Trên những chặng đường đi đánh giặc

.

Từ tháng 4 năm 1972, Mỹ tiến hành “chiến tranh phá hoại” lần hai đối với miền Bắc. Hàm Rồng – Thanh Hóa những ngày ấy chịu đựng sự tàn phá của quân thù.

Cung đường 20 - Quyết thắng huyền thoại hồi mới mở. (Ảnh tư liệu)
Cung đường 20 - Quyết thắng huyền thoại hồi mới mở. (Ảnh tư liệu)

Sau bữa cơm chiều, mấy anh em chiến sĩ chúng tôi quây quần kể cho nhau nghe chuyện về gia đình, quê hương, về bản thân mình. Có người đang mang những ước mơ, hoài bão lớn lao trên đường thực hiện nhưng đành phải gác lại. Đã hơn 9 giờ tối, mọi người bắt đầu đi ngủ.

Đêm ấy chúng tôi nhận lệnh rời nơi đóng quân. Tôi trằn trọc không ngủ.

Ngày 2-10-1972. Đơn vị chúng tôi đóng quân vào một làng phía bắc của sân bay S (Sao Vàng). Ở phía tây sân bay là công sự của các đơn vị cao xạ. Đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ bảo vệ Hàm Rồng (Thanh Hóa) thì nhận lệnh sáp nhập vào Trung đoàn 234 (mật danh lúc đó là đoàn Tam Đảo), một trung đoàn pháo cao xạ thuộc Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không- Không quân. 5 ngày sau, tôi được lệnh đi công tác. Đó là cuộc hành tiến trên đường 15.

Chiếc xe chở đoàn tiền trạm lao nhanh vun vút qua những bản làng của đồng bào Mường, qua những nương sắn, nương ngô, những cánh rừng già cây cối um tùm ôm lấy con đường chiến lược ngoằn ngoèo đi về hướng nam. Xe chạy qua những dốc cao, bên cạnh là suối sâu, vực thẳm. Ở những đoạn đường phẳng, xe lao đi vun vút; ở những đoạn khó đi, đất đá lởm chởm, nhất là những đoạn đường bị đánh bom, ngồi trên xe người cứ bị giật chồm lên rồi giật ngược lại. Xe xóc mạnh liên tục, ngồi trên xe rất mệt. Trời xế chiều, chúng tôi dừng lại ở một bản cạnh đường nghỉ ngơi ăn cơm chiều.

Đến 3 giờ sáng, bà chủ nhà gọi dậy, chúng tôi chuẩn bị hành lý và lên đường. Trời vẫn mờ tối, lái xe nổ máy lao vào đêm. Chiếc xe chồm lên, tiến về phía nam khi vừng đông đã ửng hồng. Chúng tôi dừng xe ở cạnh đường 15, ngụy trang xe cẩn thận rồi vào một nhà cạnh đường nấu ăn bữa sáng. Đây là địa phận nông trường Tây Hiếu, miền tây Nghệ An. Cơm nước xong xuôi, chúng tôi lại chuẩn bị lên đường. Xe nổ máy lao đi trong ánh sáng rực rỡ của buổi ban mai. Khi vượt ngầm sông Hiếu, nước chảy cuồn cuộn, nhất là vùng ngầm nước chảy bọt vung lên trắng xóa. Lái xe từ từ cho xe qua ngầm một cách thận trọng.

Chúng tôi bỏ lại đằng sau những xóm làng, những cánh rừng già, con suối, con khe. Khoảng hơn 11 giờ, chiến sĩ trinh sát nhận ra có máy bay. Trên trời, tiếng động cơ phản lực gầm rú xé tan cả một khoảng không gian im ắng giữa ban trưa. Một tốp máy bay gồm hai chiếc F4 và A3J trinh sát. Chúng tôi giở tấm bản đồ 1/25.000 ra tìm tọa độ chỗ đang dừng chân. Đây là địa phận huyện Tân Kỳ, cách thị xã Tân Kỳ 10km. Tốp máy bay trinh sát lượn lại lần thứ hai, hình như chúng không phát hiện được một mục tiêu gì lộ liễu dưới mặt đất hoặc không tìm thấy một động tĩnh gì dưới đất. Tiếng động cơ xa dần, xa dần.

Đến khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi đến thị trấn Đô Lương. Thị trấn soi mình bên bờ sông Lam nước lững lờ trôi về xuôi, với những bóng tre xanh, ở đó chợ vẫn họp, hàng hóa vẫn được trao đổi, những bà hàng vẫn ung dung bày la liệt hàng ngũ kim, hàng thủ công. Bên những ụ súng 12,7 ly, đại liên, những tay súng dân quân trực chiến để bảo vệ quê hương, bảo vệ 3 cái đập cung cấp nước cho xóm làng mấy huyện cày cấy. Tôi đi trên đường phố, lặng người suy nghĩ: Nơi mảnh đất đầy bom đạn này, kẻ thù tưởng chừng như bóp nghẹt cuộc sống ở đây, nhưng trái lại, không những người ta không sợ mà người ta dám nhìn thẳng vào cái chết để sống một cách hiên ngang, tin tưởng, lạc quan.

Chiều hôm ấy, sau khi rời Đô Lương đi được mấy cây số thì trời đổ mưa to, mưa cứ như ai bê thùng nước trút xuống mặt đất. Vì chiếc cầu này ban ngày dân quân tháo dỡ không cho xe đi, nên chúng tôi tạm cho xe vào một bụi tre bên cạnh đường chờ đợi. Trời mưa nên dân quân lát cầu sớm cho xe qua. Đêm ấy, chúng tôi nghỉ tại nhà của một trạm trồng cây ở Nam Đàn. Ngày hôm sau chúng tôi lại lên đường, theo đường 70 qua Thạch Trường (Hà Tĩnh), sang đường 21 rồi đường 22 và đến hôm 17-10 thì tới cây số 8 và đường 22A (Quảng Trạch, Quảng Bình).

Ngày 28-12-1972. Mấy hôm nay nghe tin B52 đánh phá Hà Nội một cách ác liệt. Song Hà Nội không phụ lòng của cả nước, không phụ lòng tin của hàng vạn chiến sĩ đang ào ạt xông lên chia lửa cùng Hà Nội. Hà Nội không phụ lòng tin của bạn bè đồng chí năm châu. Và Hà Nội đã thắng!

Giặc Mỹ ném bom xuống Hà Nội, giặc Mỹ muốn khuất phục Việt Nam. Nhưng ta vẫn hiên ngang. Cái hiên ngang lẫm liệt lạ thường. Giặc Mỹ muốn cho tiếng nói của chúng ta không còn. Song tiếng nói của chúng ta – tiếng nói chính nghĩa, của người chiến thắng vẫn sang sảng vang lên thức tỉnh loài người, thức tỉnh những ai còn mơ hồ về chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Tiếng nói ấy, tiếng thiết tha, đầy sức hấp dẫn kêu gọi dân ta, chiến sĩ ta xông lên.

Yêu cuộc sống, ca ngợi cuộc sống, những bản dân ca được cất lên, những bản nhạc giàu chất trữ tình, làm cho quân thù khiếp sợ. Kẻ thù muốn dập tắt tiếng hát của chúng ta, nhưng chúng không thể làm nổi. Tiếng hát của chúng ta, tiếng hát trữ tình đó vang xa thấm sâu vào lòng, vào trái tim hàng chục vạn con người.

Khi ghi những dòng này, trái tim tôi run lên, nhịp đập nhanh hơn – mình đang xúc động trước chiến công của Hà Nội. Những ngày hôm nay đơn vị mình cũng thi đua bắn rơi nhiều máy bay Mỹ chia lửa với Hà Nội, chào mừng chiến công của Hà Nội, của con người Hà Nội anh hùng.

Quảng Bình đang hướng về Hà Nội, thi đua với Hà Nội bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Quảng Bình đã dâng món quà thiết thực của mình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 700 để chào mừng thành tích chung của Hà Nội hôm nay…

Trương Minh Dục
 

;
;
.
.
.
.
.