Cây mai ngày Tết của ba

.

Tôi từng nghe ai đó đã nói rằng, những ngày gần Tết mới thực sự là Tết. Bởi tiết trời thì se sắt mà thời gian và nhịp sống thì vùn vụt trôi mau theo từng khoảnh khắc, như thể, điều gì cũng mong cho thật trọn vẹn, cho thật tinh tươm trước khi năm cũ khép lại, đón chào năm mới Tết đến. Còn tôi, trong một chiều trở gió này, tôi lại quay quắt nhớ về ba, nhớ như in hình bóng ba cùng cành mai trong những ngày Tết.
Với ba, ngày Tết quan trọng nhất trong nhà là phải có hoa mai.

Ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ảnh: Phan Vĩnh Yên

Mạ tôi thường hay tặc lưỡi mỗi khi Tết đến: “Thôi, có dăm ba ngày, nhà mình cũng không thiếu chi, quần áo mấy anh em bây còn mặc được, từ từ mạ sắm mới. Bây lớn rồi, năm ni ưu tiên cho thằng út…”. Điều này, mãi đến tận khi lớn lên, tôi mới hiểu, đó là những chắt chiu sắm sửa Tết một cách tằn tiện của mạ để ba vui với sự hiện diện của cành mai trong nhà những ngày Tết.

Xưa, nghèo khó đến mấy, ba cũng gắng chờ đến ngày cuối cùng của năm, lặn lội cả buổi nơi chợ hoa Xuân để mua bằng được một cành mai về chưng dăm ba ngày Tết. Ba chăm chút cành mai lắm, từ nước đến chậu để trưng và cả việc trang trí cành mai làm sao phải thật tương xứng với tầm quan trọng về sự hiện diện của hoa mai trong dịp Tết. Năm nào tiết lạnh, ba còn quấn cả vải vào gốc của cành để giữ ấm, chong cả cây đèn dầu sưởi ấm để hoa kịp rộ vào đúng sáng mồng một. Cành mai nào ba chọn, hoa cũng rực màu vàng tươi, cánh tròn to, nở đều, năm cánh tượng trưng cho ngũ hành, nhưng nếu gặp được bông mai nào nhiều hơn 5 cánh, ba càng vui và trầm trồ “mai nhiều cánh vậy thì năm nay nhà mình nhiều may mắn lắm đây tụi bây ơi”.

Việc trang trí cành mai là cả một kỳ công và luôn được ba chuẩn bị từ rất sớm. Ba thường giữ lại những tờ báo, trang bìa tạp chí đã bỏ đi, tìm những bức hình cảnh sắc mùa xuân tươi tắn, nắn nót dùng kéo cắt ra, rồi lấy sợi chỉ khâu làm dây treo để gắn vào cành, hiếm lắm mới có bức thiệp chúc xuân được ba cóp nhặt đâu đó; rồi thêm dây đèn nhấp nháy, cả những phong bao lì xì… Đêm giao thừa, sau khi lễ chùa, cành lộc đầu năm được ba treo lên cành mai một cách trang trọng. Dường như tất cả hương vị của ngày Tết xưa đều hiện diện một cách đủ đầy qua cành mai của ba.

Kế đến, việc đặt cành mai vị trí nào trong nhà cũng là cả một nghệ thuật được ba chú trọng. Vị trí đó phải làm sao vừa đón được ánh sáng nhẹ của tiết xuân, vừa không bị ảnh hưởng của khí lạnh. Mà ánh sáng nhẹ trong nhà chúng tôi, có khi là vệt nắng tình cờ xuyên qua lỗ thủng của mái tôn, thản nhiên đậu vào cành mai thứ ánh sáng ấm áp và lung linh đến lạ. Vị trí đặt cành mai phải làm sao mà khách đến đều có thể ngắm nó dưới một góc nhìn thiệt đẹp, trọn vẹn nhất. Và, cứ mỗi bận khi ai đó đến chúc Tết với lời khen ngợi dành tặng cho cành mai luôn khiến ba vui cười trong suốt câu chuyện trò.

Cũng có những cái Tết, các anh làm ăn dư dả đôi chút, mua tặng ba một chậu mai kiểng, chỉ là một cây mai vàng Bình Định, cành lá khẳng khiu, cao chưa quá đầu con trẻ. Dù chưa đủ chuẩn theo đúng kiểu “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ” như kinh nghiệm dân gian, nhưng ba quý lắm, vui lắm, bởi có lẽ chưa bao chừ trong nhà có nguyên một cây mai đủ đầy đến như vậy. Mà giống hoa cũng lạ, chỉ nở được đúng cái lần mới mua về. Mùa Tết năm sau, mặc dù được ba chăm chút kỹ lắm, nào là ánh sáng đủ độ, bón phân đúng liều, nào là tuốt lá, trẩy cành đúng lúc đến cả những khi trời se lạnh, ba lại dùng đủ cách để giữ ấm cho cây, chỉ mong hoa kịp nở…, vậy mà cây thì vẫn tươi tốt, chớm chồi, nhưng hoa đâu chẳng thấy. Mấy hôm liền trông ngóng mai không chịu nở hoa, ba buồn, chẳng cười nói như mọi khi…

Rứa mà không hiểu sao, sáng mùng một Tết về thăm nhà, tôi thấy cây mai lại rộ hoa, những bông vàng tươi, cánh tròn to, nở đều, vẫn được trang trí thật hoành tráng và đặt ở nơi trang trọng. Hỏi răng hay rứa, ba cười khoe cả những chiếc răng sún hóm hỉnh: “Hoa bằng giấy màu đó, nhưng vẫn đẹp mà, thiệt giả có răng mô, miễn nhà mình vẫn có một cây mai đủ đầy tươi tắn, phải không bây?”. Bọn trẻ nhà tôi cũng reo vui theo niềm hân hoan của nội mà xuýt xoa: “Nội thiệt khéo tay quá, ba hì”.

… Từ ngày ba mất, Tết trong tôi đã không còn trọn vẹn. Chừng như sự trọn vẹn bây chừ nằm ở nỗi nhớ, ở mỗi lần nghĩ về ba. Và cây mai cũng không còn nở hoa vào ngày Tết nữa, dù chỉ là những bông hoa giấy sắc vàng tươi, cánh tròn to, nở đều từ đôi bàn tay gầy guộc ba chăm chút. Cây mai đẹp nhất, đượm hương nhất đã ở tận đâu của một cái Tết xa xưa, cái Tết có ba với nụ cười thật hiền...

Tô Hùng
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.