Thừa cân và béo phì đang ở mức báo động trong cộng đồng người dân Đông Nam Á, buộc các quốc gia phải tăng cường hành động nhằm giảm tình trạng này.
Thức ăn chiên đường phố là một trong những nguyên nhân gây béo phì. |
Báo cáo về tình trạng béo phì của Viện Nghiên cứu Fitch Solutions Marco Research cho biết, các nước Đông Nam Á đang chứng kiến sự gia tăng số lượng người trưởng thành béo phì rất lớn trong giai đoạn từ 2010 tới 2014. Singapore tăng 24%, Malaysia tăng 27%, Indonesia 33% và Việt Nam đứng đầu với 38%. Một người được gọi là béo phì có chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt qua 30. BMI là chỉ số giữa cân nặng và chiều cao mà một người bình thường chỉ ở mức từ 18,5 tới 24,9.
Trong một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam đối với 5.028 học sinh, có tới 42% ở khu vực thành thị bị thừa cân hoặc béo phì so với 35% ở vùng nông thôn. Cả Malayslia và Brunei cũng có tỷ lệ béo phì đáng lo ngại trong lứa tuổi từ 5 tới 19. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khảo sát cho thấy, trẻ em Malaysia từ 5 tới 19 tuổi có tỷ lệ béo phì cao nhất Đông Nam Á với 12,7%, Brunei thứ nhì với 14,1%. Indonesia cũng đã thực hiện khảo sát sức khỏe cơ bản trong năm 2018 và cho thấy xu hướng tăng cân đều đặn từ năm 2007 đến năm 2018. Cuộc khảo sát thực hiện trên 1,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên cho kết quả có khoảng 1/3 người trong số đó có chu vi vòng eo “không lành mạnh”.
Hệ lụy của chế độ ăn uống không lành mạnh
Trong nửa đầu thế kỷ 20, phần lớn các nước châu Á gặp vấn đề về tình trạng thiếu dinh dưỡng. Nhờ nửa thế kỷ sau phát triển kinh tế và tăng trưởng thu nhập nên tình trạng thiếu ăn cơ bản được giải quyết. Người châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng có thể tiếp cận thực phẩm ngày càng tốt hơn, một thực tế cho thấy là tuổi thọ tăng cao trên khắp lục địa. Tuy nhiên, việc tiếp cận thực phẩm không hoàn toàn tốt lành bởi khi thu nhập tăng lên thì nhiều người có xu hướng sử dụng thực phẩm nhiều chất béo, protein, sữa, đường và thức ăn nhanh.
Thức ăn chiên giá rẻ đường phố ở Malaysia bị cho tạo rủi ro cao đối với sức khỏe người dân. Trong khi đó, người dân Thái Lan lại có xu hướng thích dùng nhiều đường hơn. Nếu năm 1997, chế độ đường hằng ngày của người Thái Lan là 19 muỗng cà-phê thì tới năm 2019 lên đến 28 muỗng. Người Singapore ít hơn với mức trung bình 12 muỗng cà-phê đường mỗi ngày.
Chế độ ăn uống không lành mạnh ấy đã khiến người dân Đông Nam Á chiếm tới 20% tổng số bệnh nhân tiểu đường toàn cầu. Số lượng ca tử vong về tim mạch cũng tăng đột biến trong hai thập niên qua. Các bệnh liên quan đến béo phì chiếm tới 15% chi phí chăm sóc sức khỏe quốc gia của Indonesia và 19% của Malaysia. Hệ lụy của béo phì có thể dẫn tới một số bệnh như: viêm xương khớp, ngưng thở khi ngủ, bệnh thận, đột quỵ và huyết áp cao. Phụ nữ mang thai bị béo phì có thể xuất hiện những biến chứng gây hại cho sức khỏe mẹ và con.
Tập thể dục và giảm đường
Tập thể dục là lời khuyên của các chuyên gia y tế bởi đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa và giảm béo phì. Trong những ngày đầu năm 2020, một tỉnh ở Indonesia đã đưa 50 sĩ quan cảnh sát thừa cân vào chương trình tập thể dục, bơi lội và chạy bộ trong thời gian 2 tuần với sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng và y tế.
Ngoài ra, chính phủ nhiều nước đã đánh mạnh vào yếu tố đường trong thực phẩm. Singapore bắt đầu “đối xử” với đồ uống có đường theo cách mà các nước khác đối xử với thuốc lá. Đó là cấm quảng cáo và bắt buộc dán một nhãn thông báo đây là đồ uống không lành mạnh. Mục tiêu của chính phủ Singapore là giảm tỷ lệ tiêu thụ đường để giảm các căn bệnh dễ phát sinh từ béo phì là tiểu đường và tim.
Malaysia đã thực hiện đánh thuế đường từ đầu tháng 7-2019 đối với đồ uống có đường đóng sẵn. Thứ trưởng Bộ Y tế Malaysia Lee Boon Chye lạc quan về khả năng khắc phục tình trạng béo phì trong thời gian tới, bởi ông tìm hiểu từ các quốc gia khác thấy việc tăng thuế đường làm giảm lượng đường tiêu thụ. Ngay cả những đồ uống sirô bán trên thị trường hiện nay đã ít ngọt hơn trước. Quy định ghi rõ thành phần chế biến ít đường cũng giúp người tiêu dùng có lựa chọn lành mạnh hơn. Phần lớn các nước đang phát triển rất nhạy cảm về giá nên một loại thuế như vậy sẽ giảm tiêu thụ rõ rệt hoặc nhà sản xuất buộc phải thay đổi công thức chế biến. Một trong những công ty sản xuất đồ uống có đường lớn nhất Malaysia là F&N đã phải thay đổi tới 70% sản phẩm của mình để tránh tăng giá làm giảm sức mua.
ANH THƯ (tổng hợp)