Những vết lõm tròn đầy (*)

.

Mùa xuân, khi những tia nắng vàng ấm áp chiếu xiên qua từng tán lá, không ai khỏi ngẩn ngơ trước cảnh tượng những chú chim nhỏ miệt mài gắp từng cọng rơm vàng óng ả, tỉ mẩn dệt tổ trên ngọn cây cao. Sự lặng thầm đầy kiên nhẫn khiến tôi hình dung đến thân phận những người phụ nữ trong cuốn sách Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng của Trần Huyền Trang. Sự đối sánh đôi khi thật cần thiết để thấy rằng, chỉ có yêu thương mới làm nên và bảo vệ vẹn tròn tổ ấm của mình…

Tập truyện gồm 24 truyện ngắn, hầu hết đều viết về thân phận phụ nữ. Bóng dáng của họ thấp thoáng trong trang viết Trần Huyền Trang không nhàn nhạt, một màu. Mỗi câu chuyện như một cuộc đời thật bước ra từ đâu đó trong muôn nẻo nhân gian. Họ riêng mang những câu chuyện đời, những nỗi đau, niềm trăn trở nhưng cuối cùng họ đều hướng về tổ ấm của mình bằng sự hy sinh thầm lặng. Đó không phải là sự lựa chọn thiệt thòi mà chính điều ấy làm vẹn tròn tất cả.

Người đọc khựng lại trước hình ảnh người mẹ già đôi tay nhăn nheo, gầy guộc vẫn ngày ngày hơ tay bên bếp lửa um khói với ý nghĩ phải giữ ấm đôi tay để khi người con của mình trở về, áp vào mặt con cho con an lòng trong “Hiên nhà có mưa”. Dù trong câu chuyện ấy, người mẹ không phải là nhân vật chính nhưng lại là nơi gợi cho người đọc hình dung về tổ ấm. Cũng chính nơi hiên nhà ấy, có một người con gái gắn đời mình bằng nỗi đau thầm lặng để chăm sóc cho người đàn ông mình được hứa gả dẫu biết rõ rằng, trái tim người ta đang thuộc về nơi khác. Mái hiên-nơi mỗi đời người dù bất bạt như cánh chim thiên di, cuối cùng cũng sẽ nhận ra: Bình yên ở đó!

Ai đó từng nói, hạnh phúc có một nhưng đau khổ thì muôn vàn. Những mảnh đời trong văn Trần Huyền Trang cũng đa sắc như sự muôn vàn ấy. Cuộc đời của Di trong “Những sợi chỉ màu” gợi cho người đọc sự xót xa: “Rồi anh và cô, mỗi người như một sợi chỉ, đời có công khâu vá họ vào nhau. Nhưng bất công là sao đời lại còn rảnh rỗi dệt thêm một sợi chỉ màu mè sặc sỡ khác nữa, làm cô thấy mình như một sợi chỉ thừa”. Thừa bởi định kiến của mẹ chồng khi cố chen ngang vào giữa cuộc đời cô và chồng bằng một người đàn bà khác để thỏa mong mỏi có được một đứa cháu trai. Đời thường, mấy ai dễ nghiêng vai trút gánh sau những bạc bẽo nhận về mình. Nhưng rồi Di-thân phận sợi chỉ cũng vá víu lại nỗi đau đời mình để thứ tha cho những ước mong rất đời.

Ta bắt gặp nhân vật Từ trong Thanh xuân lần nữa trải qua bao đắng đót cuộc đời đã thu mình lại trong chiếc vỏ ốc an toàn. Cô biết thanh xuân không phải là ngôi nhà lộng lẫy để cô trú ngụ suốt đời. Rốt cuộc, thanh xuân cũng chỉ là ngăn hồi ức đầy hương vị để người ta hồi tưởng và đôi khi nuối tiếc. Từ không bày biện cuộc đời mình bằng những nỗi đau, nhưng chính nỗi đau đã cho cô cái nhìn sâu lắng để thêm một lần mở lòng đón nhận cuộc sống mới đẹp đẽ ở phía trước. Hạnh phúc ở trên từng chặng hành trình đúng với đời Từ khi cô biết từ giã ký ức buồn để chào đón niềm vui đúng lúc.

Phụ nữ luôn yêu hết mình, thương hết mình và đau tận cùng. Đôi khi, trên chặng đường tình có phần nhạt nhẽo sau bao tất bật của cuộc sống trì níu áo cơm, họ âm thầm chịu đựng nỗi đau và một thoáng chốc nào đó họ trở nên lạc lòng. Dẫu vậy, khi đi qua những cơn say, cơn điên và cơn đau trong truyện “Qua cơn”, người phụ nữ vẫn ở yên đấy - trong tổ ấm của mình với bao vụn vặt đời thường và thấy nó đáng quý, đáng trân trọng hơn.

Không phải ngẫu nhiên Trần Huyền Trang lại sắp đặt truyện ngắn Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng về vị trí cuối cùng của tập truyện. Căn phòng trọ cũ kỹ hay tổ chim lích chích trên máng xối không gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc sự khó nghèo. Thay vào đó ta liên tưởng đến tổ ấm dù nhỏ nhắn, đơn sơ vẫn hạnh phúc sum vầy. Đương nhiên, sau mỗi cánh cửa gia đình được mở ra, bao giờ cũng có những vấn đề.

Ví như nỗi buồn sâu thẳm của người vợ khi chồng mình mải mê đuổi theo công việc để lửa hạnh phúc dần nguội lạnh, hoặc sự thờ ơ của chú chim trống khi không cùng chim mái dựng xây chiếc tổ rơm để cùng ấp nở chim non. Đã có lúc người phụ nữ ấy từng bi quan: “Cơn bão nào rồi cũng sẽ tan, chỉ có bão lòng sẽ hóa đá ngay trong tim mình”. Ngẫm lại mới thấy, giữa bộn bề lo toan tưởng chừng khó lòng soi thấu, cơn bão nào rồi cũng sẽ tan khi mỗi người nhận ra những hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị trong chính ngôi nhà mình: “Khi cô dời tổ chim ra cành mít cho anh tiện ngắm nghía và đề phòng bọn chuột trộm lũ chim con, thật ngạc nhiên khi thấy hai mái đầu chụm vào nhau âu yếm. Ổ, bọn chim ấy mà, chúng cũng biết giữ lời hứa cho nhau lắm, huống chi con người”.

Trong muôn vàn gương mặt trên từng trang viết của Trần Huyền Trang, dù ở người phụ nữ kiêu sa chốn thành thị hay ở người lấm lem bùn đất nẻo quê mùa, họ đều có chung một đức hy sinh thầm lặng. Sự hy sinh luôn hướng về người khác, vì người khác như một bản năng. Dù nhận về mình phần thiếu khuyết, họ vẫn luôn chăm chút cho người mình yêu thương một cách vẹn tròn nhất. Giữa bao nhiêu lần buông-nắm của người đời, họ vẫn nhẫn nại ở đó-dưới mái hiên nhà để chờ đợi và yêu thương. Chính họ là mảnh ghép cuối cùng và quan trọng để làm cuộc đời tròn đầy hơn. Nói như Trần Huyền Trang: “Khuyết đi một người phụ nữ trong đời là một vết lõm mà cho dù đổi cả thế gian cũng không bao giờ đắp đầy được. Hoặc chỉ vá víu tạm bợ, rồi theo thời gian vết khâu vá ấy cũng bục dần ra, sâu thêm, vô cùng”!

Phan Vĩnh Yên

(*) Đọc Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng của Trần Huyền Trang. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. In xong và nộp lưu chiểu năm 2019.
 

;
;
.
.
.
.
.