn cây, khu mộ các vị thánh, còn tu viện nữ thì cấm nam giới. Các thầy tu ở đây có một câu tạm hiểu rằng: Chúng ta là những người anh em hèn mọn. Tôi chỉ nghe một lần và nhớ như in trong đầu. Với Thiên Chúa giáo, hiểu biết của tôi bằng 0. Và với con số không ấy, tôi muốn được mở rộng những cánh cửa cảm xúc của mình để nhận vào những gì mà tự Thiên Chúa giáo tỏa ra.

Không gian yên tĩnh tuyệt đối, trừ những tiếng rỉ rả của côn trùng. Khu vườn cây nặng trĩu những quả. Bên trên, tầng hai của khu nhà, sát với lối đi, một vài căn phòng đang sáng đèn. Nghe nói, hằng năm, các cha từ rất nhiều nơi về đây, dành ra một tuần, ở trong phòng, đóng cửa chỉ để suy nghĩ và viết. Suy nghĩ về những việc mình đã làm được trong một năm qua, và về những điều mình cần phải tiếp tục cống hiến trong năm tới. Một tuần ấy có người phục vụ, cơm nước tận phòng. Một cách đóng cửa cả nghĩa đen và nghĩa bóng, để nghĩ suy tận cùng về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

Cổng tu viện nữ hé mở, chúng tôi cứ liều đi vào. Các dì đang ngồi túm tụm ở hiên ngôi nhà ngay lối vào, có lẽ là đang sinh hoạt gì đó. Cậu em tôi bảo, ở đây các dì ủ rượu chuối ngon lắm. Mình ghé mua về ăn tối. Quả là rượu ngon, thơm, nhẹ, và đáng nói hơn là cái cảm giác tinh khôi mà nó mang đến. Nó có hương vị của cỏ cây, thiên nhiên, của ánh trăng và những ngọn gió an yên phóng khoáng.

Cơn mưa ban chiều như thể gột rửa tất cả những cây cối trên cù lao, khiến chúng vươn những ngọn những cành lên vòm trời đang thẫm dần.

Tôi đã từng có những đêm ngủ ở lưng chừng núi, còn lâu mới tới đỉnh, và cũng không có cách nào di chuyển xuống chân núi. Cái cảm giác lưng chừng, biệt lập với cõi người, xa hút cái đời sống thường nhật đầy những áp lực, âu lo; cái cảm giác rơi vào một thế giới khác chỉ có cây cối, côn trùng, sương, gió, và tiết trời buốt giá như kim châm… khiến tôi thấy như là mình đang di chuyển vào một cuộc đời khác. Lùi xa cái cuộc đời thường hằng, nhìn lại nó một cách điềm tĩnh, và ít nhiều có gì đó tương đồng với các thầy đang đóng cửa nghĩ suy suốt một tuần lễ trong tu viện kia. Đấy chỉ là một khoảnh khắc hiếm hoi thôi, không dễ gì có được trong suốt mấy chục năm làm người từng đi qua vô số những thăng trầm để tồn tại. Và tôi tin rằng, mình sẽ không bao giờ quên được nó.

Bây giờ tôi muốn ở lại giữa cù lao, để đêm xuống có thể nghe thấy tiếng những con dế kêu, nghe thấy tiếng lá rơi, sương rơi, hay gió lao xao, hay là tiếng thở dịu dàng của dòng sông mênh mông tít tắp… Rồi một lúc nào đó tôi cũng sẽ nhớ lại rằng tôi đã từng từ bỏ một bờ sông với đầy những ánh đèn xe cộ, để ngồi dưới bóng của một bức tượng được tạc từ một cây cột trụ nhà thờ đổ nát do chiến tranh và nhìn lên vòm trời không có một ánh đèn cao áp nào.

Nhưng rốt cuộc thì chúng tôi vẫn vào bờ. Lại đi qua cây cầu cong veo, cao vút, xe cứ thế bò lên mà không nhìn thấy phía bên kia. Chúng tôi ngồi trong căn nhà cổ, ăn cơm với món cá kho mặn rất ngon, và uống rượu chuối mang về từ tu viện. Tôi có ý nghĩ là mình đang uống cả một dòng sông. Dòng sông miền Tây chở đầy những huyền thoại mở cõi.

Chợt nhớ lời ông già Trần Hữu Nghĩa, người được gọi là nghệ nhân tranh kính trên cù lao. Lúc chiều, khi cơn mưa dữ dội đổ xuống níu chúng tôi ở lại trong căn nhà đầy những tranh, và vừa ăn món chè bưởi bà nấu vừa nói chuyện lan man, ông bảo: Từ cái lúc tôi mới học lớp nhất lớp nhì đã thấy người ta vẽ tranh rồi. Xem riết rồi mê, rồi theo nghề lúc nào không biết. Nghề có lúc thăng lúc giáng, có lúc làm không kịp bán, cũng có lúc như giờ, tranh xếp đầy trên giá mỏi cổ đợi người mua. Nhưng nghề không phụ người đâu. Ông già chốt một câu vậy.

Tôi cũng muốn tin là nghề không phụ người. Nhưng tranh kính là thứ có thể để rất lâu, vài chục năm vẫn đẹp, chỉ cần lau sạch là đẹp tinh tươm như mới, vì phần sơn nằm ở phía sau mặt kính. Có khi đi hết cả một đời người vẫn chưa hết đời một bức tranh. Thế mà ông lại còn làm rất cẩn thận, tô vẽ rất kỹ càng, ba bốn công đoạn mới xong một bức tranh. Tranh không hỏng, ai đi mua tranh mới làm gì? Chưa kể, dần dà thị hiếu người ta cũng thay đổi. Thị trường thì nhốn nháo ồn ào đủ loại. Ông bà cha mẹ còn thích tranh kính, chứ con cháu đã chắc gì…

Nghĩ thế thôi, đâu có lòng dạ nào mà nói ra.

Ông già có cái gì đó như linh hồn của cù lao này. Giống như nhà thờ, tu viện, có lẽ thật khó hình dung nếu như cù lao Giêng không có một tiệm tranh kính như là nó đã hiện diện ở đây hàng bao nhiêu thập kỷ…

Tôi đã để lại đằng sau cơn mưa ấy, nhưng những giọt cuối cùng thì vẫn còn trên tóc lúc tôi đi ra khỏi mái hiên và còn ướt lạnh trên vai suốt những ngày sau. Tôi cũng để lại mấy bậc đá dẫn lên thềm phía sau tu viện, nơi tôi đã ngồi xuống và khẽ nhìn bức tượng màu gạch nung với một nỗi xúc động kỳ lạ. Bao nhiêu bàn chân đã đi qua đây, bao nhiêu hoàng hôn đã buông ở đây, và mặt đất mà tôi cảm thấy nó luôn đu đưa giữa sông này sao mà vừa thấy thực lại vừa thấy huyền diệu hư ảo. Liệu những người đầu tiên chạy trốn đất liền ra đây có từng hình dung rằng hàng trăm năm sau cù lao hoang vu sẽ trở thành một mảnh đất trù phú, ấm áp, biệt lập và kiêu hãnh, kiên định trong cuộc đời đầy những dịch chuyển biến đổi?

Khải Huyền

 

;
;
.
.
.
.
.