Thủ đô mới của Indonesia sẽ hưởng quy chế tỉnh tự trị

.

Thành phố thủ đô mới sắp được xây dựng tại hai huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan sẽ trở thành địa phương cấp tỉnh thứ 35 của Indonesia. Thủ đô mới của Indonesia sẽ mang quy chế tỉnh tự trị, trong khi vùng lõi dành cho các cơ quan chính phủ sẽ trở thành “khu vực đặc biệt”. Thông tin này vừa được Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa đưa ra trong tuần này.

Quang cảnh vùng East Kotawaringin, tỉnh Kalimantan sẽ là nơi được chọn để đặt thủ đô mới của Indonesia. Ảnh: AFP
Quang cảnh vùng East Kotawaringin, tỉnh Kalimantan sẽ là nơi được chọn để đặt thủ đô mới của Indonesia. Ảnh: AFP

Theo ông Suharso, Chính phủ Indonesia đang soạn thảo một đạo luật chi tiết về thủ đô mới, bao gồm cả việc thành lập một khu tự trị mới. Dự kiến, Tổng thống Joko Widodo sẽ sớm ban hành sắc lệnh thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc di dời và xây dựng thủ đô mới. Bộ Nội vụ nước này cũng cho hay, kế hoạch dời đô sẽ kéo theo việc ban hành và sửa đổi ít nhất 9 luật khác, trong đó có điều luật thay đổi quy chế đặc biệt hiện nay của Jakarta, một luật mới về quy hoạch không gian thủ đô và luật sửa đổi về chính quyền khu vực. Theo kế hoạch, công việc này sẽ được hoàn tất trong năm 2020 và để khởi công xây dựng thành phố thủ đô vào đầu năm 2021, với mục tiêu đưa trung tâm hành chính trung ương đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2024.

Cuối tháng 8-2019, Tổng thống Joko Widodo thông báo thủ đô mới của Indonesia sẽ được chuyển từ Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan, cách thủ đô hiện nay khoảng hai giờ bay. Nguyên nhân chính là do Jakarta đang bị đe dọa bởi tình trạng sụt lún đất và ách tắc giao thông nghiêm trọng. Kế hoạch di dời thủ đô dự kiến sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), trong đó Chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư. Vùng lõi là nơi đặt Phủ Tổng thống, trụ sở các bộ và các tổ chức nhà nước khác, chiếm khoảng 56.000ha trong tổng diện tích 256.000ha của thủ đô mới và được đặt dưới quyền của một người quản lý do chính quyền bổ nhiệm. Tuy nhiên, hiện vai trò và thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý này vẫn chưa rõ.

Theo dự báo, vào năm 2024 sẽ có khoảng 205.000 cư dân chuyển đến sống ở thủ đô mới, trong đó bao gồm 180.000 công chức, viên chức và 25.000 thành viên lực lượng vũ trang. Trong 5-10 năm sau khi được di chuyển, thủ đô mới sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1,2 triệu người, bao gồm khoảng 800.000 người là con cái của các công chức, viên chức và khoảng 300.000 - 400.000 người làm trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ bổ trợ như nhà hàng, trung tâm mua sắm...

Theo Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển quốc gia Bambang Brodjonegoro, tuy có số dân dự kiến thấp hơn nhiều so với thủ đô Jakarta hiện tại, song thủ đô của một quốc gia không nhất thiết phải là thành phố lớn nhất hoặc là đầu não tập trung tất cả các hoạt động của đất nước, từ chính trị đến kinh tế. Việc phát triển thủ đô mới làm nơi tập trung các cơ quan đầu não của chính phủ là điều đáng để làm. Đã đến lúc Indonesia cần có các hệ thống thành phố với chức năng rõ ràng.

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã tách chính quyền trung ương với các hoạt động khác, chẳng hạn như Mỹ đưa Washington, D.C thành trung tâm hành chính và New York làm trung tâm kinh tế. Ngoài ra, Australia không đặt trung tâm hành chính ở thành phố lớn nhất là Sydney mà là ở Canberra.

Như vậy, thủ đô mới Indonesia đặt tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo sẽ sở hữu một hệ thống đô thị hiệu quả và được điều khiển bằng công nghệ nhằm cung cấp các dịch vụ công cộng. Thủ đô mới sẽ được xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon và là “cứ địa” cho các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo, bên cạnh trụ sở các cơ quan chính phủ. Trong khoảng 180.000ha đất ở tỉnh Đông Kalimantan được quy hoạch cho thủ đô mới, trung tâm hành chính sẽ chỉ cần khoảng 10.000ha và khoảng 30.000ha được Nhà nước bán trực tiếp cho các cá nhân và công ty với mức giá thấp hơn ở Jakarta.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.